Vay tín chấp tính đủ đường
Tín dụng khó khăn, NHNN vừa có chỉ đạo yêu cầu các NHTM xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp (DN) để tăng cho vay tín chấp. Song để đẩy mạnh cho vay tín chấp trong lúc này xem ra khá rủi ro và NH hết sức thận trọng, kể cả với những DN có thế chấp bằng hàng hóa.
* Đến lượt Chính phủ khuyến khích cho vay tín chấp
* Khó tăng tín dụng bằng cho vay tín chấp
* Cho vay tín chấp: Một lối thoát cho doanh nghiệp
* Ngân hàng thấp thỏm tăng cho vay tín chấp
Thực tế trong thời gian vừa qua, không ít vụ việc cho vay thế chấp bằng hàng hóa đã xảy ra tranh chấp khiến rủi ro nợ xấu NH gia tăng. Điển hình như vụ tranh chấp kho cà phê của Công ty Trường Ngân khi DN này đã đem kho hàng thế chấp để vay vốn của 7 NHTM, với tổng trị giá lên trên 600 tỷ đồng. Khi vụ việc vỡ lẽ, các NH cho vay mới biết được sự thật là Trường Ngân đã dùng kho hàng thế chấp nhiều nơi và thậm chí còn rút ruột hàng hóa đem bán.
Tuy nhiên, nếu sợ rủi ro NH “đóng cửa” không cho vay thế chấp bằng hàng hóa thì khoảng 70% tín dụng phải dừng, như vậy sản xuất kinh doanh không thể phát triển. Trước tình hình rủi ro nợ xấu gia tăng DN khó khăn và hết tài sản để thế chấp, yêu cầu trước hết đối với NH là phải lựa chọn được khách hàng tốt và kho hàng an toàn.
Vì thế, trước bối cảnh dòng vốn đang nghẽn, NH không chỉ lựa chọn hàng hóa làm tài sản thế chấp trong quá trình cho vay mà phải có biện pháp quản lý hàng hóa tốt để có thể an tâm trong cho vay. Nhưng để quản lý hàng hóa tốt cũng phải có các yếu tố như: NH phải lựa chọn và đánh giá đúng chất lượng hàng hóa, ràng buộc pháp lý và khâu quan trọng nhất đó chính là phải có nơi quản lý hàng hóa một cách đảm bảo an toàn.
Lâu nay, khi cho DN vay vốn bằng tài sản thế chấp là hàng hóa chủ yếu để tại kho của DN hoặc hàng hóa thế chấp có thể để ở kho thứ ba. Tuy nhiên, bản thân chủ kho cũng không được uy tín. Thực tế, đã có trường hợp ngay bản thân chủ kho đã lấy hàng hóa trong kho là tài sản thế chấp của DN cho NH tẩu tán ra bán. Vì thế, việc lựa chọn một chủ kho uy tín, an toàn được xem là yếu tố quan trọng, kể cả số lượng lớn.
Đối với NH để hạn chế được rủi ro nợ xấu phải có khả năng lựa chọn khách hàng tốt. Nhưng để lựa chọn được khách hàng tốt đòi hỏi phải có một quá trình đánh giá, thẩm định tín dụng chặt chẽ. Thế nhưng, trong bối cảnh hiện nay để phân biệt tốt, xấu không phải dễ dàng.
Vì có thể khách hàng đang có dự án kinh doanh tốt, nhưng trong quá khứ họ gặp khó khăn. Do vậy hệ thống quản lý tín dụng cũng phải được thực hiện tốt, không chỉ quản lý được tài sản đảm bảo là hàng hóa mà còn quản lý được tình hình tài chính, kinh doanh của khách hàng. Như vậy NH mới hạn chế được rủi ro nợ xấu.
P. Anh
sgđt
|