Thứ Sáu, 05/09/2014 06:08

Sự “rút lui” đáng hoan nghênh

Cuối cùng, sau những tranh cãi, Bộ Khoa học và Công nghệ đã dừng hiệu lực của Thông tư 20 về nhập khẩu máy móc, thiết bị cũ, chỉ vài ngày trước khi văn bản này chính thức được thi hành.

Bộ Khoa học và Công nghệ đã dừng hiệu lực của Thông tư 20 về nhập khẩu máy móc, thiết bị cũ. Ảnh minh họa

Trước đó, nhiều ý kiến doanh nghiệp đã cho rằng một số quy định trong Thông tư là thiếu khả thi, “làm khó” cho doanh nghiệp. Đó là máy móc nhập khẩu phải có thời gian sử dụng không quá 5 năm, chất lượng còn lại so với chất lượng ban đầu phải từ 80% trở lên.

Trước hết, phải ghi nhận sự “dũng cảm” của Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc thừa nhận bất cập của chính sách, dù điều đó không dễ dàng gì. Nhiều doanh nghiệp cho biết, ngay từ khi Thông tư còn là dự thảo, các doanh nghiệp đã cảnh báo những khó khăn sẽ gặp phải nếu Thông tư được đưa vào thực tiễn, nhưng ý kiến của họ không được tiếp thu.

Thậm chí, tại hội thảo về vai trò của doanh nghiệp trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ Tư pháp tổ chức ngày 20/8, Thông tư 20 đã được đưa ra như một ví dụ của tình trạng cơ quan chức năng mời doanh nghiệp góp ý rồi… để đấy!

Dĩ nhiên, những người soạn thảo Thông tư 20 không phải là không có lý khi đưa ra những quy định như trên. Khi Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ xin ý kiến về Thông tư 20 tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8, nhiều thành viên Chính phủ đều nhất trí rằng, Thông tư được ban hành với mục đích tốt, nhằm hạn chế các máy móc thiết bị tiêu tốn nhiều năng lượng, gây ô nhiễm môi trường, song vấn đề nằm ở tính khả thi.

Một chính sách có mục đích tốt nhưng nếu thiếu tính khả thi thì khi triển khai sẽ bị gượng ép. Và hậu quả của sự gượng ép ấy, không ai khác, doanh nghiệp sẽ phải gánh chịu. Một viễn cảnh không khó hình dung nếu Thông tư 20 vẫn được thi hành: Những người được giao quyền thẩm định chất lượng máy móc nhập khẩu có thể tùy tiện áp đặt về tỷ lệ phần trăm chất lượng còn lại so với ban đầu. Đấy sẽ là một cơ hội của tham nhũng!

Do đó, sự “rút lui” của Bộ Khoa học và Công nghệ trước những tiếng nói của thực tiễn là rất đáng hoan nghênh. Bộ đã không theo thói thường “đâm lao thì phải theo lao” để đã sai lại càng sai, mà thẳng thắn thừa nhận bất cập, từ đó trút được một gánh nặng mà doanh nghiệp có nguy cơ phải gánh chịu.

Quyết định của Bộ đã thiết thực góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, vấn đề đang được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt. Trên thực tế, những rào cản chính sách mà doanh nghiệp gặp trong quá trình sản xuất kinh doanh là vô cùng đa dạng, mà yêu cầu của Thông tư 20 chỉ là một ví dụ.

Ngay ở thời điểm hiện tại, cũng có thể kể đến một số ví dụ khác còn đang gây tranh cãi. Chẳng hạn như Thông tư liên tịch số 44/2013/TTLT-BCT-BKHCN quy định về quản lý chất lượng thép, mà không ít doanh nghiệp nhập khẩu thép loại 2 cho rằng họ không thể đáp ứng được…

Trong quá trình phát triển, chắc chắn sẽ còn nhiều tình huống tương tự khi mà những mục tiêu quản lý hết sức chính đáng và cần thiết của Nhà nước lại mâu thuẫn với lợi ích của doanh nghiệp. Bài toán khó của cơ quan quản lý là họ vẫn phải bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, nhưng đồng thời không được đẩy phần khó về cho người dân, cho doanh nghiệp. Đã qua rồi thời “không quản được thì cấm”, mà nay, nói như chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, thì “Nhà nước phải nhận phần vất vả về phía mình”.

Chỉ đạo Bộ Khoa học và Công nghệ ngừng thi hành Thông tư 20, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đồng thời yêu cầu các bộ ngành “phải đặt mình vào vị trí người dân, doanh nghiệp, quy định phải phù hợp với thực tiễn, có tính khả thi”. Các bộ ngành, địa phương cần phải thực sự thấm nhuần tinh thần đó, xem xét cẩn trọng tác động của mỗi chính sách được ban hành. Nếu làm được như vậy, thì bài toán khó nào cũng sẽ có lời giải.

Hà Chính

chinhphu

Các tin tức khác

>   Việt Nam trước cơ hội lớn xuất khẩu nông sản, thực phẩm sang Nga (04/09/2014)

>   Thử nghiệm bay thẳng Hà Nội - TP HCM tiết kiệm được 5 phút (04/09/2014)

>   Hà Nội "giục" thành lập Công ty Đường sắt Hà Nội (04/09/2014)

>   Đã giải ngân được 7,9 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (04/09/2014)

>   Phó tổng giám đốc Deloitte: 'Khó thanh tra chuyển giá ở Việt Nam' (04/09/2014)

>   Thị trường bán lẻ: Miếng ngon thị phần cho ai? (04/09/2014)

>   Thêm khu công nghiệp cho ngành công nghiệp hỗ trợ (04/09/2014)

>   Không bắt buộc nhà thầu phải có tên trên mạng đấu thầu quốc gia (04/09/2014)

>   Lối thoát “thị trường ngách” (04/09/2014)

>   DN Việt không làm được vỏ Samsung: Bó tay là đúng vì... (04/09/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật