Thứ Sáu, 15/08/2014 15:30

Diễn đàn Kinh tế Miền Trung: Tận dụng “lợi thế tĩnh” liên kết vùng tạo ra “lợi thế động”

Nằm ngay tại trục giao thông chính Bắc - Nam, cửa ngõ ra biển của hành lang kinh tế Đông – Tây là một trong những “lợi thế tĩnh” của vùng duyên hải miền Trung thế nhưng vẫn còn thiếu sự liên kết và phối hợp để tạo ra “lợi thế động” nâng cao sức cạnh tranh toàn vùng.

* Miền Trung và chuyện hóa giải xung đột lợi ích

Tại Diễn đàn Kinh tế Miền Trung vừa được diễn ra sáng ngày 15/08, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương - GS.TS Vương Đình Huệ đã gợi mở một số giải pháp tăng cường liên kết vùng và phát triển kinh tế-xã hội vùng các tỉnh duyên hải Miền Trung.

GS.TS Vương Đình Huệ gợi mở một số giải pháp tăng cường liên kết vùng và phát triển kinh tế-xã hội vùng các tỉnh duyên hải Miền Trung tại Diễn đàn Kinh tế Miền Trung tổ chức sáng 15/08 tại Đà Nẵng.

Hành lang thương mại quan trọng

Vùng duyên hải Miền Trung vốn dĩ được biết đến bởi vị trí nằm trên trục giao thông chính Bắc-Nam; có được ý nghĩa chiến lược về giao lưu kinh tế từ Bắc-Nam, Đông-Tây; quan hệ chặt chẽ với Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia, Đông Bắc Thái Lan và Myanmar; là cửa ngõ ra biển hành lang kinh tế Đông-Tây nối với đường hàng hải quốc tế qua Biển Đông và Thái Bình Dương. Đặc biệt là vai trò kết nối khu vực tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng với khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á. Cùng với đó là nơi hội tụ của nhiều di sản văn hóa thế giới và nhiều địa điểm du lịch lý tưởng.

Tận dụng những lợi thế trên, trong 10 năm trở lại đây, Chính quyền địa phương nơi đây đã có những nỗ lực thu hút đầu tư và tranh thủ sự hỗ trợ từ Trung ương nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Qua đó kinh tế từng địa phương nói riêng và vùng duyên hải miền Trung nói chung đã thoát khỏi được tình trạng kém phát triển, tỷ lệ hộ nghèo nghèo giảm nhanh qua từng năm, nhất là tại vùng núi, vùng bãi ngang ven biển, thích ứng dần với biến đổi khí hậu, thiên tai.

Vẫn còn thiếu sự liên kết, phối hợp

Bên cạnh đó là nhiều khu kinh tế, khu công nghiệp vào hoạt động; các vùng sản xuất thâm canh cây trồng, vật nuôi tập trung sản lượng lớn phục vụ sản xuất, chế biến xuất khẩu và khu du lịch chất lượng cao ven biển, khu du lịch sinh thái được hình thành.

Tuy nhiên nếu chỉ dựa vào “lợi thế tĩnh” về điều kiện tự nhiên mỗi địa phương để thực hiện chính sách ưu đãi kêu gọi đầu tư mà thiếu đi sự liên kết để tạo ra “lợi thế động” nhằm tối ưu hóa nguồn lực hữu hạn, thì khó có thể đẩy mạnh phát triển và nâng cao sức cạnh tranh toàn vùng, GS.TS Vương Đình Huệ nhận định.

Nhận thức được điều này thì từ năm 2012, Ban điều phối Vùng 7 tỉnh duyên hải miền Trung được hình thành nhằm thực hiện các nội dung về liên kết Vùng như: Phân bổ lại lực lượng sản xuất phù hợp với thế mạnh của từng vùng; Xây dựng hạ tầng giao thông liên tỉnh và quốc tế; Thiết lập không gian kinh tế du lịch Vùng thống nhất; Nâng cao chất lượng nhân lực; Hợp tác huy động vốn đầu tư và xây dựng chính sách phát triển chung của Vùng; Phối hợp xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch; Cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của Vùng; Xây dựng hệ thống thông tin và trao đổi thông tin kinh tế - xã hội; Hợp tác bảo vệ môi trường, chủ quyền biển đảo, ứng phó thiên tai.

Tuy nhiên, trên thực tế thì sự phát triển giữa các địa phương trong từng vùng và giữa các vùng ở nước ta vẫn còn thiếu sự liên kết, phối hợp không chỉ riêng gì miền Trung. Tình trạng đầu tư trùng lặp chưa hoàn toàn được khắc phục. Có lúc còn có biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh để thu hút đầu tư giữa các tỉnh bằng cách “phá rào”, đưa ra các ưu đãi quá lớn để hấp dẫn các nhà đầu tư gây tổn thất cho lợi ích chung của cả nền kinh tế.

Cần đẩy nhanh cơ cấu lại các vùng kinh tế

Gợi mở một số giải pháp nhằm phát huy sức mạnh Miền Trung trong giai đoạn mới, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương GS.TS Vương Đình Huệ cho rằng, để thực hiện thành công chủ trương cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển nhanh và bền vững, cần phải tiếp tục hoàn thiện căn bản thể chế kinh tế vùng, đẩy nhanh việc cơ cấu lại các vùng kinh tế theo định hướng và một số giải pháp đi kèm.

(1) Rà soát, hoàn thiện quy hoạch phát triển kinh tế vùng trên cơ sở lợi thế so sánh của từng địa phương, khắc phục chia cắt không gian kinh tế. Từ đó sẽ tập trung nguồn lực Nhà nước và các thành phần kinh tế đầu tư, đặc biệt là phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị và nông thôn. Ngoài ra sẽ thu hút các các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia hình thành và phát triển chuỗi giá trị liên kết vùng nhất là đối với những sản phẩm chủ lực. Quy định cụ thể và thực thi cơ chế điều phối vùng kinh tế.

(2) Tạo lập thể chế kinh tế ưu đãi cho các vùng kinh tế trọng điểm, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế cho các khu kinh tế, nhất là đặc khu kinh tế để tạo được tăng trưởng và thể nghiệm thể chế mới. Đây sẽ là động lực lan tỏa khắp cả nước; phát triển nhanh hơn các khu vực còn nhiều khó khăn, vùng biên giới, hải đảo, Tây Nam, Tây Nguyên, Tây Bắc và phía Tây các tỉnh miền Trung.

(3) Phát triển mạnh kinh tế biển đảo, nhất là cảng biển, vận tải biển, đóng và sửa chữa tầu biển, các dịch vụ hậu cần, du lịch, dầu khí, khai thác hải sản xa bờ… gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo và an ninh, an toàn trên biển. Phát triển các hành lang, vành đai kinh tế, kết nối với các vùng trong nước và khu vực; hình thành trung tâm hợp tác phát triển kinh tế tại một số cửa khẩu.

(4) Hoàn thiện thể chế phân công, phân cấp giữa Trung ương và địa phương, vừa đảm bảo tập trung thống nhất của nền kinh tế, vừa phát huy tính chủ động, sáng tạo của địa phương. Đi đôi với đó là đổi mới hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia và địa phương, chú trọng bổ sung các chỉ tiêu về chất lượng tăng trưởng.

Đánh giá cao ý nghĩa của Diễn đàn Kinh tế miền Trung, GS.TS Vương Đình Huệ nhấn mạnh những kiến nghị, đề xuất tại Diễn đàn đã có được ý nghĩa thiết thực và góp phần quan trọng để hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh liên kết và phát triển kinh tế - xã hội các vùng trong phạm vi cả nước.

Thiên Minh

Các tin tức khác

>   Miền Trung và chuyện hóa giải xung đột lợi ích (15/08/2014)

>   Khai thác “mỏ vàng vô tận” riêng có của miền Trung (15/08/2014)

>   PetroVietnam muốn mua cổ phần hãng dầu khí Mỹ (15/08/2014)

>   Không thể “chữa bệnh” cho doanh nghiệp cùng một “thuốc” (15/08/2014)

>   Lồng đèn Việt chiếm 70% thị phần (15/08/2014)

>   Thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu tính theo phút (15/08/2014)

>   Sức mua ôtô tăng liên tiếp 16 tháng (14/08/2014)

>   Hai nhà thầu Trung Quốc đột ngột bỏ thi công thủy điện (14/08/2014)

>   Petrolimex lãi 260 tỷ đồng từ kinh doanh xăng dầu trong nửa đầu năm (14/08/2014)

>   Thêm “đại gia” xin vay tiền sắm 220 tàu vỏ thép, 3 máy bay trực thăng (14/08/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật