Vietnam Airlines nhắm nhà đầu tư chiến lược là hãng hàng không
Với phương án bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) đã được Thủ tướng chính thức phê duyệt, Vietnam Airlines dự kiến sẽ có một hoặc hơn một nhà đầu tư chiến lược là hãng hàng không hoặc tổ chức tài chính lớn.
Trong cuộc trao đổi với báo chí chiều ngày 15-9, ông Phạm Ngọc Minh, Tổng giám đốc Vietnam Airlines (VNA), cho biết VNA sẽ ưu tiên lựa chọn nhà đầu tư chiến lược là hãng hàng không nước ngoài có tiềm lực tài chính, cùng quan điểm, mục tiêu kinh doanh với Vietnam Airlines.
Tuy nhiên, Vietnam Airlines dự kiến sẽ có một hoặc hơn một nhà đầu tư chiến lược, có thể là hãng hàng không hoặc tổ chức tài chính lớn.
Đây là những tổ chức dự kiến sẽ đồng hành với Vietnam Airlines trong lâu dài, thay vì những lợi ích ngắn hạn bởi tỉ suất lợi nhuận của Vietnam Airlines vài năm trở lại đây là rất thấp. Tỉ suất lợi nhuận sau thuế trên tổng tài sản chỉ đạt 0,25% (2013).
Ông Minh có nhắc đến tên hãng hàng không All Nippon Airway (ANA, Nhật Bản) như một ứng cử viên cho vị trí mà Vietnam Airlines sẵn sàng chia sẻ 20% cổ phần trong đợt IPO lần thứ nhất. Tuy nhiên, vẫn theo ông Minh, còn có một số nhà đầu tư chiến lược khác cũng quan tâm; song đến nay việc chọn hợp tác với ai không phải dễ dàng nên chưa có câu trả lời rõ ràng.
Bởi lẽ, theo lộ trình, sau khi Bộ GTVT phê duyệt tiêu chí và quy trình lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, Vietnam Airlines sẽ xây dựng và gửi bản công bố thông tin cho các nhà đầu tư tiềm năng. Kế hoạch là đến tháng 10 tới, bản cáo bạch này mới được công bố. Sau đó, các nhà đầu tư quan tâm sẽ tham gia Hội nghị đầu tư với lãnh đạo Vietnam Airlines. Sau bước đi này, mới đến giai đoạn đàm phán và lựa chọn nhà đầu tư.
Trường hợp có hơn ba nhà đầu tư hoặc số lượng đăng ký vượt số lượng chào bán, Tổng công ty sẽ thực hiện việc bán cho các nhà đầu tư chiến lược dưới hình thức đấu giá công khai. Trường hợp có dưới ba nhà đầu tư và số lượng đăng ký mua bằng hoặc thấp hơn số lượng chào bán, Vietnam Airlines sẽ thực hiện đàm phán trực tiếp với các nhà đầu tư và báo cáo kết quả trình Bộ GTVT phê duyệt.
Nếu một nhà đầu tư chiến lược nào mua hết số cổ phần bán ra đợt này, dự kiến đối tác sẽ phải chi ra khoảng 300 triệu đô la Mỹ, vì giá cổ phần khởi điểm của Vietnam Airlines là 22.300 đồng/cổ phần.
Theo ông Trần Thanh Hiền, Trưởng ban tài chính kế toán của Vietnam Airlines, mức giá khởi điểm dự kiến này sẽ không đổi bởi đã được tính toán kỹ dựa trên giá trị hiện tại và tương lai của tổng công ty. Giá trị thực tế của doanh nghiệp được phê duyệt khi cổ phần hóa là khoảng hơn 2,7 tỉ đô la Mỹ.
Vietnam Airlines thực hiện IPO trong thời điểm thị trường kinh doanh hàng không gặp nhiều khó khăn, cạnh tranh quyết liệt và rủi ro trên thế giới không ngừng gia tăng. Tuy nhiên, theo lời ông Phạm Ngọc Minh, Vietnam Airlines vẫn đi theo lộ trình thay đổi, nâng cấp, hiện đại hóa đội tàu bay.
Kế hoạch là từ nay đến 2018 sẽ thay mới toàn bộ đội tàu bay hiện tại bằng các máy bay thế hệ mới Boeing 777 và Airbus 350. Đến nay, trong đội tàu bay 82 chiếc mà Vietnam Airlines sở hữu, thuê tài chính và thuê khai thác có 10 chiếc Boeing 777 và 9 chiếc A 330.
Ông Minh hy vọng việc IPO và hiện đại hóa đội tàu bay sẽ thay đổi quy mô và hiệu quả kinh doanh của Vietnam Airlines, hiện đang xếp sau Singapore Airlines và Thai Airways trong khu vực về quy mô và hiệu quả.
Vietnam Airlines hy vọng rằng sẽ chọn được nhà đầu tư chiến lược là hãng hàng không để thông qua IPO, có cơ hội mở cửa thị trường, kết nối các mạng đường bay. Bởi mạng đường bay hiện cũng là tài sản vô hình lớn nhất của Vietnam Airlines, với 53 đường bay quốc tế và 52 đường bay nội địa .
Lan Nhi
TBKTSG
|