Tái cơ cấu ngân hàng: “Lấy đá ghè chân mình”?
Đầu tuần tới (ngày 29/9), trong chương trình phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự kiến Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình sẽ trả lời chất vấn về tái cơ cấu hệ thống và xử lý nợ xấu.
Diễn biến phiên chất vấn còn ở phía trước, nên chưa rõ sẽ có hay không những khác biệt và sự mới mẻ thực sự so với thông tin đề cập thời gian qua.
Suốt gần ba năm thực hiện tái cơ cấu hệ thống, dễ thấy các dòng chảy thông tin chủ yếu dồn sự chú ý vào tiến độ, kết quả của các phép cộng số học, tức là có bao nhiêu ngân hàng yếu kém đã được xử lý; trong khi mảng có ảnh hưởng lớn nhất thì kết quả đến nay vẫn chưa thực sự lộ rõ.
|
1 năm 3 tháng nữa thôi…
Khác biệt và mới mẻ vì suốt gần ba năm thực hiện tái cơ cấu hệ thống, dễ thấy các dòng chảy thông tin chủ yếu dồn sự chú ý vào tiến độ, kết quả của các phép cộng số học, tức là có bao nhiêu ngân hàng yếu kém đã được xử lý; trong khi mảng có ảnh hưởng lớn nhất thì kết quả đến nay vẫn chưa thực sự lộ rõ.
Đó là tái cơ cấu các ngân hàng thương mại nhà nước: đã và đang triển khai đến đâu, kết quả bước đầu như thế nào, đâu là những trở ngại…?
Trước hết, theo sự quan tâm chủ yếu thời gian qua, kể từ sau sự kiện PVFC hợp nhất với Western Bank thành PvcomBank, đã một năm qua không có thêm kết quả nào về số lượng các cuộc sáp nhập, hợp nhất các ngân hàng yếu kém. Dồn thêm, số lượng các tổ chức tín dụng yếu kém mà Ngân hàng Nhà nước xác định thêm cũng là đáng kể.
Theo các thông tin cập nhật mới nhất, đề án sáp nhập Southern Bank vào Sacombank bước đầu bị Ngân hàng Nhà nước từ chối phê duyệt (có lẽ do một số nội dung cần điều chỉnh và hoàn thiện lại); kế hoạch nhà đầu tư nước ngoài vào tham gia tái cơ cấu GP.Bank đã một năm qua vẫn mất hút; tương tự là phương án PG Bank về với Vietinbank chưa rõ sẽ thế nào sau “dự tính đơn phương” đầu năm nay…
Đầu tháng 4/2014, Thống đốc Nguyễn Văn Bình từng định hướng sẽ tiếp tục xử lý 6-7 ngân hàng qua hình thức sáp nhập…, nhưng tiến độ về số lượng vẫn chưa hiện thực thêm.
Có lẽ, sau giai đoạn cấp tốc khoanh vùng để hạn chế ảnh hưởng bất lợi của nhóm các ngân hàng yếu kém trong năm 2012, Ngân hàng Nhà nước chuyển sang những bước đi thận trọng hơn, để có thể chắc chắn hơn. Điển hình như việc chưa phê duyệt đề án sáp nhập Southern Bank vào Sacombank, hay kinh nghiệm hẳn đã được rút ra sau sự cố của Ngân hàng Xây dựng (VNCB) khi tự tái cơ cấu…
Nói cách khác, thận trọng về chất lượng tái cơ cấu quan trọng hơn là thành tích về mặt số học. Dĩ nhiên, có những nguyên nhân khác khiến tiến độ có vẻ đang chậm lại. Trong khi đó, việc thực hiện đề án tái cơ cấu hệ thống giai đoạn 2011-2015 chỉ còn lại 1 năm 3 tháng nữa thôi.
Còn nhiều việc phải làm
Trở lại với khối ngân hàng thương mại nhà nước, tiến độ và kết quả là điểm đáng quan tâm. Bởi đây là khối có ảnh hưởng lớn nhất, khi chiếm tới trên dưới 50% thị phần các mặt hoạt động của hệ thống. Một khối có quy mô lớn như vậy thì kết quả tái cơ cấu sẽ càng có ý nghĩa quyết định đối với chủ trương chung.
Cho đến nay, thông tin về kết quả tái cơ cấu các “ông lớn” quốc doanh còn khá hạn chế. Hy vọng tại phiên chất vấn tới, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sẽ cung cấp thêm thông tin để lường định cụ thể.
Còn với mức độ thông tin thời gian qua, có thể thấy vẫn còn nhiều việc phải làm ở khối này, nếu để đảm bảo lộ trình còn lại 1 năm 3 tháng nói trên.
Trong đề án chung mà Thủ tướng phê duyệt đầu năm 2012, có 9 giải pháp và cũng là 9 nội dung chính về tái cơ cấu khối ngân hàng thương mại nhà nước. Có một số nội dung đến nay đã cơ bản đạt được.
Thứ nhất, về thúc đẩy cổ phần hóa, sau khi ngân hàng MHB thực hiện xong, kế hoạch đã hoàn tất, ngoại trừ Agribank được định hướng triển khai vào thời điểm thích hợp.
Thứ hai, yêu cầu tăng nhanh quy mô và năng lực tài chính, về cơ bản cũng không tồi. Ba năm qua, thị trường và hoạt động ngân hàng khó khăn, nhưng khối quốc doanh nói chung đã không ngừng gia tăng quy mô tổng tài sản, vốn tự có và không còn tình trạng một số chỉ số tài chính nằm dưới chuẩn như trước.
Thứ ba, yêu cầu sớm làm sạch bảng cân đối, phấn đấu đạt tỷ lệ nợ xấu dưới 3% (theo tiêu chuẩn phân loại nợ và chuẩn mực kế toán của Việt Nam) ở khối này, theo báo cáo tài chính công bố, nhìn chung vẫn đảm bảo.
Ngoại trừ Agribank, các thành viên còn lại đang kiềm chế được nợ xấu dưới hoặc chỉ chớm trên 3%. Tuy nhiên, áp lực đang lớn lên khi quy mô trích lập dự phòng tăng mạnh thời gian qua và phía trước còn là thử thách của việc mở rộng vùng nhận diện nợ xấu theo Thông tư 09.
Thứ tư, yêu cầu từng bước giảm tỷ lệ dư nợ tín dụng so với vốn huy động về mức không quá 90% đến năm 2015 cũng đang gần hiện thực. Số liệu do Ngân hàng Nhà nước cập nhật đến 30/6/2014, tỷ lệ này tính trên thị trường 1 của họ đã giảm được về 90,99%.
Ngoài ra, về nâng cao quản trị điều hành, tiêu chuẩn công nghệ, chất lượng đội ngũ… là những nội dung khá rộng và khó gói gọn trong một vài kết luận cụ thể.
“Lấy đá ghè chân mình”?
Không có trong nội dung đề án nói chung, song những khuyến nghị gần đây của một số tổ chức nước ngoài đối với tái cơ cấu khối ngân hàng thương mại nhà nước là đáng tham khảo.
Như trong báo cáo đánh giá khu vực tài chính Việt Nam mà Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hoàn tất vào tháng 6 vừa qua, có những điểm khuyến nghị lớn.
Vì quy mô và sức ảnh hưởng của một khối chiếm tới trên dưới 50% thị phần, WB và IMF cho rằng cần lựa chọn công ty tư vấn quốc tế để thực hiện kế hoạch tái cơ cấu có hiệu quả.
Nhưng đáng chú ý hơn là khuyến nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần thực hiện các biện pháp để giải phóng nghĩa vụ chính sách cho các ngân hàng thương mại nhà nước.
Có thể hiểu đó là việc để khối này độc lập, tự chủ hoàn toàn trong quản trị điều hành, trong kinh doanh tương tự như các ngân hàng thương mại cổ phần, hay các tổ chức tín dụng khác (?). Điều này cũng được WB và IMF gián tiếp đề cập ở quan ngại hoạt động cho vay theo chỉ định, hay việc đại diện nhà quản lý vẫn tham gia trong cơ cấu quản trị, hay tỷ lệ sở hữu tư nhân rất nhỏ sau cổ phần hóa…
Tuy nhiên, hướng tái cơ cấu trên là không dễ. Bởi lẽ, Ngân hàng Nhà nước sẽ rất khó tự “lấy đá ghè chân mình”, khi cắt bỏ đi công cụ quyền lực của mình trong điều tiết và định hướng hoạt động của hệ thống.
Chiếm trên dưới 50% thị phần, khối ngân hàng thương mại nhà nước có vai trò và sức ảnh hưởng lớn trong thực thi các chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước; trong điều tiết và định hướng các dòng chảy tín dụng; trong xử lý các vấn đề an toàn hệ thống (như thay mặt Ngân hàng Nhà nước trực tiếp xử lý các ngân hàng yếu kém trong quá trình tái cơ cấu hoặc khi có rủi ro cục bộ xẩy ra); hay cả trong hoạt động an sinh xã hội…
Tuy nhiên, nếu khuyến nghị của WB và IMF về tái cơ cấu các ngân hàng thương mại nhà nước hướng đến việc hạn chế các rủi ro (như trong cho vay khối doanh nghiệp nhà nước, mà bài học điển hình là Vinashin, Vinalines…), san sẻ những “đặc quyền đặc lợi” nếu có của khối này cho sự bình đẳng trong kinh doanh của toàn hệ thống nói chung, thì hẳn là cũng cần thiết.
vneconomy
|