Sự thiếu minh bạch của thị trường tài chính và hậu quả
Một trong những khó khăn của việc tái cơ cấu ngân hàng là qua các loại báo cáo không thể biết một cách chính xác các con số quan trọng như nợ xấu, ROA (lợi nhuận trên tổng tài sản) và có khi cũng không biết ai thực sự là ông chủ của ngân hàng. Báo cáo FSA của IMF và WB đã không ít lần nhắc đến chuyện mập mờ con số của ngân hàng Việt.
Khi nói về chuyện ROA của các ngân hàng sụt giảm mạnh từ mức 1,8% của năm 2007 xuống chỉ còn 0,5% khi kết thúc năm 2012, báo cáo này vẫn cho là con số trên đã bị phóng đại, vì chất lượng số liệu tài chính còn thấp.
"Nói một cách khái quát hơn, thì chất lượng số liệu tài chính thấp đã ảnh hưởng đến việc đo lường một cách chính xác hầu hết các chỉ số hiệu quả hoạt động như ROA, tỷ lệ nợ xấu, và các hệ số vốn", báo cáo viết.
Theo báo cáo này, việc yếu kém về số liệu bắt nguồn từ một số yếu tố như quy định về phân loại nợ, và trích lập dự phòng còn chưa thỏa đáng, định giá tài sản thế chấp không đáng tin cậy, và phân loại một số tài sản nhất định là thanh khoản cần đặt câu hỏi. Thêm vào đó, còn có những quan ngại về việc xác định giá trị các tài sản phi tín dụng lớn trên bảng cân đối của các ngân hàng, đặc biệt là xác định chưa đầy đủ các khoản đầu tư, trong đó có một số khoản liên quan nhằm báo cáo thấp tỷ lệ nợ xấu), và thiếu minh bạch khi báo cáo về các hạng mục khác như khoản phải thu.
"Việc định giá cho đúng tài sản thế chấp, và không có những đánh giá kịp thời về khủng hoảng bất động sản vào trong báo cáo của hệ thống ngân hàng, đã góp phần tạo ra lượng nợ xấu lớn và rất nhiều khoản khó thu hồi.", theo báo cáo FSA.
Một trong các vấn đề mà báo cáo này nêu lên về chuyện minh bạch chính là mức độ tin cậy của các báo cáo tài chính. Khuôn khổ kế toán hiện hành theo Chuẩn mực kế toán Việt Nam được xây dựng từ 2003 theo Luật Kế toán trên cơ sở tham chiếu khuôn khổ của Hội đồng Chuẩn mực Kế toán Quốc tế vào thời gian đó, song vẫn tồn tại những khác biệt lớn giữa hai khuôn khổ này. Chuẩn mực kế toán Việt Nam vẫn có xu hướng báo cáo phóng đại khả năng sinh lời, giá trị tài sản và khả năng trả nợ của các tổ chức tín dụng.
Theo báo cáo FSA, các vấn đề của chuẩn mực kế toán Việt Nam trở nên trầm trọng hơn do hệ thống kế toán và kiểm toán thiếu vắng văn hóa minh bạch và trách nhiệm giải trình.
Nhìn chung, các báo cáo tài chính là không rõ ràng, đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhà nước, và chất lượng thông tin tài chính do các tổ chức tài chính cung cấp là kém, trong đó có báo cáo tài chính của các ngân hàng thương mại nhà nước. Hơn nữa chức năng giám sát tài chính yếu và không góp phần vào việc cải thiện chất lượng báo cáo tài chính của các tổ chức chịu giám sát.
Theo báo cáo này, công tác giám sát và quản lý hoạt động của ngân hàng gặp khó không ít do quy định về công bố thông tin nghèo nàn, và công bố các thông tin phi tài chính hầu như không có trên thực tế. NHNN hầu ít thực hiện giám sát hợp nhất và không theo dõi toàn bộ hoạt động của các ngân hàng một cách hiệu quả.
Trong khi đó, khuôn khổ pháp lý về giám sát hoạt động ngân hàng xuyên biên giới còn nhiều bất cập, chưa theo dõi sát hoạt động kinh doanh ở nước ngoài của ngân hàng trong nước.
Những lỗ hổng về minh bạch nói trên là một trong các nguyên nhân khiến cho khi nhiều ngân hàng gặp khó đồng loạt, NHNN mới nắm biết, lúc này, việc tái cơ cấu trở nên khó khăn hơn. Thực tế, con số nợ xấu cho đến nay của từng ngân hàng vẫn rất khó biết một cách chính xác. Đa phần các ngân hàng có nợ xấu được công bố dưới 4%, nhưng con số nợ xấu chung của toàn hệ thống lại thường cao hơn mức này rất nhiều. Việc mua nợ của Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) cũng mất thêm nhiều thời gian khi chọn lọc nợ, để biết chính xác số nợ của từng ngân hàng.
Trên thực tế, những điều nêu ra trong báo cáo này cũng đã có các động thái khắc phục từ phía NHNN, Ủy ban chứng khoán, song vẫn mới ở giai đoạn ban đầu.
Nói chuyện minh bạch, giám đốc một quỹ đầu tư đã không ngần ngại nói với TBKTSG Online rằng ông chưa dám mua cổ phần chi phối của các ngân hàng nhỏ, cho dù giờ chúng được bán với giá rẻ.
Điều ông quan ngại là ông không thể biết hết được thực hư hoạt động và tình trạng tài chính của nó thông qua báo cáo tài chính, và ai đang nắm các phần vốn chi phối của ngân hàng là không dễ biết (nếu ngân hàng chưa niêm yết), và liệu việc thay đổi các chiến lược quản trị có được chấp nhận không?. "Những rủi ro này là quá lớn đối với các tổ chức tài chính nước ngoài", vị này nói thêm.
Chắc đó cũng là suy nghĩ của nhiều nhà đầu tư tổ chức, vậy nên việc bán cổ phần cho đối tác ngoại của nhiều ngân hàng gặp không ít khó khăn.
Chương trình đánh giá khu vực tài chính (FSAP) được WB và IMF thực hiện bắt đầu từ năm 2012, và hoàn tất vào tháng 6 năm nay. Báo cáo trên là sự tổng hợp của chương trình FSAP trong đó đưa ra các đánh giá về khu vực tài chính, sự ổn định và tiềm năng phát triển của hệ thống tài chính.
Thanh Thương
tbktsg
|