Thương mại điện tử ở Việt Nam chưa đáp ứng tốc độ phát triển
Theo thống kê của Hiệp hội Thương mại điện tử, với sự bùng nổ của dịch vụ Internet, kết nối 3G và các thiết bị di động như hiện nay, giao dịch thương mại điện tử Việt Nam đã đạt giá trị 2,2 tỷ USD năm 2013 và có thể chạm ngưỡng 4 tỷ USD vào năm 2015.
Tuy nhiên, tiềm năng càng lớn thì rủi ro cũng nhiều bởi đến nay, hành lang pháp lý và cơ sở hạ tầng trong thương mại điện tử tại Việt Nam vẫn chưa đáp ứng kịp tốc độ phát triển.
Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên TTXVN đã có buổi phỏng vấn ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, Bộ Công Thương.
- Thưa ông, có thể thấy, mua hàng trực tuyến hiện rất đa dạng, đơn giản và tiện lợi, song trên thực tế hình thức thương mại này hiện vẫn chưa chiếm được lòng tin của đa số người tiêu dùng, xin ông cho biết đâu là nguyên nhân của vấn đề này?
* Ông Trần Hữu Linh: Có thể nói thương mại điện tử hiện nay phát triển rất sôi động với nhiều hình thái như B2B, B2C, C2C hoặc giữa các cơ quan nhà nước với doanh nghiệp. Trong vài năm trở lại đây có thêm một mô hình rất mới đang được các cá nhân và doanh nghiệp hưởng ứng đó là thương mại điện tử qua các thiết bị di động. Có thể nói doanh nghiệp bán hàng cho người tiêu dùng thông qua các website hiện nay đang chiếm số đông.
Loại hình này có sức lan tỏa rất lớn, theo tính toán của Cục thương mại điện tử và Công nghệ thông tin đang có hơn 200.000 doanh nghiệp trong tổng số gần 500.000 doanh nghiệp trên cả nước có website, trong số đó 80% là website thương mại điện tử. Tuy nhiên, để đảm bảo việc mua hàng trên mạng và đảm bảo lòng tin của người tiêu dùng, chúng ta còn rất nhiều vấn đề phải bàn. thương mại điện tử là lĩnh vực mới, dựa trên nền tảng công nghệ thông tin và đặc biệt là mạng Internet do vậy người tiêu dùng đôi khi bị thiệt hại và mất niềm tin vào lĩnh vực này khi cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ.
- Trong thời điểm nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thương mại điện tử được coi là lối thoát cho nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, đi cùng với đó là tình trạng lợi dụng thương mại điện tử để trục lợi, cạnh tranh thiếu lành mạnh của nhiều tổ chức, doanh nghiệp. Ông có thể cho biết cụ thể hơn về tình trạng này?
* Ông Trần Hữu Linh: Thương mại điện tử đang có bước phát triển rất nhanh, cùng với đó là hệ thống viễn thông của Việt Nam trong mấy năm qua cũng có tốc độ phát triển vượt bậc. Hiện nay, khoảng 1/3 dân số Việt Nam truy cập Internet, do vậy thương mại điện tử rất có tiềm năng phát triển. Với sự bùng nổ như vậy, vi phạm trong giao dịch thương mại điện tử bắt đầu phát sinh gây nên không ít sự nghi ngờ từ phía người tiêu dùng.
Ngoài ra, những mô hình thương mại điện tử bán lẻ trên mạng, đặc biệt là các kênh như diễn đàn rao vặt, mạng xã hội cũng xuất hiện tình trạng bán hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, thậm chí là hàng cấm kinh doanh. Đấy là những biểu hiện vi phạm, gian lận thương mại trong thương mại điện tử đang xuất hiện khá phổ biến hiện nay.
- Thưa ông, thực tế ngay cả một số địa chỉ mua bán trên mạng đã được đăng ký trên trang web của Bộ Công Thương cũng không đảm bảo người tiêu dùng có thể mua được hàng thật, đúng như quảng cáo. Vậy ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
* Ông Trần Hữu Linh: Thương mại điện tử là lĩnh vực thương mại dựa trên nền tảng công nghệ, vì thế chúng ta cũng phải có cách quản lý rất linh hoạt, phù hợp với đặc điểm của công nghệ. Nếu quản lý Nhà nước về thương mại điện tử mà chỉ áp dụng như thương mại truyền thống thì chắc chắn không phát huy được sức mạnh của thương mại điện tử.
Hiện nay, các website bán hàng cần phải thông báo, đăng ký trực tuyến trên cổng thông tin quản lý về thương mại điện tử của Bộ Công Thương. Việc làm này giúp Bộ Công Thương có thể nắm được số lượng và địa chỉ cụ thể của các website bán hàng trên mạng, thông qua đó người tiêu dùng cũng có thể biết được địa chỉ của các website mình đang truy cập ở đâu, bán cái gì, muốn liên hệ thì liên hệ thế nào...
Tuy nhiên, tôi khẳng định lại là việc thông báo hay đăng ký này cũng như một doanh nghiệp khi muốn kinh doanh phải xin giấy phép đăng ký kinh doanh. Còn sau khi đăng ký kinh doanh, việc doanh nghiệp đó kinh doanh như thế nào phụ thuộc rất nhiều vào cách thức kinh doanh, sản phẩm, mặt hàng, đạo đức và văn hóa kinh doanh của chính doanh nghiệp đó. Do vậy, việc thông báo, đăng ký này trước hết để cơ quan quản lý Nhà nước có công cụ theo dõi để quản lý, còn lại việc kinh doanh đúng pháp luật hay không còn chịu sự chi phối rất nhiều của các hạ tầng khác.
- Thực tế này liệu có phải do hành lang pháp lý về thương mại điện tử hiện nay chưa theo kịp với tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử không, thưa ông?
* Ông Trần Hữu Linh: Chúng ta thấy rằng năm 2013 doanh số thương mại điện tử bán lẻ trong nước đã đạt con số trên 2 tỷ USD và theo dự báo của Cục thương mại điện tử và Công nghệ thông tin năm 2015 tỷ trọng doanh thu có thể đạt ngưỡng 4 tỷ USD.
Mặc dù con số này chỉ chiếm phần nhỏ trong GDP nói chung của cả nước, tuy nhiên có thể thấy là tốc độ tăng trưởng như vậy là khá nhanh và tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo. Là lĩnh vực mới, đặc thù lại kinh doanh trên nền tảng công nghệ do vậy chúng ta phải triển khai đồng bộ rất nhiều hạ tầng, một trong những hạ tầng cơ bản và quan trọng hàng đầu phải làm đầu tiên đó là hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, khi đó người mua người bán mới yên tâm giao dịch trên mạng.
Trong hai năm trở lại đây, Cục thương mại điện tử và Công nghệ thông tin được Bộ Công Thương giao hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, chúng tôi đã nỗ lực thực hiện và vào 1/7/2013 Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử đã được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.
Bộ Công Thương cũng ban hành Thông tư số 12 để hướng dẫn Nghị định 52. Đến cuối năm 2013, Nghị định 185 về việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại, hàng giả, hàng nhái… cũng được Chính phủ ban hành và có hiệu lực vào ngày 1/1/2014; trong đó có hẳn một mục riêng về quy định xử phạt những hành vi vi phạm, gian lân trong lĩnh vực thương mại điện tử. Đây là những văn bản qui phạm pháp luật quan trọng, mở đường cho việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý.
Trong năm nay, Cục thương mại điện tử tiếp tục tập trung, bắt tay vào việc xây dựng một thông tư mới thay thế Thông tư 12 và dự kiến tháng 11 sẽ ban hành. Điều này chứng tỏ thương mại điện tử có sự phát triển rất nhanh, chúng ta phải nắm bắt được diễn biến thực tế đó để có điều chỉnh pháp luật cho phù hợp.
- Kinh doanh trên mạng ở Việt Nam càng mở rộng thì việc các doanh nghiệp gian lận cũng có chiều hướng gia tăng, xin ông cho biết cơ quan quản lý Nhà nước đã có biện pháp nào để ngăn chặn tình trạng này nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và doanh nghiệp làm ăn chân chính?
* Ông Trần Hữu Linh: Sau khi Nghị định 185 có hiệu lực, chúng tôi đã triển khai ngay các công tác để sớm đưa Nghị định vào cuộc sống. Chúng tôi đã phối hợp với Cục Quản lý thị trường tổ chức tập huấn cho đội ngũ quản lý thị trường các địa phương trên toàn quốc các kỹ năng liên quan đến lĩnh vực thương mại điện tử; tuyên truyền cho người mua hàng, các doanh nghiệp những kiến thức, kỹ năng về thương mại điện tử.
Chúng tôi cũng phối hợp với quản lý thị trường tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử lý một số vụ vi phạm điển hình do tuân thủ các quy định pháp luật, không thực hiện nghĩa vụ thông báo, đăng ký các website theo qui định và đặc biệt xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng thương mại điện tử để bán hàng giả, hàng nhái, hãng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
- Với tốc độ tăng trưởng nhanh như hiện nay, trong thời gian tới, để thương mại điện tử phát triển vững chắc, theo ông cần thực hiện những giải pháp cấp bách gì?
* Ông Trần Hữu Linh: Để phát triển thương mại điện tử, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm, đặc biệt là chúng ta phải phát triển một cách đồng bộ các hạ tầng liên quan từ hạ tầng pháp lý cho đến hạ tầng kỹ thuật, nguồn nhân lực, gây dựng lòng tin của người tiêu dùng… thì mới mang lại hiệu quả cao.
Do vậy, trong thời gian tới, bên cạnh việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, Cục thương mại điện tử và Công nghệ thông tin bắt đầu làm việc với các tổ chức, các doanh nghiệp để nâng dần hiệu quả của thương mại điện tử.
Cụ thể là hoàn thiện hệ thống thanh toán thương mại điện tử, hoàn thiện dịch vụ logicstic, đồng thời phát triển những giải pháp ứng dụng phù hợp với các doanh nghiệp, đặc biệt chú trọng tới doanh nghiệp vừa và nhỏ qua đó tăng cường được lòng tin của người mua hàng cũng như người bán hàng trên mạng, có như thế thương mại điện tử sẽ phát triển đúng như lộ trình chúng ta đề ra.
Trần Trung
vietnam+
|