Không cho phá sản, và sự loay hoay tái cơ cấu ngân hàng
Báo cáo đánh giá Khu vực tài chính Việt Nam do Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện vừa mới công bố cho thấy một bức tranh khá ảm đạm về việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Rõ nét nhất là sự loay hoay của Việt Nam trong việc xử lý các tồn tại này.
Báo cáo này cùng với nhận xét của Ngân hàng Nhà nước đã được đăng tải trên website của NHNN.
Mặc dù đã có những quyết tâm từ lãnh đạo Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề khó khăn của hệ thống ngân hàng, kể cả đóng cửa, giải thể ngân hàng ngân hàng nào quá yếu kém, điều này chưa xảy ra trong thực tế.
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, một lãnh đạo NHNN e ngại đến tác động dây chuyền của việc cho phá sản hay giải thể một ngân hàng.
Trong báo cáo nói trên, gọi tắt là báo cáo FSA, các tổ chức tài chính quốc tế nhìn nhận bản chất vấn đề cũng đúng như thực tế nêu trên. Báo cáo có đoạn viết, việc đóng cửa và thanh lý các ngân hàng mất khả năng thanh toán vấp phải sự phản đối được cho là nhằm tránh tình trạng rút tiền hàng loạt. Mặc dù cần thiết phải làm như vậy, nhưng tình hình tài chính của Bảo hiểm tiền gửi không đủ để hỗ trợ thanh lý hai tổ chức tín dụng có quy mô trung bình. Số dư của quỹ Bảo hiểm tiền gửi chỉ chiếm 0,8% trong tổng số dư tiền gửi của toàn hệ thống. Đồng thời đã có những rủi ro nghiêm trọng trong cách thức đầu tư vốn của Bảo hiểm tiền gửi. Cơ quan này đang đầu tư nhiều tại các tổ chức tín dụng thành viên. Chỉ cần các tổ chức này gặp rủi ro về thanh khoản, hay khủng hoảng khả năng thanh toán thì sẽ gây rủi ro cho Bảo hiểm tiền gửi.
"Từ trước đến nay, Bảo hiểm tiền gửi chưa bao giờ được dùng để xử lý nợ xấu hoặc các ngân hàng gặp khó khăn, và có tình hình tài chính yếu kém.", báo cáo viết.
Báo cáo cũng cho rằng phương pháp xử lý được các cơ quan chức năng ưu tiên là sáp nhập các tổ chức tài chính để xử lý các tổ chức có vấn đề về thanh khoản. Lý do của sự lựa chọn này là do ngân sách eo hẹp và mong muốn tránh tình trạng rút tiền hàng loạt. Mặc dù vậy, cách thức trên chỉ xử lý được vấn đề thanh khoản trong ngắn hạn, nhưng chưa giải quyết được những khó khăn cơ bản về tài sản, thanh khoản, vốn và quản trị điều hành...
Đoạn này của báo cáo khiến người đọc liên tưởng đến các ông chủ mới của ngân hàng sau sáp nhập, rất nhiều ông chủ này đến từ các lĩnh vực khác. Và mục đích của họ không phải giúp tái cơ cấu ngân hàng, mà chỉ là tiếp tục rút kiệt những đồng tiền còn sót lại trong các ngân hàng gặp khó, để "cứu" các dự án còn mắc kẹt của họ. Vậy là có ngân hàng đang khó một, nay khó đến mười như Ngân hàng Xây dựng, đang nằm trong diện kiểm soát đặc biệt.
Hiện NHNN vẫn đang tiếp tục tiến trình "mời các ông chủ mới ra khỏi nhà và trả lại tiền cho ngân hàng", nhưng có lẽ vẫn cần rất nhiều thời gian nữa để hoàn tất công việc nặng nề này.
Để giải quyết một số vấn đề về an toàn tài chính, báo cáo này đề nghị một số giải pháp quan trọng. Đó là tòa án phải giám sát trình tự, tiến độ phá sản, để giải quyết nợ xấu của tập đoàn lớn và đa năng. Tuy nhiên, nhằm bảo đảm cấu phần này được thực hiện hiệu quả, cần phải xem xét lại cơ chế phá sản doanh nghiệp, để hỗ trợ quá trình tái thiết và thanh lý chính thức.
Đồng thời, việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, cần có cơ sở pháp lý cho phép các chủ nợ được triển khai cơ chế tự dàn xếp và phê duyệt rút gọn. Cơ sở pháp lý chỉ cần quy định về mặt nguyên tắc về thủ tục tự thỏa thuận và nội dung đàm phán, giao quyền tự quyết cho các bên tham gia thỏa thuận tự dàn xếp.
Các khuyến nghị tổng thể quan trọng bao gồm cấp vốn bổ sung, xử lý nợ xấu, cải cách pháp lý và cải cách khác, cũng như tạm thời mở rộng mạng lưới an toàn. Kiểm toán tài chính đặc biệt với các ngân hàng cũng sẽ cho kết quả đánh giá chính xác về nợ xấu, nhu cầu cấp vốn bổ sung tương ứng, và thông tin quan trọng để xây dựng đề án xử lý nợ. Kiểm toán hoạt động sẽ là cơ sở cho kế hoạch tái cấu trúc Ngân hàng Thương mại Nhà nước.
Ngoài ra, việc xác định được các liên kết chéo giữa ngân hàng và khách hàng vay, sẽ cho phép giám sát rủi ro hệ thống trong quá trình cải cách.
Trong giai đoạn thứ hai, các ngân hàng sẽ được cấp vốn bổ sung. Các ngân hàng thương mại nhà nước và doanh nghiệp nhà nước sẽ thoái vốn khỏi các ngân hàng.
Giai đoạn thứ ba sẽ tập trung vào xử lý nợ xấu, trong đó có việc thành lập công ty quản lý tài sản, và xử lý nợ của doanh nghiệp nhà nước. Đồng thời, cần áp dụng các phương pháp giải phóng ngân hàng thương mại nhà nước ra khỏi nhiệm vụ chính sách.
Trong giai đoạn cuối, Việt Nam cũng cần thực hiện các cải cách thị trường vốn, cải cách cơ sở hạ tầng tài chính và các quy định tài chính.
Chương trình đánh giá khu vực tài chính (FSAP) được WB và IMF thực hiện bắt đầu từ năm 2012, và hoàn tất vào tháng 6 năm nay. Báo cáo trên là sự tổng hợp của chương trình FSAP trong đó đưa ra các đánh giá về khu vực tài chính, sự ổn định và tiềm năng phát triển của hệ thống tài chính.
Thanh Thương
tbktsg
|