Thứ Tư, 24/09/2014 11:47

Vì sao công ty tài chính cho vay dễ dàng?

Lãi suất cho vay cao ít nhất gấp đôi ngân hàng nhưng thủ tục nhanh gọn đã giúp một số công ty tài chính hút được nhiều khách hàng.

Mới đây Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đưa ra dự thảo thông tư quy định hoạt động tín dụng tiêu dùng của công ty tài chính (CTTC) đối với khách hàng cá nhân dưới các hình thức như cho vay trả góp; cho vay thấu chi qua thẻ tín dụng; phát hành thẻ mua hàng. Và ngược lại, ngân hàng (NH) thương mại thực hiện cho vay tiêu dùng phải thành lập CTTC.

Ông Huỳnh Trung Minh, chuyên gia tài chính, cho rằng việc mua lại các CTTC hoặc thành lập mới sẽ đem lại nhiều lợi ích cho khách hàng, nhất là việc giảm lãi suất và nâng cao chất lượng dịch vụ.

NH cho vay khó hơn CTTC

Phóng viên: Xin ông cho biết sự khác biệt trong cho vay tiêu dùng của NH và CTTC hiện nay?

Ông Huỳnh Trung Minh: CTTC cho vay để tiêu xài theo đúng nghĩa là để mua xe máy, tivi, điện thoại, tủ lạnh... Đặc biệt CTTC chỉ được cho vay tín chấp mà không được cho vay thế chấp. Còn với NH, cho vay tiêu dùng có thể gồm cả tín chấp và thế chấp. Thông thường, NH sẽ cho vay khoản vay lớn hơn so với CTTC, thời hạn vay dài, đồng thời đòi hỏi thủ tục giấy tờ phức tạp hơn và thời gian giải quyết khoản vay lâu hơn. Điều đó cho thấy phân khúc cho vay tiêu dùng của NH và CTTC là khá khác nhau. Với NH, thông thường cho vay phải có tài sản đảm bảo và phải chứng minh thu nhập thì khoản vay mới được giải quyết. Điều này phù hợp với các khách hàng có thu nhập căn bản, rõ ràng... Còn CTTC chỉ cần phôtô CMND, hộ khẩu... hồ sơ sẽ được giải quyết rất nhanh chóng (có thể trong vài chục phút). Nhưng lãi suất của CTTC thường khá cao, ít nhất là gấp đôi so với NH.

Nhiều CTTC đã nhanh chóng thu hút được một lượng lớn khách hàng đến do cho vay dễ dàng?

Đúng vậy. Các CTTC đã đánh đúng tâm lý của một lượng khách hàng đáng kể thực sự có nhu cầu tiêu xài, cần vay các khoản vay nhỏ nhưng hầu như không đáp ứng được các yêu cầu của NH. Trên lý thuyết, hoạt động cho vay của NH sẽ ít rủi ro hơn CTTC.

Vậy tại sao lại có khác biệt này, thưa ông?

NH đa số cho vay tiêu dùng với khoản vay lớn để sửa chữa nhà, mua xe hơi... trong khi CTTC cho vay món nhỏ để mua điện thoại, tivi, xe máy, máy tính... Các món hàng nhiều khi chỉ vài ba triệu đồng. Khi có rủi ro xảy ra, một khoản vay của NH có khi bằng hàng chục khoản vay của các CTTC. Mặt khác, số lượng người có nhu cầu vay các món vay nhỏ hiện nay ở Việt Nam là rất lớn. Do vậy CTTC đã đánh vào phân khúc này và họ đã phát triển nhanh chóng, thu hút được khách hàng bằng thủ tục đơn giản, nhanh chóng… Các món vay nhỏ cũng dễ thu hồi nợ hơn. Trong khi đó chi phí vận hành của CTTC ít tốn kém hơn từ nhân sự, công nghệ… Ngược lại, với NH chi phí để vận hành là rất lớn.

CTTC trong và ngoài NH sẽ phải cạnh tranh dịch vụ

Nhưng tại sao nhiều CTTC vẫn chết?

Tổ chức làm tốt được như Home Credit do họ là CTTC nước ngoài có kinh nghiệm lâu năm, cơ cấu tổ chức và hệ thống vận hành chuyên nghiệp nên tiết kiệm được nhiều chi phí. Họ hướng dẫn thủ tục rõ ràng, phê duyệt nhanh chóng, đơn giản, đáp ứng đúng tâm lý của đối tượng khách hàng phổ thông là e dè thủ tục hành chính, ngán ngại tâm lý xin-cho. Trong khi một số CTTC (mà đa số là có nguồn gốc nhà nước) hồ sơ giải quyết chậm, nhân viên chưa thật sự chuyên nghiệp khiến khách hàng có cảm giác nhờ vả.

Một số CTTC hiện nay sẵn sàng miễn mọi khoản phí trong một tháng nếu khách hàng có tiền trả ngay tháng đó. Họ giải quyết hồ sơ vay nhanh chóng, liệu NH có làm được như thế?

CTTC sẵn sàng miễn cho khách hàng mọi loại phí nếu trong tháng đầu người mua trả được nợ 100% cũng chỉ là một cách thu hút khách hàng. Nó cũng tương tự cách khuyến khích tiêu xài thẻ tín dụng ở các NH, cũng miễn phí tối đa 45 ngày nếu khách hàng trả lại toàn bộ số tiền đã tiêu xài. Tuy nhiên, một thực tế rằng trong phân khúc khách hàng này, nếu họ có đủ khả năng thanh toán 100% cho khoản tiêu dùng trong vòng một tháng, họ đã không đi vay. Ngược lại, những người được cấp thẻ tín dụng toàn là những người có thu nhập rõ ràng và đa số có khả năng thanh toán hết khoản tiền tiêu xài trước khi bị tính lãi.

Ý kiến của ông về việc NH phải có CTTC mới được cho vay tiêu dùng?

Khi mua lại CTTC hoặc thành lập mới, dù sao NH cũng sẽ có nhiều thuận lợi do có nhiều kinh nghiệm, số vốn các NH bỏ ra để thành lập các CTTC cũng khá nhỏ so với tiềm lực. Khi NH có thêm CTTC, các NH sẽ có thêm một lượng khách hàng đáng kể. Chắc chắn lãi suất cho vay tiêu dùng sẽ giảm xuống và chất lượng phục vụ sẽ gia tăng khi CTTC của NH sẽ phải cạnh tranh với CTTC bên ngoài. Và người dân là người được hưởng lợi điều này.

Xin cảm ơn ông.

Yên Trang

Làn sóng mua bán CTTC sẽ rất sôi động

Tháng 8-2013, NHNN đã có văn bản chấp thuận chủ trương cho phép HDBank mua lại 100% vốn của CTTC Việt Société Générale (SGVF), một trong những công ty tài chính nước ngoài lớn nhất Việt Nam. Đến tháng 6 vừa qua VPBank cũng chính thức mua lại CTTC Than Khoáng sản… Một mô hình khác về sự kết hợp giữa CTTC và NH, chẳng hạn Tổng CTTC Cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC) và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Tây (Western Bank) tổ chức đại hội đồng cổ đông hợp nhất vào tháng 9-2013. Nhiều chuyên gia cho biết sắp tới làn sóng mua bán CTTC sẽ rất sôi động.

NHNN quy định thông tư về hoạt động tín dụng tiêu dùng với CTTC, lãi suất cho vay tiêu dùng do CTTC và khách hàng thỏa thuận trên cơ sở khả năng trả nợ của khách hàng, phù hợp với chính sách, quy định về lãi suất của NHNN. Lãi suất cho vay tiêu dùng của CTTC được tính theo ngày, tháng, năm hoặc trên cơ sở dư nợ thực tế trong kỳ tính lãi...


pháp luật VN

Các tin tức khác

>   Hồi hộp gửi lệnh thanh toán (24/09/2014)

>   Chưa đấu thầu vàng dù chênh lệch giá cao bất thường (24/09/2014)

>   Việt Nam-Sinagpore cần đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực ngân hàng (23/09/2014)

>   TPHCM kiến nghị lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội là 3%/năm (23/09/2014)

>   Tín dụng bất động sản khởi sắc (23/09/2014)

>   “Phản ánh ngay nếu bị phạt phí trả nợ trước hạn cao” (23/09/2014)

>   Lãng quên “cuộc chơi” tín dụng cá nhân? (23/09/2014)

>   Moody's nâng bậc tín nhiệm VIB và nâng triển vọng ACB, MBB, STB, Techcombank, VPBank lên “tích cực” (22/09/2014)

>   Lần đầu tiên tại Việt Nam, ngân hàng cố định lãi suất cho vay ưu đãi trong suốt 24 tháng đầu (22/09/2014)

>   Nợ VAMC đã mua hiện được xử lý ra sao? (22/09/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật