Tản mạn câu chuyện tái cơ cấu công ty cho thuê tài chính
“Cái gì tăng giá thì hãy mua, cái gì sẽ mất giá thì hãy đi thuê” - câu nói của một đại gia dầu lửa Mỹ, nhà tỷ phủ đầu tiên trên thế giới Paul Getty, đã gần như trở thành slogan của nhiều công ty cho thuê tài chính.
Có thể thấy hoạt động cho thuê tài chính trên thế giới đã có từ lâu nhưng công ty cho thuê tài chính đầu tiên tại Việt Nam chỉ mới ra đời gần hai thập niên kể từ năm 1996. Trong chặng đường còn non trẻ, Công ty CTTC cũng đã góp phần quan trọng trong việc dẫn vốn vào nền kinh tế - Một hình thức tổ chức tín dụng phi ngân hàng. Tuy nhiên, do dặc thù riêng nên hoạt động CTTC tại Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn với rủi ro cao, dẫn đến tình trạng gần đây Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phải yêu cầu các ngân hàng thương mại phải khẩn trương đẩy mạnh việc cơ cấu lại các công ty con là công ty CTTC theo Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015.
Theo luật định, cho thuê tài chính là hoạt động cấp tín dụng trung hạn, dài hạn trên cơ sở hợp đồng CTTC giữa bên cho thuê với bên thuê với cam kết mua tài sản CTTC theo yêu cầu của bên thuê và nắm giữ quyền sở hữu đối với tài sản cho thuê. Hay hiểu nôm na là công ty CTTC sẽ theo nhu cầu của doanh nghiệp mua tài sản như máy móc thiết bị, sau đó cho doanh nghiệp thuê lại để sử dụng. Đây cũng là một hình thức cấp tín dụng mà không cần tài sản đảm bảo vì có thể xem tài sản đảm bảo là chính tài sản mà công ty CTTC đã mua và vẫn thuộc sở hữu của công ty CTTC.
Việt Nam hiện đang có 12 công ty CTTC theo công bố từ NHNN, trong đó có 7 công ty CTTC là công ty con của các ngân hàng thương mại. Số còn lại là các công ty 100% vốn nước ngoài và một công ty trong nước là Công ty CTTC Công nghiệp Tàu thuỷ Vinashin (VFL).
Danh sách các công ty cho thuê tài chính tại Việt Nam theo công bố của NHNN tính đến 30/06/2014
|
Cũng theo thống kê của NHNN đến cuối tháng 06/2014, tổng vốn điều lệ của các công ty tài chính và CTTC gần 18,823 tỷ, tăng nhẹ so với mức cuối năm 2013, tổng tài sản giảm 3.8% xuống gần 62,960 tỷ với chỉ số lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) 0.43%. Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu chỉ ở mức 5.83% trong khi tỷ lệ tối thiểu theo quy định đối với các tổ chức tín dụng là 13%. Đáng chú ý tỷ lệ cấp tín dụng so với vốn huy động gần 240% trong khi cuối tháng 5/2014 là 400%.
Trước đây, theo quy định tại Thông tư 13, tổ chức tín dụng phi ngân hàng chỉ được sử dụng nguồn vốn huy động để cấp tín dụng không được vượt quá tỷ lệ 85%. Mặc dù đến Thông tư 19, tỷ lệ này đã được hủy bỏ và không có giới hạn nhưng với tỷ lệ quá cao, các công ty CTTC sẽ gặp nhiều rủi ro.
Bên cạnh đó, với đặc thù của mảng CTTC, theo quy định của pháp luật, dư nợ CTTC phải chiếm tối thiểu 70% tổng dư nợ cấp tín dụng. Thông thường khoản tín dụng cấp cho khách hàng khá lớn để mua những tài sản có giá trị như tàu biển, đội xe tải, cần cẩu… trong khi vốn điều lệ và huy động từ khách hàng khá khiêm tốn.
Khi được hỏi về định hướng tái cơ cấu công ty CTTC, ông Phan Huy Khang – Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín – Sacombank (STB) cho biết các công ty thua lỗ, đặc biệt là tỷ lệ nợ xấu cao sẽ là phải thực hiện tái cơ cấu. Ông cũng chia sẻ thêm, hoạt động kinh doanh của Công ty CTTC Sacombank khá hiệu quả và không thuộc diện đối tượng phải cơ cấu lại đợt này. Được biết, trong năm 2013, nợ xấu của Công ty CTTC Sacombank ở mức 1.43%, lợi nhuận sau thuế đạt 75 tỷ đồng.
|
Với đặc thù riêng, các công ty CTTC luôn phải đối mặt với rủi ro nợ xấu, mất vốn hay nguy cơ ôm tài sản mà việc tìm khách hàng khác để cho thuê không dễ dàng gì. Khách hàng chủ yếu ở đây là các doanh nghiệp vừa và nhỏ nên số liệu tài chính đều không có kiểm toán, không đòi hỏi tài sản đảm bảo nên rủi ro cao cũng là điều đương nhiên.
Theo lời kể của một nhân viên tại Công ty CTTC của một ngân hàng lớn, hoạt động cho thuê gặp rủi ro rất cao, có thời điểm khách hàng “bỏ của chạy lấy người”, buông tài sản cho thuê để chạy trốn khiến nhân viên công ty có pha “truy đuổi” hồi hộp không kém gì phim hành động.
Xét về yếu tố nợ xấu, theo thông tin từ Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, nợ xấu của các công ty CTTC đứng ở mức cao nhất, trong đó tỷ lệ nợ xấu của một số công ty CTTC lên tới gần 50% trong năm 2012. Cùng với đó, thời gian qua, hàng loạt bê bối cũng dính đến nhóm công ty này như Công ty CTTC Công nghiệp Tàu thuỷ Vinashin (VFL) trong vụ việc Vinashin; CTTC của Agribank là ALC 2 bị điều tra về vụ án tham nhũng, truy tố các bị can về lừa đảo chiếm đoạt, tham ô hay lợi dụng chức vụ…
Về phía lợi nhuận, các công ty CTTC nước ngoài thường không có nhiều thông tin, chỉ riêng Công ty CTTC Quốc tế VN công bố lãi ròng 20 tỷ và 19 tỷ đồng trong năm 2012 và 2013. Còn đối với nhóm công ty CTTC trong nước, số liệu có được chủ yếu từ nhóm công ty trực thuộc ngân hàng và hầu hết đều làm ăn có lãi trong những năm gần đây nhưng đã có dấu hiệu giảm sút trong năm 2013. Riêng Công ty CTTC BIDV (BLC) lỗ trong năm 2011 và 2012, đặc biệt lỗ của năm 2012 lên đến 219 tỷ đồng.
Kết quả hoạt động qua các năm của một số công ty cho thuê tài chính
ĐVT: tỷ đồng
|
Dẫn theo lời của Triết gia Aristotle: “Sự giàu có thực sự không phải nằm trong quyền sở hữu tài sản mà là trong quyền sử dụng nó”. Theo đó, nếu sử dụng tài sản đúng cách thì doanh nghiệp có thể tạo ra tối đa lợi nhuận và các công ty CTTC sẽ còn có nhiều tiềm năng để phát triển khi đây vẫn là một kênh dẫn vốn hiệu quả.
Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 – 2015
Công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính thua lỗ kéo dài, có nguy cơ mất an toàn, vi phạm nghiêm trọng các quy định an toàn hoạt động ngân hàng hoặc không có khả năng phục hồi hoạt động bình thường sau khi đã áp dụng các biện pháp phục hồi, chấn chỉnh sẽ được giải thể hoặc mua lại, sáp nhập bắt buộc theo quy định của pháp luật.
+ Đối với các công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính thuộc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và các doanh nghiệp phi ngân hàng, chủ sở hữu chịu trách nhiệm thực hiện cơ cấu lại, kể cả giải thể, thu hồi giấy phép hoạt động theo phương án được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận.
+ Đối với các công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính trực thuộc các ngân hàng thương mại phải được cơ cấu lại cùng với ngân hàng mẹ, bao gồm cả giải thể, sáp nhập (khi cần thiết) để bảo đảm sự phát triển an toàn, hiệu quả của ngân hàng mẹ.
|
Minh Hằng
|