Phải thực sự thị trường hóa việc mua, bán nợ xấu
TBKTSG trao đổi với các chuyên gia kinh tế về giải pháp cho bài toán xử lý nợ xấu, khi mà quá trình này - gắn với sự hình thành và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), đang diễn ra một cách chậm chạp và thiếu hiệu quả.
Nguyên tắc “cứng” chi phối hoạt động xử lý nợ xấu của VAMC là theo “cơ chế thị trường” nhưng “không trực tiếp sử dụng tiền từ ngân sách nhà nước”. Nhìn vào thực tế hoạt động của VAMC, ông bình luận gì về tính “thị trường” trong việc mua, bán nợ xấu hiện nay và những giới hạn thực tế của phương thức “không trực tiếp sử dụng tiền từ ngân sách nhà nước”?
ThS. Đinh Tuấn Minh: VAMC như thiết kế ban đầu chỉ là chỗ tạm trữ nợ xấu của nền kinh tế chứ không phải là nơi xử lý nợ xấu. Chưa có yếu tố thị trường nào tham gia vào hoạt động của VAMC trong hơn một năm nay bởi chưa có sự chuyển giao quyền sở hữu thực sự nào giữa các chủ thể trong nền kinh tế. VAMC chưa mua đứt nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) và cũng hầu như chưa bán được đồng nợ xấu nào cho các chủ thể khác.
Nói VAMC không sử dụng tiền ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu là không đúng. Bản thân sự thành lập và vận hành VAMC với vốn điều lệ 500 tỉ đồng đã là sử dụng và tiêu tốn trực tiếp ngân sách nhà nước rồi. Vấn đề là chỉ với 500 tỉ ấy, có giải quyết được gì hay không.
Ths. Hồ Bá Tình: Theo Nghị định 53 về thành lập, tổ chức và hoạt động của VAMC thì VAMC vẫn có thể mua nợ theo giá thị trường. Tuy nhiên, với cơ chế hiện hành thì VAMC chắc chắn sẽ không làm được điều đó. Đây là điểm khác biệt lớn nhất giữa VAMC và tất cả các công ty xử lý nợ xấu của các quốc gia trên thế giới. Hiện nay, VAMC dùng trái phiếu đặc biệt để mua nợ. Tuy nhiên, quyền hạn xử lý nợ xấu lại hoàn toàn thuộc về chủ nợ đích thực là ngân hàng, còn VAMC chỉ đóng vài trò như là “người môi giới”.
Nguyên tắc “không trực tiếp sử dụng tiền từ ngân sách nhà nước” thì cần phải xem xét lại, định nghĩa một cách rõ ràng hơn. Không “trực tiếp” thì gián tiếp thông qua việc Chính phủ bảo lãnh các khoản vay của VAMC có được không?
TS. Nguyễn Đức Thành: Theo tôi hiểu tính thị trường trong hoạt động của VAMC sẽ nằm ở khâu bán các khoản nợ xấu ra cho các nhà đầu tư. Việc định giá và xác định người mua sẽ do thị trường quyết định. Tuy nhiên, cho đến nay chúng ta chưa xây dựng được đầy đủ các cơ chế pháp lý cần thiết để thúc đẩy quá trình này. Đặc biệt, với thực tế quyền tài sản, đặc biệt liên quan đến đất đai, không được xác định rõ ràng như hiện nay, thì việc đưa cơ chế thị trường vào các giao dịch nợ xấu không hề đơn giản. Có thể đó chính là điểm nghẽn căn bản.
Tổ chức và hoạt động của VAMC cần phải thay đổi như thế nào để đáp ứng kỳ vọng xử lý nợ xấu? Các định chế liên quan cần phải được xây dựng hoặc thay đổi ra sao?
Ông Đinh Tuấn Minh: VAMC cần phải hoạt động như là một nhà tạo lập thị trường trên thị trường mua bán nợ xấu. Muốn thế VAMC cần phải mua đứt nợ xấu từ các TCTD và tìm cách bán lại cho các doanh nghiệp quản lý tài sản trong nước và nước ngoài khác để thu hồi vốn, tạo dòng chảy vốn trên thị trường. VAMC cần phải được cấp vốn đủ lớn, ít nhất cũng phải độ 20.000 tỉ đồng. Vốn có thể từ ngân sách nhà nước, từ phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, hay từ vay một định chế tài chính nước ngoài nào đó.
Ông Hồ Bá Tình: Cho tới nay, những yếu tố cơ bản để xử lý nợ xấu ở nước ta đều thiếu, từ môi trường pháp lý, nguồn lực đến nhân lực. Cần thay đổi tất cả những yếu tố trên chứ không phải chỉ riêng VAMC. Đối với mô hình của VAMC, tôi cho rằng không nên thuộc Ngân hàng Nhà nước và hoạt động theo kiểu “hành chính” như hiện nay. VAMC cần hoạt động như một doanh nghiệp thực sự và có thể trực thuộc Chính phủ quản lý hoặc tốt hơn nữa thì thuộc Quốc hội. Đề xuất nâng vốn điều lệ lên 2.000 tỉ đồng của VAMC không thể giải quyết được vấn đề, VAMC cần nhiều hơn con số đó. Giải pháp tốt nhất để VAMC có nguồn lực là phát hành trái phiếu VAMC có Chính phủ bảo lãnh ở thị trường trong nước và quốc tế.
Ông Nguyễn Đức Thành: Chủ yếu là quyền tài sản phải được xác định một cách đầy đủ, và có thể chuyển giao từ con nợ sang ngân hàng, và từ ngân hàng sang một chủ đầu tư khác (người mua nợ xấu đó), với một chi phí giao dịch thấp. “Chi phí giao dịch thấp” được hiểu bao gồm yếu tố thời gian, số các bước thủ tục hành chính phải hoàn thành... Điều phổ biến ở Việt Nam là khi một ngân hàng muốn phát mãi tài sản bảo đảm (chủ yếu là bất động sản), họ tốn rất nhiều thời gian và chi phí. Trong trường hợp bất động sản của các doanh nghiệp nhà nước thì còn phức tạp hơn nữa, và thậm chí có thể nói là bất khả thi.
Đến thời điểm này, theo ông, liệu có cần một hoặc nhiều giải pháp “phi VAMC” để xử lý nợ xấu?
Ông Nguyễn Đức Thành: Tôi nghĩ vẫn có thể tiếp tục giải pháp VAMC, với việc trao thêm quyền và đi liền với cải cách thủ tục hành chính có liên quan. Tất nhiên trao thêm quyền mà không kiểm soát, giám sát tốt thì sẽ ẩn chứa nhiều vấn đề của sự lạm quyền. Đây là vấn đề chung của nền hành chính và pháp luật Việt Nam.
Còn giải pháp “phi VAMC” thì tôi nghĩ đó là những cách làm mạnh mẽ kiểu như quốc hữu hóa các ngân hàng nhỏ có quá nhiều nợ xấu, xuất phát từ sở hữu chéo. Như vậy sẽ cần một dòng tiền lớn để hỗ trợ, Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn hoặc phối hợp với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam chi trả cho người gửi tiền tại các ngân hàng đó một cách tối đa. Với cách làm này, vấn đề chính là nguồn tiền từ đâu và quản lý toàn bộ quá trình như thế nào (thường đi liền với cải cách mạnh mẽ và dứt khoát hệ thống tài chính và doanh nghiệp).
Ông Đinh Tuấn Minh: Giải pháp VAMC chỉ có ý nghĩa nếu nó được thiết kế để giải quyết nhanh nợ xấu cho nền kinh tế, qua đó giúp nền kinh tế nhanh chóng lấy lại đà tăng trưởng. Mô hình VAMC hiện nay không đáp ứng được yêu cầu này. Nếu cứ tiếp tục theo kiểu “tay không bắt giặc”như hiện nay thì đó là một giải pháp thừa không cần thiết. Chính phủ nên tập trung các nguồn lực để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu khu vực doanh nghiệp nhà nước và cải cách nền hành chính công, nhờ đó giúp nền kinh tế hồi phục. Đấy cũng là giải pháp xử lý nợ xấu thay vì cứ phải loay hoay tìm cách thiết kế một VAMC theo kiểu đặc thù của Việt Nam.
Ông Hồ Bá Tình: Kinh nghiệm ở tất cả các quốc gia thì công ty xử lý nợ khi thành lập chỉ đóng vai trò “mồi”. Thế nhưng, do đặc thù của nền kinh tế, Việt Nam chưa có các tổ chức tư nhân, hay định chế nước ngoài tham gia mạnh mẽ quá trình xử lý nợ. Vì vậy cơ quan xử lý nợ xấu của nhà nước đóng một vai trò quan trọng hơn. Tuy nhiên, ngay lúc này Việt Nam cần xây dựng một môi trường pháp lý hoàn thiện để các tổ chức khác trong và ngoài nước, bản thân ngân hàng tích cực hơn trong việc xử lý nợ.
Làm sao để thuyết phục được những nghi ngại, kiểu như sao lại dùng tiền thuế của dân để cứu các ngân hàng, hay nói cách khác, trong quá trình này, các ngân hàng phải chịu trách nhiệm như thế nào về các khoản nợ xấu của mình?
Ông Nguyễn Đức Thành: Ở đây tôi chỉ muốn đi sâu vào một khía cạnh, đó là não trạng của số đông hiện nay liên quan đến việc giải quyết nợ xấu ngân hàng. Tôi hiểu tâm trạng đa số người dân là như sau: trước đây các ngân hàng đã hoạt động đầy rủi ro và thiếu trách nhiệm để đến nỗi tích lũy những khoản nợ xấu như ngày hôm nay. Những khoản lợi nhuận kếch xù từ những hoạt động rủi ro đó đã được phân phối cho các ông chủ ngân hàng và giới có liên quan. Giờ hậu quả của việc đó là một đống nợ xấu làm tắc nghẽn nền kinh tế. Vậy thì họ phải là người chịu trách nhiệm, đem tài sản của họ ra để đền bù thiệt hại, chứ không phải công chúng và ngân sách nhà nước. Vì thế, vấn đề sử dụng nguồn lực công vấp phải một phản ứng mang tính đạo đức.
Tuy nhiên, đây là trường hợp kinh điển đã gặp trong kinh Phật. Khi một người bị trúng mũi tên độc. Vấn đề không phải là ngồi thảo luận xem mũi tên đó bắn từ đâu, mục đích gì, làm từ chất liệu nào. Điều cần làm trước tiên là rút mũi tên ra khỏi cơ thể người bị nạn. Đây là thời điểm như thế đối với nền kinh tế Việt Nam.
Ông Hồ Bá Tình: Để gạt bỏ tâm lý nghi ngại này, VAMC cần hoạt động minh bạch. Mục tiêu của VAMC dù phi lợi nhuận nhưng cũng phải theo nguyên tắc bảo toàn vốn. Tức là những khoản nợ họ mua, bán theo giá thị trường phải tính toán trên cơ sở thận trọng. Trước mắt việc này có thể gây ra những xáo trộn nhất định trong hệ thống tài chính và nền kinh tế. Những mảng tối của hệ thống ngân hàng được lôi ra ánh sáng, ngân hàng phải chịu lỗ ngay. Quyền lực, vị thế các nhóm lợi ích bị thử thách. Tuy nhiên, nếu không chấp nhận những điều đó thì không thể xử lý được nợ xấu và đó là giải pháp tốt nhất hiện nay.
Ông Đinh Tuấn Minh: Nếu hoạt động đúng theo cơ chế thị trường thì bản thân việc mua bán nợ xấu mang lại lợi ích cho các bên. Tổn thất do nợ xấu đã được các TCTD ghi nhận một phần qua trích lập dự phòng hàng năm. Quyết định mua, bán nợ xấu ở thời điểm hiện tại là dựa trên các tính toán về kỳ vọng lợi ích và chi phí trong tương lai. Chẳng hạn ngân hàng thương mại (NHTM) có khoản nợ xấu 10.000 tỉ đồng. Khả năng thu hồi được chỉ là 50%, và ngay cả thế, thì cũng phải tốn nhiều nguồn nhân lực và cần nhiều thời gian. Vì vậy, NHTM quyết định bán lại khoản nợ xấu trên cho VAMC với mức giá 4.000 tỉ đồng để thu hồi vốn và đầu tư cho các hoạt động kinh doanh khác. Nếu giả sử NHTM đó đã trích lập dự phòng cho khoản nợ xấu trên là 5.000 tỉ đồng thì bây giờ chỉ phải ghi nhận lỗ 1.000 tỉ đồng. Còn nếu đã trích lập dự phòng là 7.000 tỉ đồng thì thậm chí ghi nhận lãi là 1.000 tỉ đồng nhờ hoàn nhập dự phòng.
Nguyên tắc hoạt động của VAMC cũng vậy. Từ kinh nghiệm của các nước trên thế giới nếu VAMC hoạt động có trách nhiệm và chuyên nghiệp theo cơ chế thị trường thì rất khó bị lỗ.
Mỹ Lệ
tbktsg
|