Thứ Năm, 11/09/2014 13:46

Sản xuất, kinh doanh bia: Quy định thiếu khả thi

Hàng loạt vấn đề gây tranh luận trong dư luận thời gian qua như dán tem bia, cấm bán bia trên vỉa hè, cấm bán bia cho phụ nữ có thai… tiếp tục trở thành chủ đề chính khi Bộ Công Thương vừa lấy ý kiến tại hội thảo đóng góp cho dự thảo nghị định về sản xuất, kinh doanh bia.

Tăng thêm gánh nặng cho xã hội

 

Theo dự thảo, doanh nghiệp (DN) sẽ phải dán tem (tem an ninh hoặc tem thuế) trên bia nhằm mục đích phục vụ công tác quản lý nhà nước đối với sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, nộp thuế, nguồn gốc sản phẩm bia. Theo các DN sản xuất bia, hàng năm Việt Nam tiêu thụ khoảng 3 tỷ lít bia với khoảng 10 tỷ đơn vị sản phẩm bán ra. Trong khi đó, ban soạn thảo chưa tính toán được tác động về chi phí đối với sản phẩm bán ra như vậy.

Vì thế tạm thời chưa nên quy định việc dán tem trên sản phẩm bia, cần có nghiên cứu phù hợp hơn, bởi dán tem sẽ có ảnh hưởng đến chi phí cho nhà sản xuất. Giả sử mỗi con tem khoảng 160-170 đồng, với 10 tỷ đơn vị sản phẩm bán ra sẽ làm tăng chi phí cho DN khoảng 1.600-1.700 tỷ đồng. So với về tăng thu ngân sách chưa hẳn đã hiệu quả so với chi phí DN cũng như của toàn xã hội đã bỏ ra. Bên cạnh đó, sản phẩm bia rất đa dạng như chai, lon… việc dán tem sẽ ra sao?

Nhiều ý kiến cũng cho rằng dự kiến này chưa tính toán việc DN sẽ gánh thêm khoản chi phí lớn cho việc mua tem, dán tem, đầu tư máy móc thiết bị, nhận diện tem dán… Quy định này, theo tính toán, sẽ làm tăng đáng kể quỹ lương của DN, chi phí cho xã hội.

Thí dụ, riêng Sabeco, quy định này có thể làm DN phát sinh thêm khoảng 800 tỷ đồng. Ngoài ra, nếu quy định dán tem thành hiện thực, công tác quản lý không tốt sẽ sinh ra thị trường tem, thật - giả lẫn lộn và liệu có tạo ra cơ chế xin - cho trong quản lý? Một lãnh đạo Tổng cục Thuế cho rằng, xung quanh vấn đề dán tem cần có sự đánh giá tác động bởi làm phát sinh thêm đến 1.600 tỷ đồng cho DN, chưa kể chưa nhìn thấy chỗ nào để dán trên sản phẩm bia. Do đó, chưa nên quy định do số lượng quá nhiều, khối lượng kiểm soát quá lớn. Việc dán tem tuy có lợi nhưng cũng có thể gây hại nếu bị làm giả.

Tuy nhiên cũng có quan điểm ngược lại khi cho rằng, việc dán tem cần phải được tiến hành với cả bia sản xuất và nhập khẩu vì chống hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại chứ không riêng việc kiểm soát đơn thuần. Cùng với đó, các DN sẽ phải đầu tư công nghệ tốt hơn để đảm bảo chất lượng sản phẩm đến tay người tiêu dùng.

Cân nhắc các giải pháp

Ban soạn thảo sẽ cân nhắc các ý kiến đóng góp để hoàn chỉnh. Riêng với việc cấm bán bia cho người dưới 18 tuổi sẽ vẫn phải quy định. Tuy nhiên, vấn đề là sẽ đưa ra giải pháp sao cho dễ thực hiện.

Bà Hồ Thị Kim Thoa,

Thứ trưởng Bộ Công Thương

Một vấn đề nóng khác được nhiều người quan tâm là các hành vi được xác định vi phạm như kinh doanh bia qua máy bán hàng tự động hoặc qua phương thức thương mại điện tử; kinh doanh bia tại các địa điểm: trường học, bệnh viện, công sở, vỉa hè; bán cho người có biểu hiện say bia, say rượu; cho phụ nữ có thai hoặc trong thời gian đang cho con bú; cho người đang có bệnh lý về lạm dụng sử dụng bia, rượu; bán bia cho người dưới 18 tuổi.

Một lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội cho rằng quy định cấm bán bia trên vỉa hè là đúng đắn vì đúng theo các quy định hiện nay của Chính phủ, Bộ Xây dựng về vấn đề này. Không có nước nào sử dụng vỉa hè để kinh doanh như Việt Nam và một số nước kém phát triển. Kinh doanh dịch vụ trên vỉa hè gây mất cảnh quan đô thị, mất an toàn giao thông, không kiểm soát được vệ sinh an toàn thực phẩm. Còn việc cấm bán bia cho trẻ em dưới 18 tuổi phù hợp và theo thông lệ quốc tế vì lứa tuổi này sử dụng sẽ gây ra nhiều nguy hiểm.

Còn theo đại diện ban soạn thảo, việc cấm bán bia trên vỉa có nhiều ý kiến đồng thuận nhưng cũng có ý kiến là không nên quy định. Nhiều nước cũng có kinh doanh bia trên vỉa hè nhưng chỉ được bán ở phố đi bộ. Ở một số nước như: Pháp, Đức, Bỉ… vẫn cho phép bán bia ở vỉa hè nhưng họ quản lý và người bán phải tuân thủ một số điều kiện, bán theo giờ. Do vậy, cho bán bia ở phố đi bộ cũng là một giải pháp.

Bình luận về các quy định này, đại diện Bộ Giao thông - Vận tải nêu hàng loạt băn khoăn liệu các quy định trên đưa vào nghị định sau này có kiểm soát được việc thực hiện, nếu đưa ra quy định nhưng không kiểm soát được thì không nên đưa vào. Một số nước có quy định không bán bia cho người dưới 18 tuổi nhưng họ quản lý, kiểm soát dễ dàng. Còn ở Việt Nam, nếu vi phạm liệu có xử lý được. Chẳng hạn, nếu biết người bán bán bia cho người dưới 18 tuổi thì có cơ sở xử lý, nhưng nếu ghi như dự thảo sẽ khó xác định độ tuổi 18, 19 tuổi. Do vậy, ban soạn thảo nên cân nhắc bởi nếu không người bán sẽ bị phạm luật vô tình.

Trước những ý kiến nghi ngờ tính khả thi của quy định cấm bán bia cho trẻ em dưới 18 tuổi, nhiều quan điểm từ Bộ Công Thương đều cho rằng cấm là cần thiết, không thể không đưa ra nhưng sẽ phải tính toán phương án hợp lý để tính khả thi cao. Bởi lẽ việc cấm này nhằm hướng tới một xã hội văn minh, nếu lấy lý do vì khó khăn mà bàn lùi, không biết bao giờ xã hội mới hoàn thiện. Riêng quy định về cấm bán bia cho phụ nữ mang thai, cho con bú nên bỏ.

Ngọc Quang

sgđt

Các tin tức khác

>   ​Trên sắm đồ xịn, dưới chẳng ai dùng (11/09/2014)

>   Kiểm soát chặt bột ngọt Trung Quốc nhập khẩu giá rẻ (11/09/2014)

>   Đề xuất thành lập tổ công tác xử lý phụ phí vận tải biển (11/09/2014)

>   Đề nghị xem lại mức thuế nhập khẩu thực phẩm bổ sung (11/09/2014)

>   Hàng vạn người đặt mua iPhone 6 tại Việt Nam (11/09/2014)

>   8 tháng, số vụ khiếu nại của người tiêu dùng tăng gấp 3 lần (11/09/2014)

>   Tây Ninh không cho phép Fico vận chuyển đá vôi ra ngoài tỉnh (11/09/2014)

>   Quản lý không phải để gây khó (11/09/2014)

>   Dòng vốn FDI 2014: Cuộc đua 2 ông lớn (11/09/2014)

>   Thép xây dựng tồn kho không đáng ngại (10/09/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật