Thứ Sáu, 15/08/2014 09:04

Không thể “chữa bệnh” cho doanh nghiệp cùng một “thuốc”

Không chỉ là đối tượng quản lý, DN còn là đối tượng cần được chăm sóc, phục vụ, để DN có khả năng phục hồi nhanh và phát triển. Làm như vậy chính là chúng ta nuôi dưỡng nguồn thu cho đất nước. Đó là ý kiến của ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa (DNNVV) trong cuộc trao đổi với Báo Hải quan.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 7 tháng đầu năm 2014 số DN giải thể, ngừng hoạt động là hơn 37.000 DN, tăng gần 10% so với cùng kỳ 2013. Ông đánh giá như thế nào về điều này và theo ông, tình hình DN từ nay đến cuối năm 2014 cũng như một vài năm tới sẽ như thế nào?

Tình hình đó phản ánh đúng việc DN chịu đựng sức ép khó khăn của nền kinh tế nhiều năm lại đây, cho nên sức kháng cự yếu dần. Tuy vậy, theo Hiệp hội DNNVV, đây là con số thực nhưng chưa phản ánh hết tình hình của DN, số lượng DN khó khăn nhiều hơn gấp 3 lần. Vì tâm lý, văn hóa của người Việt Nam cho rằng kinh doanh phải đóng cửa là sai, là xấu nên con số đó chưa được bộc lộ ra hết.

Tuy nhiên, theo quy luật, sau thời gian suy thoái, đã đến lúc kinh tế đi lên, đó là yếu tố quan trọng tạo thuận lợi cho DN. Những tháng đầu năm 2014, Việt Nam xuất siêu 1,3 tỷ USD, báo hiệu việc sản xuất một số ngành đã bắt đầu phát triển. Thời gian tới tình hình DN sẽ khởi sắc hơn, nhưng đột phá mới mẻ thì chưa có. Muốn đột phá, theo tôi phải sang cuối năm 2015, trong điều kiện tình hình quốc tế không có biến động, cũng là khi các hiệp định thương mại được ký kết đem lại cơ hội lớn cho các DN Việt Nam.

Thời gian qua, DN phải đối mặt với những khó khăn gì? Đâu là khó khăn lớn nhất của DN hiện nay, thưa ông?

Có rất nhiều khó khăn dẫn đến tình trạng DN thời gian qua. Trước hết đó là khó khăn về thị trường, khi sức mua kiệt quệ, DN không bán được sản phẩm. Bên cạnh đó là khó khăn trong cạnh tranh với quốc tế, khi DN Việt Nam có sức cạnh tranh yếu; khó khăn trong khả năng tiếp cận vốn tín dụng, đất đai, thủ tục hành chính công, năng lực quản trị, lao động... Tất cả yếu tố này cùng với bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động đã cộng hưởng, tác động lớn tới DN.

Về khó khăn lớn nhất, tôi cho rằng, hiện nay DN có 3 trục: Vốn, thị trường và năng lực cạnh tranh tổng thể. Nếu có hai DN ngang nhau, trên cùng một địa bàn, cùng điều kiện như nhau nhưng nếu ra cùng một sản phẩm thì sản phẩm của DN Việt sẽ thua sản phẩm của DN nước ngoài. Như vậy, rõ ràng năng lực cạnh tranh là điều chúng ta phải suy tính.

Hiện nay điểm yếu của DN Việt Nam là quản trị. Đây được xem là “tử huyệt” của DN. Về vấn đề này, DN phải thay đổi theo hướng nào?

Quản trị của DN Việt Nam rất yếu. Muốn tăng cường, DN phải tự học tập, tự tiếp cận với năng lực quản trị của thế giới, tự lực vươn lên. Tuy nhiên, để DN tự mày mò sẽ rất lâu, vì tìm được một lớp đào tạo, trau dồi năng lực quản trị trúng và đúng với nghề nghiệp của DN không đơn giản. Vì vậy, về phía Nhà nước phải giúp cho DN kênh thông tin đồng thời tổ chức nhiều lớp đào tạo cho DN. Các tổ chức, đoàn thể phải xây dựng được giáo trình phù hợp với từng loại hình DN cụ thể. Việt Nam hiện nay chưa có giáo trình đào tạo phù hợp cho từng DN. Từ năm 2013, Hiệp hội DNNVV đã bỏ cách đào tạo cũ là thầy đọc trò ghi, tiên phong trong cách chia sẻ những mô hình, những thông tin về sự thành công của các mô hình đó.

Tuy nhiên, nếu chỉ quan tâm đến quản trị thôi thì chưa đủ. DN Việt Nam cần chú ý năng suất lao động. Năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn so với các nước, không chỉ trong lĩnh vực sản xuất mà ngay cả ở khối văn phòng. Năng suất lao động thấp sẽ làm giảm năng lực cạnh tranh của DN. Trong đào tạo quản trị cần chú ý đến đào tạo nhằm nâng cao năng suất lao động, vì điều này là hết sức quan trọng.

Ông có đánh giá gì về những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN thời gian qua?

Giải pháp cho các bài toán của DN hiện nay có tính chung chung rất cao, một giải pháp áp dụng cho tất cả DN, điều này không linh hoạt và rất khó để hỗ trợ cho DN. Đơn cử, có những DN cần thị trường thì lại không được hỗ trợ về thị trường, DN cần vốn thì “tắc” ở vốn. Trên thực tế cái cần linh hoạt thì không linh hoạt, cái cần nguyên tắc thì không nguyên tắc, cho nên các giải pháp chưa trúng và đúng. Nguyên nhân của việc này là ta không có thông tin. Kênh quan trọng nhất là từ phía các DN, đại diện các DN thì lại chưa được xem trọng.

Lời giải cho bài toán của các DN không thể theo một công thức được, bởi không có giải pháp nào giải quyết được vấn đề cho tất cả các DN. Theo tôi, không thể “chữa bệnh” cho DN cùng một “thuốc”, không thể giải quyết các bài toán của DN một cách cứng nhắc, chung chung mà phải linh hoạt.

Để tháo gỡ khó khăn cho DN, chúng ta cần lưu ý vấn đề gì, thưa ông?

Hiện nay, để tháo gỡ khó khăn cho DN phải liên thông các giải pháp để giải quyết thủ tục hành chính, đất đai, chính sách thuế và tiếp cận tín dụng. Khi DN đã có dự án làm ăn bài bản phải hỗ trợ tín dụng cho DN ngay, tạo điều kiện cho DNNVV tiếp cận thủ tục hành chính, đất đai nhanh gọn. Chính phủ cũng phải đầu tư cho công nghiệp phụ trợ, có chính sách ưu tiên cho những DN phát triển công nghiệp phụ trợ. Nếu làm được những điều đó, tôi tin DN sẽ phát triển.

Đặc biệt, vì giao thương Việt Nam - Trung Quốc là rất lớn, cho nên sau sự kiện trên biển Đông vừa qua, chúng ta phải luôn suy nghĩ và phải lượng đón tình hình, đồng thời phải mở mang các thị trường khác. Bên cạnh đó, với Nhà nước, ngoài việc là đối tượng quản lý, DN còn là đối tượng cần được chăm sóc, phục vụ, để DN có khả năng phục hồi nhanh và phát triển. Làm như vậy chính là chúng ta nuôi dưỡng nguồn thu cho đất nước, bởi DN chính là lực lượng nộp thuế nhiều nhất, là lực lượng quan trọng nhất để phát triển đất nước.

Về phía DN, cần phải rút gọn chi phí để hạ giá thành, giảm lãi để cạnh tranh, mở mang thị trường bằng mọi cách. Song song với các giải pháp đó, theo quan sát của cá nhân tôi, DN nào biết coi trọng người lao động, coi người lao động là tài sản của DN thì DN đó sẽ đứng vững.

Xin cảm ơn ông!

Hoài Anh

hải quan

Các tin tức khác

>   Lồng đèn Việt chiếm 70% thị phần (15/08/2014)

>   Thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu tính theo phút (15/08/2014)

>   Sức mua ôtô tăng liên tiếp 16 tháng (14/08/2014)

>   Hai nhà thầu Trung Quốc đột ngột bỏ thi công thủy điện (14/08/2014)

>   Petrolimex lãi 260 tỷ đồng từ kinh doanh xăng dầu trong nửa đầu năm (14/08/2014)

>   Thêm “đại gia” xin vay tiền sắm 220 tàu vỏ thép, 3 máy bay trực thăng (14/08/2014)

>   "Phải thống nhất cơ sở để đánh giá hiệu quả của kiểm toán" (14/08/2014)

>   Đánh mất lợi thế kinh tế biển (14/08/2014)

>   Ngành kho vận: Cần cuộc lột xác toàn diện (14/08/2014)

>   Luẩn quẩn đầu tư ngoài ngành (14/08/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật