Luẩn quẩn đầu tư ngoài ngành
Có lẽ công cuộc tái cấu trúc DNNN sẽ không bao giờ có hồi kết, khi bên cạnh chính sách siết đầu tư ngoài ngành luôn xuất hiện những trường hợp đặc biệt, ngoại trừ...
* TP.HCM: Doanh nghiệp phải thoái vốn ngoài ngành theo kế hoạch
* Thoái vốn chậm do lãnh đạo sợ... mất ghế
* Doanh nghiệp Nhà nước ì ạch thoái vốn ngoài ngành
Tuần rồi, nhiều tờ báo đồng loạt đưa tin rằng, hãng viễn thông Viettel bất ngờ trả lại băng tần 450MHz mà DN này tiếp quản của EVN Telecom từ cuối năm 2011 về cho Bộ Thông tin và Truyền thông. Như vậy, sau hơn 2 năm tiếp quản toàn bộ đất đai, nhà trạm, công nghệ, hệ thống máy móc, thiết bị viễn thông, con người… từ EVN Telecom, nay Viettel chỉ trả lại băng tần trên như một kiểu “lại mặt với chiếc thủ lợn cắt tai”, thông báo với “nhạc phụ, nhạc mẫu” rằng “cô vợ” mới cưới về có… khiếm khuyết.
Băng tần 450 MHz của EVN Telecom sử dụng trước đây là băng tần thấp, bị can nhiễu nặng, đặc biệt là với sóng các đài truyền hình. Đây được cho là một trong những lý do khiến mạng viễn thông của EVN Telecom từng bị tê liệt ở nhiều địa phương, khiến DN này khốn đốn và buộc phải bàn giao nguyên trạng về cho Viettel. Nhưng, điều đáng nói ở trường hợp trả lại băng tần này còn nằm ở một khía cạnh khác. Nó như một dấu hiệu cho thấy việc xử lý hậu quả từ các khoản đầu tư ngoài ngành của DNNN còn lắm gian nan.
Trở lại giai đoạn trước khi chủ trương tái cơ cấu DNNN được ban hành, có thời kỳ việc đầu tư ngoài ngành của DNNN được cho phép, thậm chí có thể đầu tư ngoài lĩnh vực kinh doanh chính đến 30% vốn. Điều 12, Quy chế quản lý tài chính của công ty Nhà nước và quản lý vốn Nhà nước đầu tư vào DN khác ban hành kèm theo Nghị định số 09/2009/NĐ-CP của Chính phủ quy định: Các công ty Nhà nước phải sử dụng tối thiểu 70% tổng nguồn vốn đầu tư vào các DN hoạt động trong các lĩnh vực thuộc ngành nghề kinh doanh chính của công ty.
Chính vì vậy, không thể trách cứ DNNN, khi mà nền kinh tế phát triển nóng, vòng quay tiền tệ đến chóng mặt khiến đầu tư vào ngành NH, chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản, viễn thông… trở nên có nhiều triển vọng thu lợi nhuận thì không ít tập đoàn, tổng công ty đã “âm thầm” góp vốn, thành lập mới DN ở những lĩnh vực thuộc sở đoản kinh doanh của mình. Tuy nhiên, khi nền kinh tế đi vào khó khăn, cơ hội săn tìm lợi nhuận ngắn hạn lắng xuống đã phô bày ra những khoản đầu tư ngoài ngành không hiệu quả của DNNN. Nhìn trên tổng thể, các khoản đầu tư ngoài ngành của khối này phổ biến là thua lỗ, phần hoạt động có lãi chỉ chiếm số ít.
Chủ trương thoái vốn Nhà nước, rút các khoản đầu tư của DNNN ở ngoài lĩnh vực chính được đề ra trong quá trình tái cấu trúc DNNN mấy năm gần đây như một hành động “sửa sai”. Tuy nhiên, thực tế là tốc độ của quá trình này rất chậm. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN, tính đến thời điểm cuối năm ngoái, trong tổng số 21.797 tỷ đồng đầu tư ra ngoài lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh chính, các DN mới thoái vốn được 4.164 tỷ đồng. Như vậy, nhiệm vụ thoái vốn đầu tư ngoài ngành đặt ra cho đến cuối năm 2015 là khá nặng nề, với khoảng 17.655 tỷ đồng đầu tư ra ngoài lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh chính.
Gần đây, để đẩy nhanh tiến trình này, chủ trương cho thoái vốn dưới mệnh giá, cho phép các DNNN được rút vốn khỏi ngành nghề kinh doanh khác với phần thu về chấp nhận lỗ. Nhưng thực tế với biến động thị trường hiện nay và những lấn cấn về trách nhiệm cá nhân của lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty thì nhiều dự báo cho rằng tiến trình không dễ dàng đẩy nhanh để đạt mục tiêu như kỳ vọng. Cũng theo Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN, trong 7 tháng đầu năm nay, các DNNN mới thoái vốn được 2.975 tỷ đồng. Thế cũng là cải thiện, nhưng chưa thấm vào đâu. Ban này thừa nhận: tiến độ vẫn còn chậm.
Trong khi đó, có không ít DNNN do kinh doanh trong mảng chính thức gặp khó khăn đã bắt đầu kiến nghị cho đầu tư vào các ngành nghề mới. Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn Nhà nước được đem ra làm “mồi nhử” để thuyết phục thông qua các khoản đầu tư ra khỏi lĩnh vực kinh doanh chính. Người lao động và tài sản Nhà nước bị bắt “làm con tin” để thuyết phục Chính phủ. Họ cũng lập luận rằng, có thu được lợi nhuận ở bên ngoài lĩnh vực kinh doanh chính mới có điều kiện hỗ trợ cho nhiệm vụ kinh doanh được Nhà nước giao… Như tại một hội nghị triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu DNNN diễn ra hồi đầu năm nay, có lãnh đạo một tập đoàn đã đề nghị Chính phủ cho phép các DNNN được đầu tư ra ngoài ngành với một tỷ lệ nhất định...
Như vậy, nếu đầu tư ngoài ngành không sai thì trách nhiệm đối với các khoản đầu tư ngoài ngành thua lỗ của DNNN có lẽ nên đặt vào vai cơ quan thông qua chủ trương, cho phép đầu tư, đăng ký kinh doanh ngoài ngành của DNNN? Đó có phải là giải pháp để tránh việc EVN đầu tư vào viễn thông? Nó có giúp tránh được việc Viettel cực chẳng đã phải “lại mặt” băng thông 450 MHz? Bởi nếu không, có lẽ công cuộc tái cấu trúc DNNN sẽ không bao giờ có hồi kết, khi bên cạnh chính sách siết đầu tư ngoài ngành luôn xuất hiện những trường hợp đặc biệt, ngoại trừ...
Anh Quân
thời báo ngân hàng
|