Thứ Năm, 11/09/2014 06:45

Dòng vốn FDI 2014: Cuộc đua 2 ông lớn

Trong 8 tháng đầu năm, tuy số vốn đăng ký FDI giảm 19% so với cùng kỳ năm 2013 nhưng số vốn giải ngân lại tăng 4,5%, đạt 7,9 tỷ USD. Điều đáng nói là làn sóng gia tăng vốn đầu tư phần lớn vẫn do các “gương mặt thân quen” từ nhiều năm nay là Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore... Trong khi đó, các nhà đầu tư mới có vẻ như vẫn còn đang cân nhắc…

Để nguồn vốn FDI ổn định, bền vững, bên cạnh việc tiếp tục “giữ chân” các nhà đầu tư cũ, VN cần tiếp tục có những cải cách mạnh mẽ môi trường kinh doanh để thu hút các nhà đầu tư mới.

Theo đó, quán quân thuộc về Hàn Quốc với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm đạt 3,22 tỷ USD, chiếm 31,5% tổng vốn đầu tư; Nhật Bản đứng vị trí thứ 2 với 1,27 tỷ USD, chiếm 12,5% tổng vốn đầu tư vào VN.

Hàn Quốc - “quán quân”

Gần đây, hàng loạt động thái của các tập đoàn Hàn Quốc mở rộng đầu tư vào VN đã khẳng định VN là một trong những điểm đến đầu tư hiệu quả nhất đối với các DN Hàn Quốc. Điển hình trong số các dự án này không thể không nhắc tới là tập đoàn Samsung của Hàn Quốc mới đây đã đầu tư thêm hơn 1 tỷ USD cho dự án Samsung Display tại Bắc Ninh. Đồng thời Tập đoàn này cũng đang chuẩn bị kế hoạch đầu tư trên 1 tỷ USD vào TP HCM để mở rộng hoạt động nghiên cứu và phát triển. Trước đó, dự án Samsung Thái Nguyên đã giải ngân được khoảng 1,4 tỷ USD, Samsung Bắc Ninh (SEV) cũng giải ngân được 1,73 tỷ USD...

Một tập đoàn khác của Hàn Quốc là Lotte Group cũng vừa khai trương tổ hợp khách sạn, văn phòng, nhà ở cao cấp Lotte Center Hà Nội với tổng vốn lên tới hơn 400 triệu USD. Tại buổi lễ khai trương, trước nhiều câu hỏi của phóng viên băn khoăn về việc Lotte Center khai trương vào thời điểm kinh tế khó khăn sẽ khó thành công. Ông Lee Jong Kook tổng giám đốc Lotte Coralis VN khẳng định vẫn tin tưởng thành công vào tiềm năng của thị trường VN. Và, không chỉ Samsung, một tập đoàn công nghệ nổi tiếng khác của Hàn Quốc là LG cũng đang có các kế hoạch xúc tiến mở rộng đầu tư vào VN trong nay mai.

Ông Hong Sun - Tổng Thư ký Hiệp hội DN Hàn Quốc tại VN cho biết: Khi các tập đoàn lớn đầu tư vào một quốc gia, họ không chỉ suy nghĩ về mặt lợi ích mà kèm theo đó là nhiều ảnh hưởng khác như giá thành lao động, mức thuế suất… để tạo sức cạnh tranh cho mình về giá cả và chất lượng. “Thực tế, mức thù lao cho nhân công VN đang thấp hơn Trung Quốc, thuế suất của VN lại rất phù hợp với nhu cầu và chính sách của DN nên Samsung đã lựa chọn VN là đất nước để họ “rót” vào những nguồn đầu tư lớn” - ông Hong Sung nói.

Còn theo số liệu của Phòng Thương mại Hàn Quốc tại VN (KorCham), hiện có hơn 3.300 DN Hàn Quốc đang đầu tư tại VN và xu hướng này sẽ tiếp tục tăng. KorCham cũng khẳng định, vai trò của các tập đoàn lớn như Samsung, LG, Lotte, E-mart, SK, Posco… là rất quan trọng. Kéo theo đó là hàng trăm DN phụ trợ, hứa hẹn giúp VN hình thành một môi trường kinh tế chuyên nghiệp và phát triển.

FDI của Nhật Bản vào VN sẽ tăng nhanh

Cho dù vốn giải ngân trong 8 tháng đầu năm không bằng Hàn Quốc, song các động thái mới đây của các DN Nhật Bản cũng cho thấy những dấu hiệu về việc hình thành một “làn sóng” đầu tư lớn của các DNNVV Nhật Bản đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ vào VN. Bằng chứng là gần đây đã có hàng loạt đoàn DN Nhật Bản tiếp xúc với Bộ KHĐT, VCCI… nhằm khảo sát về cơ sở hạ tầng, chính sách quản lý… để tiến hành đầu tư vào VN.

Trong cuộc trao đổi riêng với DĐDN mới đây, ông Yoshisa MARUTA – Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại VN, đồng thời là Tổng giám đốc Toyota VN cũng khẳng định, chưa bao giờ các DNNVV Nhật Bản có sự quan tâm cao thị trường VN như hiện nay, nhất là các DN sản xuất công nghiệp hỗ trợ, gia công kim loại, cơ khí… mục đích của các DN này là cung cấp phụ tùng cho các DN lớn đã có mặt ở VN. Đây cũng là nhu cầu của các DN sản xuất lớn, đặc biệt là các DN sản xuất ô tô…

Trong khi đó, tại một cuộc đối thoại giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) diễn ra tại Hà Nội hồi tháng 8, ông Hiroshi Wantanabe, Tổng giám đốc JBIC cho biết, hiện nhiều nhà đầu tư Nhật Bản đang rất quan tâm tới thị trường VN, bằng chứng là vốn đầu tư từ Nhật Bản vào VN vẫn tiếp tục tăng mạnh trong thời gian vừa qua. Trong đó đầu tư theo hình thức PPP (đối tác công - tư) sẽ là một kênh thu hút nguồn vốn quan trọng từ phía Nhật Bản.

Không chỉ có các DNNVV, nhiều tập đoàn tiếng tăm của Nhật Bản như Sojitz, IHI, Itochu… cũng đã đánh tiếng về khả năng mở rộng đầu tư vào VN trong các buổi tiếp xúc với lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như các địa phương. Trên thực tế, đầu năm 2013, tập đoàn IHI đã quyết định đầu tư Nhà máy sản xuất kết cấu thép, bê tông và máy móc tại khu công nghiệp Đình Vũ (Hải Phòng) với tổng vốn đầu tư gần 48 triệu USD. Trong khi đó, tập đoàn Itochu và Sojitz cũng không phải là cái tên xa lạ đối với VN khi hai tập đoàn này đã đầu tư hàng loạt dự án tại VN. Chẳng hạn, Sojitz đã đầu tư hơn 20 nhà máy tại VN, tập trung vào nhiều lĩnh vực khác nhau và trải rộng trên khắp cả nước, họ cũng đang lên kế hoạch đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất bột giấy trị giá 180 triệu USD ở Quảng Ngãi. Đây là dự án hợp tác giữa Sojitz và tập đoàn JK của Ấn Độ…

Lợi thế trước mắt sẽ khó giữ chân nhà đầu tư

Câu hỏi đặt ra là vì sao VN lại là cái tên có sức hút với các nhà đầu tư đến vậy? Theo giải thích của các nhà đầu tư, ngoài vị vị trí đắc địa, nhân lực sẵn có với giá rẻ… VN còn có thị trường tiêu dùng với hơn 90 triệu dân được dự báo là vô cùng hấp dẫn. Hơn nữa, các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư về công nghệ, máy tính, điện thoại, ti vi… còn nhìn thấy VN còn là cầu nối quan trọng với thị trường ASEAN (hơn 600 triệu dân) khi mà ngưỡng cửa cộng đồng kinh tế ASEAN đang đến gần và thị trường Trung Quốc rộng lớn với 1,3 tỉ dân vốn cũng có nhu cầu ngày càng cao với các sản phẩm này…

Những lợi thế này có thể coi là thế mạnh trước mắt và có sức hút rất lớn đối với các nhà đầu tư. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, nếu muốn các nhà đầu tư gắn kết lâu dài, VN cần phải cải thiện các mặt như: chất lượng lao động, cơ sở hạ tầng, thủ tục hành chính... Bởi nếu những vấn đề này không được cải thiện mà vẫn như hiện nay, các nhà đầu tư sẽ nản lòng và nhanh chóng dời đi khi tìm kiếm được một địa điểm khác có chi phí rẻ hơn VN, nhất là với những thị trường mới nổi trong khu vực như Myanmar, Lào, Campuchia…

Thực tế, những lời cảnh báo này không phải không có cơ sở, bởi theo Chỉ số PCI 2013 của VCCI, có đến 54% DN FDI trước khi chọn VN đã từng cân nhắc đầu tư vào các nước như Trung Quốc (11,1%), Thái Lan (10,6%) và Campuchia (7,7%)… đặc biệt là Lào (4,13%) trong khi năm 2011, 2012 con số này chỉ có 32%.

Trên thực tế, môi trường kinh doanh của VN trong con mắt các nhà đầu tư nước ngoài gần đây không có nhiều chuyển biến đáng kể, có lẽ đây cũng là nguyên nhân khiến các nhà đầu tư mới còn đang “lăn tăn” chưa quyết định đầu tư. Điều này cũng phù hợp với báo cáo của JETRO và báo cáo của WB so sánh VN với nhiều nước trên thế giới và các nước trong khu vực đều thống nhất rằng VN đang còn nhiều hạn chế ở vấn đề thể chế, kết cấu hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực... Vì vậy, để nguồn vốn FDI ổn định, bền vững, bên cạnh việc tiếp tục “giữ chân” các nhà đầu tư cũ, VN cần tiếp tục có những cải cách mạnh mẽ môi trường kinh doanh để thu hút các nhà đầu tư mới, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh thu hút FDI trong khu vực đang ngày một gay gắt.

“Dễ người, khó ta...”

Đó là chia sẻ của PGS.TS Phạm Quý Thọ -chuyên gia chính sách công, Trưởng khoa Chính sách công, Học viện Chính sách và Phát triển – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khi trao đổi với DĐDN về vấn đề thu hút FDI vào VN.

- Xu hướng các nhà đầu tư chuyển dịch hoặc mở rộng đầu tư vào VN, nhất là lĩnh vực công nghệ cao đang ngày một mạnh. Ông giải thích thế nào về hiện tượng này?

Theo tôi, việc dịch chuyển đang nổi lên mấy vấn đề. Thứ nhất quan hệ ngoại giao và thương mại giữa VN - Nhật Bản đang ngày càng phát triển, bên cạnh đó VN cũng đang duy trì đẩy mạnh quan hệ với Hàn Quốc… Thông qua đó, các nhà hoạch định chính sách hi vọng đón một luồng đầu tư mới từ Nhật Bản và Hàn Quốc. Thứ hai, sau những căng thẳng với Trung Quốc, các nước nói chung trong đó đặc biệt là Nhật Bản đang có xu hướng dịch chuyển đầu tư sang VN. Thứ ba, chi phí của Trung Quốc bắt đầu tăng cao, nhất là giá nhân công, cạnh tranh… bắt đầu có xu hướng bão hòa, điều này chứng tỏ Trung Quốc đã phát triển đến ngưỡng.

Thứ tư, các nhà đầu tư đã nhìn thấy những cơ hội đầu tư mới ở VN, chẳng hạn VN điều chỉnh chính sách đầu tư, trước đây chúng ta thu hút FDI bằng chiều rộng, nay chuyển sang chiều sâu. Ngay cả việc gần đây một số thương vụ M&A thành công của các tập đoàn nước ngoài cũng cho thấy VN vẫn là một mảnh đất màu mỡ thu hút đầu tư.

Riêng trong lĩnh vực công nghệ cao, rõ ràng VN đang có những lợi thế. VN đầu tư khá nhiều vào nhân lực CNTT. Ngay trong Kế hoạch phát triển nguồn nhân lực của VN đến năm 2020 có riêng một mục về nhân lực CNTT. Trong khi đó, những người học ngành này thời gian qua chưa có nhiều “đất dụng võ”, nhiều tài năng phải ra nước ngoài làm thuê… Chính điều này là một lý do khiến các tập đoàn CNTT quyết tâm đầu tư vào VN, họ muốn tận dụng nguồn nhân lực này và không phải mất nhiều chi phí đào tạo.

Bên cạnh đó, VN là thị trường rất tiềm năng về CNTT, hầu như người dân ai cũng có nhu cầu sử dụng điện thoại. Rõ ràng nếu mức sống của thị trường này nâng lên một chút nữa sẽ không thua kém bất kỳ thị trường nào trên thế giới, ngay cả với Mỹ. Gần đây Samsung bắt đầu sản xuất dòng điện thoại Smartphone dành riêng cho thị trường VN, điều này chứng tỏ họ rất am hiểu nhu cầu thị trường và đây cũng là một minh chứng rõ ràng cho câu chuyện này.

- Gần đây, việc hãng Nokia (nay thuộc Microsoft) chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất từ Hungary, một phần từ Trung Quốc và Mexico về VN đang gây nhiều thắc mắc trong dư luận. Theo ông, tại sao Nokia lại di dời các dây chuyển này về VN? Ngoài những ưu đãi về thuế, nhân công rẻ, Nokia còn được lợi gì? Lợi thế ở đây là cho Nokia hay cho cả VN?

Thực ra đây là quy luật dịch chuyển của công nghệ, chẳng hạn trước đây công nghệ công nghiệp dệt nhuộm rất phát triển ở Anh, sau đó các công nghệ này cũng được chuyển dần sang Trung Quốc, Ấn Độ...

Mặt khác, cũng có thể đây là những bước đi đầu tiên mang tính thử nghiệm của tập đoàn này với thị trường VN, những máy móc này cũ khi chuyển vào VN, chi phí đầu tư ban đầu sẽ ít, đồng nghĩa với nó là rủi ro cũng ít đi trong trường hợp thất bại. Có thể khi đầu tư công nghệ cũ, lợi nhuận chưa cao nhưng rõ ràng họ đã đặt được “một chân” vào thị trường VN, nếu thấy có lợi sẽ đầu tư lớn hơn vào các công nghệ mới.

Rõ ràng, thị trường VN vẫn dễ dãi nên các tập đoàn này vẫn kiếm lời được bằng công nghệ thấp. Thay vì các máy móc đó phải thay thế hoặc bỏ ở các nước thì chuyển vào VN vẫn sinh lời được.

Tôi khẳng định các DN này họ vẫn nhìn thấy tiềm năng, lợi nhuận rất lớn của thị trường VN nên họ mới đầu tư. Còn vì sao công nghệ cũ vẫn vào được VN hay chuyện DN sẽ kiếm lời từ các công nghệ cũ này như thế nào? Đây là câu hỏi mà các nhà hoạch định chính sách cần phải làm rõ. Về lâu về dài cần có những định hướng cụ thể để các dòng vốn FDI chảy “đúng hướng”.

- Qua những sự việc mà các DN FDI gây ra thời gian qua, chẳng hạn như việc chuyển giá, trốn thuế... như báo chí đã đưa. Nhiều ý kiến cho rằng, phải chăng VN là mảnh đất “màu mỡ” để đầu tư rồi chuyển giá kiếm lời nên những nhà đầu tư “sừng sỏ” không bỏ lỡ các cơ hội lợi dụng để làm ăn?

Như tôi đã nói ở trên, khi một nhà đầu tư đầu tư vào VN, hay một quốc gia khác viện trợ ODA đều có “bài toán” riêng của họ. Nhưng, mục tiêu cao nhất vẫn là kiếm lời, chúng ta đừng ảo tưởng họ giúp đỡ , đó là tư duy cũ, tư duy mới kinh tế thị trường phải hiểu rằng đó là một bài toán làm ăn, đầu tư sinh lời, không trước mắt thì lâu dài, nếu không có lời không bao giờ họ đầu tư.

Vì mục tiêu là lợi nhuận nên họ sẽ tìm mọi cách để kiếm lời, kể cả việc lợi dụng sơ hở về pháp luật, sự kém hiểu biết về luật pháp kinh tế quốc tế, ít có kinh nghiệm với các tập đoàn tài chính, các ngân hàng lớn… nên không biết luồng tiền đi vào, đi ra như thế nào, giá cả quyết định ra sao theo tiêu chuẩn tài chính quốc tế. Họ là những người đi trước, luôn chủ động mọi chuyện, còn chúng ta đi sau, yếu kém về năng lực, ví dụ ngay lĩnh vực kế toán hiện cũng chưa hội nhập vào hệ thống quốc tế… nên nhiều DN FDI lợi dụng các kẽ hở quản lý để làm ăn, kiếm lời, thậm chí là trốn thuế, chuyển giá…

Gần đây chúng ta đã nhận ra rằng có những mặt yếu kém trong công tác thu hút FDI nên đã có những điều chỉnh. Nên nhớ, FDI không chỉ về mặt bề nổi, có nghĩa mang bao nhiêu tiền vào đây, tạo việc làm… như thế nào mà quan trọng anh phải đóng góp gì cho nền kinh tế VN, nhất là về mặt tài chính, công nghệ, kỹ thuật, môi trường…

Vì vậy để ngăn chặn, các cơ quan chức năng cần phải thông thạo hơn về mặt luật, trong đó có luật kinh tế, thương mại, sở hữu trí tuệ… Và để làm đúng luật chơi quốc tế và quản lý tốt, chúng ta cần xây dựng một hệ thống chính sách dài hơi và thực thi cho tốt. Đừng để “mất bò” rồi mới lo “làm chuồng”.

- Xin cảm ơn ông!


Quốc Anh

Diễn đàn doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   Thép xây dựng tồn kho không đáng ngại (10/09/2014)

>   Tiêu thụ ô tô tháng 8 tăng gần 60% so cùng kỳ (10/09/2014)

>   FMC, HSG được hải quan chính thức công nhận doanh nghiệp ưu tiên (10/09/2014)

>   Doanh nghiệp Việt đặt điều kiện với Samsung? (10/09/2014)

>   Hàn Quốc coi Việt Nam là địa bàn đầu tư chiến lược (09/09/2014)

>   Doanh nghiệp Việt chưa tận dụng được lợi thế từ các FTA (09/09/2014)

>   Cần hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ hiệu quả hơn (09/09/2014)

>   5 nguyên tắc xác định giá thành cá Tra nguyên liệu (09/09/2014)

>   Lương khủng phải gắn với hiệu quả DNNN (09/09/2014)

>   Berli Jucker với kế hoạch mở rộng hoạt động tại Việt Nam (09/09/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật