Thứ Hai, 01/09/2014 09:41

Ngân hàng zombie – Xử không dễ!

Không phải bây giờ trên thị trường tài chính mới xuất hiện khái niệm ngân hàng zombie, cũng không phải bây giờ người ta mới nói nhiều đến vấn đề phá sản những ngân hàng yếu kém, song những người có thẩm quyền, có trách nhiệm vẫn không đưa ra lời giải thích phù hợp về sự tồn tại của các zombie.

Nợ xấu, nợ khó đòi tiếp tục tăng với mức chóng mặt. Theo báo cáo tài chính của các ngân hàng niêm yết đến hết quý II, tổng nợ xấu của tám ngân hàng Vietinbank, Vietcombank, ACB, MB, Sacombank, Eximbank, BIDV và SHB tăng gần 13.400 tỉ đồng. Con số nợ xấu còn lớn hơn rất nhiều nếu cơ cấu lại nợ theo Quyết định 780, Ngân hàng Nhà nước ước tính có thể chiếm tới 9,71% tổng dư nợ.

Nhìn vào hệ thống ngân hàng thương mại nước nhà, một chuyên gia tài chính, ngân hàng nhận xét: “Nợ xấu không chỉ khiến hàng trăm ngàn doanh nghiệp ngừng hoạt động, phá sản mà còn “giết chết” chính hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM). Điều đó cho thấy trách nhiệm quản lý nhà nước áp dụng trong hệ thống ngân hàng rất lỏng lẻo”.

Chỉ quét nợ tạm thời

Ngân hàng Nhà nước hồi cuối năm 2013 báo cáo có trên 380 ngàn tỉ đồng nợ xấu, nhưng chỉ vài ngày sau đó đã rút xuống còn 200 ngàn tỉ đồng với giải thích trên 180 ngàn tỉ đồng nợ quá hạn đã được cấu trúc lại bằng cách đảo nợ. Để xử lý nợ xấu, tăng khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng, theo nhiều chuyên gia thì cơ cấu lại nợ không phải là giải pháp giải quyết tận gốc vấn đề.

Việc dùng Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) để xử lý nợ xấu cũng không giải quyết được vấn đề của hệ thống NHTM và doanh nghiệp mà chỉ là mua thời gian. Trong hơn 50 ngàn tỉ đồng nợ xấu mà VAMC mua trong sáu tháng đầu năm 2014, chỉ thu hồi được trên 900 tỉ đồng. Điều đó có nghĩa, 50 ngàn tỉ đồng nợ xấu đó vẫn nằm trong kho của VAMC và VAMC chỉ tạm thời quét nợ, tạo điều kiện cho các NHTM hoạt động trở lại.

Có một điều mà chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành chắc chắn rằng, nếu Ngân hàng Nhà nước không tạo thanh khoản bằng cách mua nợ xấu và cho phép huy động nợ xấu tới mức 70% với trái phiếu đặc biệt thì nhiều NHTM không có tiền để tiếp tục cho vay và nợ xấu cũng không tiếp tục tăng như đang xảy ra.

Do vậy, bây giờ và trong năm năm tới, vấn đề được ông Thành đặt ra là làm sao NHTM tạo ra được lợi nhuận và dự trữ cần thiết để trích lập dự phòng 100% nợ xấu đang bán, đã bán và sẽ bán cho VAMC, trong khi doanh tiếp tục chết, tăng trưởng tín dụng bị ngưng trệ?

Không phá sản bởi chủ trương

Con số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải giải thể, hoặc tạm ngừng hoạt động trong bảy tháng đầu năm 2014 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra đã lên tới 37.612 doanh nghiệp, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2013, đưa các NHTM lâm vào tình cảnh khốn đốn hơn.

Lãnh đạo một NHTM có nợ xấu xấp xỉ 20% than thở, doanh nghiệp “chết” nhưng nợ vẫn còn và nó biến thành nợ khó đòi, nợ xấu. Vị lãnh đạo này cho hay: “Bây giờ các ngân hàng phải cố gắng cầm cự vì chủ trương không cho ngân hàng phá sản”.

Trên thế giới, chỉ 1% nợ xấu là NHTM bị đưa vào diện kiểm tra đặc biệt, 3% là bị xử lý, giải thể, nhưng ở Việt Nam nợ xấu lên đến 5 – 7% vẫn không bị xử lý.

Mấy năm nay, các NHTM cho vay không theo quy luật, lãi suất vượt nhiều lần so với mức Luật Dân sự quy định (150% lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước), không bảo vệ rủi ro cho chủ tài khoản… cũng không bị xử lý.

Trong cuộc họp báo mới đây tại Hà Nội, ông Keith Pogson, Phó tổng giám đốc Dịch vụ Tài chính Công ty Ernst & Young Hongkong nói rằng: “Việt Nam nên áp dụng luật phá sản đối với những NHTM zombie, bởi phải có kỷ luật của ngành”.

Hệ thống tài chính, ngân hàng Việt Nam đang trong tiến trình tái cơ cấu, song những vấn đề nội tại vẫn còn đó, đến nay chưa có giải pháp xử lý triệt để. Trong bối cảnh đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã lý giải việc xử lý các ngân hàng yếu kém dựa trên chủ trương của Thủ tướng Chính phủ là không cho phép ngân hàng nào phá sản. Điều này ngụ ý, Ngân hàng Nhà nước là thành viên của Chính phủ, đi ngược lại chủ trương của Chính phủ là điều không thể làm.

Vai trò của NHTM trong nền kinh tế thị trường đang chuyển đổi như Việt Nam rất quan trọng, là một trong các nguồn cung cấp vốn cho doanh nghiệp bên cạnh thị trường chứng khoán, các nhà đầu tư nhân, các quỹ đầu tư trong và ngoài nước…

Nếu cho rằng không thể để các ngân hàng phá sản, ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế và thị trường tài chính quốc gia, dù ngân hàng không đủ điều kiện hoạt động theo Luật Các tổ chức tín dụng, thì chúng ta phải đề nghị Quốc hội ra đạo luật mới phù hợp. Nếu không, cứ để như hiện nay thì bao giờ mới làm “sạch” được hệ thống ngân hàng.

Hiện nay, lĩnh vực quốc doanh vẫn chiếm tỷ lệ lớn trong nền kinh tế và ngân hàng cũng không ngoại lệ. Năm NHTM lớn nhất của Việt Nam là ngân hàng quốc doanh, chỉ cổ phần hóa một phần và lãnh đạo là do Chính phủ chỉ định. Chỉ định như vậy thì nhân sự vẫn là công chức nhà nước và ngân hàng được yêu cầu phục vụ cho những mục tiêu kinh tế chung nên hoạt động thực sự có hiệu quả hay không thì câu trả lời đã thấy.

Tại cuộc gặp với doanh nghiệp vào ngày 28-4 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tuyên bố: “Nếu phân công tôi làm thủ tướng thì tôi nghiêm túc chấp hành, chứ phân công tôi làm lãnh đạo doanh nghiệp tôi sẽ từ chối. Quản trị doanh nghiệp rất khó và rất vất vả, không phải ai cũng làm được”.

Thủ tướng nói vậy là đúng, nhưng ý tưởng này lâu nay không được áp dụng trong công tác nhân sự cho doanh nghiệp nhà nước. Lãnh đạo các tổng công ty, doanh nghiệp quốc doanh đều do Nhà nước chỉ định, không ít trong số này chỉ phù hợp làm công chức chứ không có khả năng lãnh đạo doanh nghiệp. Như vậy, mục tiêu Việt Nam đang hướng đến là nền kinh tế thị trường bao giờ sẽ đạt đến tầm vóc mong muốn?

Các luật không ăn khớp

Luật Phá sản sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2015, trong đó đưa ra một số điều khoản về phá sản của các NHTM, nhưng những điều khoản đó chưa đủ để giải quyết những vấn đề của NHTM, vì NHTM khác với doanh nghiệp.

Hiện nay, các NHTM hoạt động theo Luật Các tổ chức tín dụng, vậy áp dụng luật này như thế nào khi có thêm các điều khoản của Luật Phá sản. Đơn cử, Luật Phá sản quy định, ngân hàng mất khả năng thanh toán là tự nguyện phá sản hay bị tòa án tuyên bố phá sản. Đối với một tổ chức tín dụng, huy động vốn trong nhân dân và có trách nhiệm đối với các chủ tài khoản, không đơn giản như thế.

Một vấn đề nữa đặt ra khi ngân hàng tuyên bố phá sản, ai giải quyết các vấn đề tài khoản của những người gửi tiền? Vốn điều lệ, vốn tự có của ngân hàng chỉ là một phần nhỏ của tổng tài sản, phần còn lại là tiền của khách hàng ký gửi.

Ngân hàng không còn tiền, bởi đã cho vay 100% tiền huy động bằng cách đi vay thêm trên thị trường liên ngân hàng và 20 – 30% các khoản vay đó đã biến thành nợ khó đòi, biến thành nợ mất vốn, ngân hàng trả lại cho chủ tài khoản bằng cách nào?

Theo quy định của pháp luật, công ty bảo hiểm tiền gửi chỉ đền bù cho mỗi chủ tài khoản 50 triệu đồng. Có nghĩa là các chủ tài khoản sẽ bị mất trắng số tiền trên 50 triệu đồng gửi ở tài khoản.

Mặt khác, khi công ty bảo hiểm tiền gửi chi 50 triệu đồng/tài khoản thì họ có được quyền gì đối với tổng tài sản của ngân hàng đó, tài sản của NHTM sẽ thuộc về ai… Như vậy, Luật Phá sản không đáp ứng được việc xử lý phá sản của một ngân hàng, không thể đem áp dụng cho các tổ chức tín dụng.

Thanh lý một ngân hàng theo ông Bùi Kiến Thành: “Không chỉ đơn giản là vấn đề tiền bạc, trách nhiệm trong tài khoản mà nó còn liên quan đến trách nhiệm trước pháp luật”.

Từ kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực tài chính tại Mỹ, ông Thành cho rằng, khi một ngân hàng phá sản, cơ quan có trách nhiệm phải làm được hai việc. Thứ nhất, truy cứu trách nhiệm người quyết định cho vay. Anh quyết định cho vay dựa trên tiêu chí nào, có đúng với quy định của luật pháp hay không, mức vay có vượt quá 15% vốn điều lệ không, đối tượng được vay vốn là ai, có quan hệ xa gần gì với anh hay không…

Thứ hai, truy cứu trách nhiệm của hội đồng quản trị, cổ đông lớn. Nếu quyết định cho vay vi phạm các quy định thuộc trách nhiệm dân sự, anh phải lấy tài sản cá nhân ra để giải quyết. Còn nếu anh nhận tiền “phong bì” của người được vay hay dùng quyền lực của một thành viên HĐQT hay một cổ đông lớn để ép buộc giám đốc ngân hàng phải cho vay… phải xử lý hình sự.

Một nền kinh tế thị trường không có hệ thống tín dụng tốt thì không phát triển được, song hiện nay, hệ thống NHTM của Việt Nam không làm được nhiệm vụ này. Vì vậy, trách nhiệm quản lý nhà nước của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước phải tạo điều kiện cho hệ thống NHTM đáp ứng được đầy đủ các nhiệm vụ của nó và khi không làm được thì phải cho phá sản để tránh những thiệt hại nặng nề hơn.

doanh nhân sài gòn

Các tin tức khác

>   Ngân hàng đi bán cá, nuôi tôm (01/09/2014)

>   Tiền nhàn rỗi gửi vào ngân hàng có còn lợi? (01/09/2014)

>   Không cho phá sản, và sự loay hoay tái cơ cấu ngân hàng (31/08/2014)

>   Cần tăng trưởng tín dụng thực chất hay… biểu diễn? (31/08/2014)

>   Hai sếp ngân hàng VietinBank và Sacombank được trao giải Sao Đỏ (31/08/2014)

>   Kinh tế khó khăn, ATM bớt nghẽn dịp lễ (31/08/2014)

>   M&A ngân hàng: Nhiều “ông lớn” bắt tay nhau (31/08/2014)

>   Điểm yếu ngân hàng Việt: “Một cuộc kiểm điểm sâu sắc” (31/08/2014)

>   Tản mạn câu chuyện tái cơ cấu công ty cho thuê tài chính (12/09/2014)

>   Các Nữ tướng nhà băng (31/08/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật