Thứ Năm, 28/08/2014 13:07

Moody’s nâng xếp hạng tín nhiệm Việt Nam: Hiệu ứng qua một thông điệp

Việc lần đầu tiên kể từ năm 2005 đến nay, Việt Nam được Moody’s nâng bậc XHTN chứng tỏ những nỗ lực của chúng ta đã được ghi nhận, đặc biệt vai trò của ngành Ngân hàng trong việc góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát.

* Moody's bất ngờ nâng xếp hạng tín nhiệm Việt Nam lần đầu từ năm 2005, triển vọng “ổn định”

* Moody's nâng bậc tín nhiệm VietinBank và BIDV; 7 ngân hàng còn lại không đổi

Quyết định không dễ dàng

Còn nhớ, với việc hạ mức xếp hạng tín nhiệm (XHTN) của Việt Nam xuống mức B2 hồi tháng 9/2012, thấp hơn 2 bậc so với xếp hạng do S&P công bố (BB-) và thấp hơn 1 bậc so với xếp hạng của Fitch (B+), giới phân tích cho rằng Moody’s là tổ chức có những đánh giá thận trọng nhất với Việt Nam trong số 3 tổ chức XHTN quốc tế hiện nay.

Tình hình KTVM ổn định; cán cân thanh toán và vị thế đối ngoại của VND được cải thiện là những cơ sở quan trọng để Moody’s quyết định nâng XHTN với Việt Nam

Nhắc lại điều này để thấy ý nghĩa của việc năm nay, lần đầu tiên kể từ năm 2005, Việt Nam được Moody nâng hạng tín nhiệm lên mức B1. Đây chính là thông điệp hết sức tích cực, góp phần giúp các NĐT có nhìn nhận tích cực hơn về Việt Nam, đồng thời nâng cao uy tín quốc gia và góp phần giảm chi phí huy động vốn trên thị trường vốn quốc tế. Việc nâng hạng lần này cũng là cơ sở chủ yếu để Moody’s đồng thời nâng bậc XHTN đối với một số ngân hàng của Việt Nam như VietinBank, BIDV từ mức B2 lên B1 với triển vọng “Ổn định”. Đồng thời, vấn đề minh bạch và tần suất công bố thông tin của Việt Nam cũng được các tổ chức XHTN ghi nhận đã cải thiện đáng kể trong thời gian qua.

Có thể nói, tình hình KTVM ổn định; cán cân thanh toán và vị thế đối ngoại của VND được cải thiện cùng với rủi ro nghĩa vụ nợ dự phòng phát sinh từ khu vực NH giảm là những cơ sở quan trọng để Moody’s quyết định nâng XHTN với Việt Nam. Theo Moody’s nhìn nhận, mặc dù so với thập kỷ trước đây, tăng trưởng GDP đã chậm lại từ năm 2012 nhưng giá cả lại được duy trì ổn định. Theo đó, trong suốt 26 tháng liên tiếp trở lại đây, lạm phát được duy trì ở dưới mức 7,5%/năm. Đây là khoảng thời gian dài nhất mà lạm phát được duy trì ở mức thấp kể từ năm 2000 đến nay. Moody’s cũng ghi nhận, Việt Nam đang dần trở thành một mắt xích quan trọng trong khu vực đối với mạng lưới sản xuất hàng điện tử.

Nhưng để những cơ sở ấy biến thành quyết định nâng hạng của Moody’s là không hề đơn giản. Điều mà Moody’s đặc biệt quan tâm là tính “bền vững” của các yếu tố đó như thế nào. Chính vì vậy mà trong các buổi làm việc với các cơ quan liên quan của Việt Nam như NHNN, Bộ Tài chính... Moody’s đã đặt lên bàn trao đổi các vấn đề liên quan như: Liệu rủi ro bất ổn KTVM có quay trở lại, đặc biệt là có hay không khả năng tái bùng phát lạm phát?; hoạt động ổn định của hệ thống NH liệu có được duy trì lâu dài?; sự cải thiện cán cân thanh toán, cán cân thương mại đã thực sự bền vững... Và cũng trong các cuộc làm việc thẳng thắn ấy, đại diện NHNN, Bộ Tài chính của Việt Nam đã có những lý giải đầy đủ, cặn kẽ, rõ ràng và cuối cùng đã thuyết phục được Moody’s.

Lãnh đạo một vụ của NHNN cho biết, trước mỗi vấn đề mà Moody’s đưa ra, chúng ta đều ghi nhận và có những kiến giải rõ ràng. Chúng ta đã làm cho Moody’s thấy rõ rằng, nguyên nhân các chỉ số KTVM được cải thiện, bên cạnh do các yếu tố khách quan thì những nỗ lực chủ quan mà chúng ta kiên định suốt thời gian qua là không thể phủ nhận.

Đơn cử liên quan đến lạm phát, Moody’s quan ngại có thể do tăng trưởng GDP thấp, tổng cầu yếu hay TTTD chậm... nên mới có chỉ số lạm phát thấp như vậy. Nhưng chúng ta đã chứng minh cho họ thấy, trong cấu phần của lạm phát thì lạm phát lõi trong suốt thời gian dài vừa qua giảm mạnh và ổn định. Lạm phát lõi phụ thuộc rất nhiều đến hoạt động cung ứng tiền, mà hoạt động cung ứng tiền trong thời gian qua được thực hiện rất tốt, thể hiện ở vốn khả dụng luôn ở trạng thái ổn định. Điều này cho thấy NHNN đã theo dõi và điều hành rất sát, tuân thủ theo nguyên tắc thị trường, khiến cho thanh khoản luôn được duy trì ở mức dồi dào. Nhờ đó gián tiếp giúp ổn định lạm phát lõi, từ đó ổn định lạm phát kỳ vọng và tác động tích cực lên lạm phát thực hiện nay.

Biểu hiện thực tế là các khảo sát về kỳ vọng lạm phát của Vụ Dự báo, thống kê tiền tệ - NHNN tiến hành trong gần một năm qua ghi nhận một xu hướng tích cực. Chênh lệch giữa kỳ vọng lạm phát và lạm phát thực liên tục được thu hẹp, thậm chí những tháng gần đây đã tiệm cận nhau. Điều đó cho thấy kỳ vọng lạm phát thực sự đã được neo.

Một vấn đề khác Moody’s cũng quan tâm là, cán cân thanh toán của Việt Nam vẫn dễ bị ảnh hưởng bởi các luồng vốn và một số yếu tố khác thể hiện ở khoản “lỗi sai sót” tương đối lớn trong thống kê cán cân thanh toán. Lỗi sai sót ở Việt Nam cao trong những năm trước đây vì có những phần không nằm trong các mục có thể thống kê được. Bên cạnh đó, vấn đề đô la hóa trong giao dịch diễn ra không được thống kê đầy đủ cũng là yếu tố quan trọng. Nhờ lạm phát được đưa về mức thấp, duy trì chênh lệch tiền đồng – ngoại tệ ở mức hấp dẫn hơn cho tiền đồng cùng với điều hành tỷ giá ổn định và quyết tâm, nỗ lực cao trong chống đô la hóa của Chính phủ và NHNN đã giúp giảm mạnh tâm lý găm giữ ngoại tệ so với trước đây, từ đó tác động tích cực lên cán cân tổng thể.

Nâng hay hạ tuỳ thuộc khả năng cải thiện

Việc lần đầu tiên kể từ năm 2005 đến nay, Việt Nam được Moody’s nâng bậc XHTN chứng tỏ những nỗ lực của chúng ta đã được ghi nhận, đặc biệt vai trò của ngành Ngân hàng trong việc góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát.

Tuy nhiên, xét trong lộ trình nâng XHTN quốc gia của Việt Nam, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 304/QĐ-TTg ngày 6/2/2013, với việc đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, nâng mức XHTN quốc gia tối thiểu bằng mức khởi điểm đầu tư, tức đạt mức từ Baa3 (đối với Moody’s) hoặc BBB- (đối với S&P và Fitch) trở lên, thì với mức xếp hạng B1 của Moody’s hiện nay, Việt Nam sẽ phải tiến được 7 bậc nữa. Rõ ràng đây là một thách thức không nhỏ đặt ra đối với chúng ta.

Chính các tổ chức như Moody’s, S&P hay Fitch Ratings cũng đã cảnh báo, việc có thể tiếp tục nâng hay hạ XHTN của Việt Nam sẽ tùy thuộc rất lớn vào các cải thiện hay đi xuống của các chỉ số KTVM; khả năng củng cố tài khóa; mức độ cải thiện sức khỏe của hệ thống NH và DNNN; cam kết và mức độ tái cơ cấu các khoản nợ Chính phủ... Vậy thì đây cũng chính là những công việc mà Chính phủ và các bộ, ban, ngành liên quan cần tập trung giải quyết trong những năm tới.

Bên cạnh đó, từ thực tế trong các cuộc làm việc, trao đổi thông tin giữa các cơ quan liên quan có thẩm quyền của Việt Nam với các tổ chức XHTN vừa qua cho thấy, sự phối hợp chặt chẽ, bố trí cán bộ có năng lực và phù hợp trong cách làm việc với các tổ chức XHTN cũng đóng vai trò hết sức quan trọng. Do đó, việc chuẩn bị tốt về nguồn lực, thông tin cho các buổi làm việc như vậy sẽ góp phần đưa quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các tổ chức XHTN phát triển ngày càng thực chất, tin cậy và bền vững hơn theo đúng mục tiêu của Đề án đã đặt ra.

Đỗ Lê

thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   Nghịch lý trả lương qua tài khoản, nhưng không có cây ATM của Agribank (28/08/2014)

>   NHNN chấp thuận cho VIB bổ sung hoạt động đại lý bảo hiểm (27/08/2014)

>   NHNN yêu cầu TCTD phối hợp triển khai việc miễn lệ phí đăng ký giao dịch bảo đảm (27/08/2014)

>   Thủ tướng: “Cần thiết thì sáp nhập ngân hàng yếu kém” (27/08/2014)

>   Lãi suất bao giờ sẽ giảm? (27/08/2014)

>   Ngân hàng Phát triển sẽ được vay tái cấp vốn tại NHNN Việt Nam (26/08/2014)

>   NHNN: Chưa giảm trần lãi suất huy động (26/08/2014)

>   ATM phải có hệ thống báo trộm (26/08/2014)

>   VIB ưu đãi lãi suất 8,99%/năm cho khách hàng vay mua ô tô Honda (26/08/2014)

>   Lãi suất đang bơi trên “biển Chết” (26/08/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật