Rắc rối xung quanh việc chuyển nhượng cảng Nha Trang
Đầu tháng 9, xuất hiện thông tin về việc UBND tỉnh Khánh Hòa bán cảng Nha Trang cho Công ty cổ phần Vinpearl với giá 85 tỉ đồng, so với giá trị thực tế doanh nghiệp được phê duyệt khi tiến hành chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) hồi tháng 5 là 258 tỉ đồng (trong đó có 245 tỉ đồng vốn nhà nước).
Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Chiến Thắng sau đó đã bác bỏ thông tin này và xác nhận rằng tỉnh chỉ bán một lượng cổ phần cho Vinpearl sau khi tiếp nhận cảng. Vậy thực hư chuyện này thế nào?
* Nhà nước không cần giữ 75% cổ phần cảng Nha Trang
* Đầu tư cảng Nha Trang thành cảng du lịch quốc tế
Một góc cảng Nha Trang
|
Cảng Nha Trang chưa “về” Khánh Hòa
Cảng Nha Trang là tên gọi tắt của Công ty cổ phần Cảng Nha Trang, trước là công ty con thuộc Vinalines. Sau đợt IPO hồi tháng 5-2014, doanh nghiệp này hoạt động theo mô hình công ty cổ phần và Vinalines là chủ sở hữu vốn nhà nước (nắm 96,05% vốn). Khoảng 4% cổ phần còn lại do các cổ đông thiểu số khác nắm giữ, chủ yếu là người lao động tại doanh nghiệp.
Đến thời điểm này, Công ty cổ phần Cảng Nha Trang vẫn là công ty do Vinalines là đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước, vì tỉnh Khánh Hòa đến nay chưa trình phương án tiếp nhận và chưa được Thủ tướng phê duyệt. |
Nếu Vinalines tiếp tục thoái vốn nhà nước tại đây, bằng việc bán tiếp cổ phần cảng Nha Trang cho doanh nghiệp khác thì không có gì đáng bàn, miễn là cứ làm đúng theo quy định về thoái vốn nhà nước.
Song sự việc trở nên phức tạp vì sự có mặt của tỉnh Khánh Hòa tại doanh nghiệp này. Khánh Hòa xin Chính phủ cho chuyển giao cảng Nha Trang về UBND tỉnh quản lý, sau tiếp nhận thì chuyển cảng này thành cảng du lịch quốc tế. Hay nói cách khác đây là việc chuyển giao quyền sở hữu vốn nhà nước trong Công ty cổ phần Cảng Nha Trang từ Vinalines qua cho Khánh Hòa.
Chính phủ đã đồng ý về chủ trương chuyển giao từ tháng 4, trước thời điểm IPO Cảng Nha Trang. Song điều kiện chuyển giao (Văn bản số 4321 hồi tháng 6-2014 của Văn phòng Chính phủ) nhấn mạnh, việc chuyển giao này chỉ thực hiện sau khi cổ phần hóa. Đồng thời tỉnh Khánh Hòa phải trình phương án tiếp nhận, đầu tư, phát triển, để Thủ tướng phê duyệt.
Do vậy, xét về lý, đến thời điểm này, Công ty cổ phần Cảng Nha Trang vẫn là công ty do Vinalines là đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước, vì tỉnh Khánh Hòa đến nay chưa trình phương án tiếp nhận và chưa được Thủ tướng phê duyệt.
Nếu Vinpearl muốn mua cổ phần tại đây thì phải thực hiện việc mua bán với Vinalines theo đúng quy định, tức là theo Luật Doanh nghiệp và các quy định tại Nghị định 71/2013 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm 100% vốn điều lệ. Theo đó, việc bán cổ phần sẽ phải đấu giá công khai. Nếu chỉ có một nhà đầu tư đăng ký mua hoặc trường hợp được Thủ tướng cho phép bằng văn bản thì thực hiện bán cổ phần theo thỏa thuận trực tiếp với nhà đầu tư.
Tóm lại, UBND tỉnh Khánh Hòa không thể thỏa thuận mua bán cổ phần Cảng Nha Trang khi chưa chính thức được giao quyền quản lý. Chính vì thế, hôm 4-9, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, sau cuộc họp với UBND tỉnh Khánh Hòa, đã chỉ đạo Vinalines soạn thảo hợp đồng bán bớt cổ phần cho Vinpearl như đề xuất của nơi này.
Vì sao cảng Nha Trang hấp dẫn?
Cảng Nha Trang IPO bị ế, hiệu quả kinh doanh cũng không đáng kể. Song, nếu chuyển đổi công năng từ cảng tổng hợp đa năng sang cảng du lịch quốc tế, sẽ sinh lời nhiều mặt. Theo kế hoạch, việc vận chuyển hàng hóa sẽ chuyển qua cảng Cam Ranh. Còn nơi đây sẽ nâng cấp tàu, thuyền, bến đạt chuẩn để phục vụ du lịch.
Mặt khác, Công ty cổ phần Cảng Nha Trang hiện đang sở hữu nhiều khu đất ở các vị trí đắc địa, được Nhà nước cho thuê lâu dài. Trong số này, theo cáo bạch khi cổ phần hóa, công ty có khu đất số 5 nằm tại đường Phước Long, phường Vĩnh Nguyên (TP Nha Trang), diện tích 60.700 mét vuông, đang đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét cho thuê dài hạn, chuyển mục đích sử dụng đất để tiến hành mở rộng hoạt động kinh doanh theo hướng du lịch-dịch vụ như xây khách sạn, cao ốc.
Khu đất có chuyển đổi được mục đích sử dụng hay không phụ thuộc vào quyền quyết định của UBND tỉnh Khánh Hòa. Nếu sở hữu vốn tại một doanh nghiệp có nhiều khả năng sinh lời như thế, Khánh Hòa dễ dàng bán tiếp cổ phần cho các nhà đầu tư khác với giá cao hơn giá trị nhận bàn giao (dự kiến là khoảng 184 tỉ).
Ngọc Lan
tbktsg
|