Nâng cao chất lượng giày dép xuất khẩu
Ngày 13-8, tại Hà Nội, Hiệp hội Da – Giầy – Túi xách (Lefaso) đã tổ chức buổi hội thảo về yêu cầu kỹ thuật đối với sản phẩm da giày và giới thiệu Dự án hỗ trợ DN da giày đáp ứng tốt hơn các quy định an toàn sản phẩm khi XK sang thị trường châu Âu (EU).
* Da giày Việt Nam có cơ hội hưởng mức thuế bằng 0%
* Da giầy Việt Nam: Có đủ sức “tự chủ”?
* Xuất khẩu da giày: Nhiều cơ hội mới
Các DN da giày sẽ có cơ hội được hỗ trợ nâng cao chất lượng sản phẩm.
|
Tại nước ta, kim ngạch XK của ngành da giày lớn thứ 3 trong cả nước và Việt Nam hiện là một trong 5 nước XK giày, dép lớn nhất thế giới. Mặc dù vậy, phần lớn DN da giày của Việt Nam là các DN vừa và nhỏ, chủ yếu sản xuất gia công nên để đáp ứng được các hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT) còn nhiều khó khăn.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Lefaso cho biết, thị trường các nước NK lớn liên tục đưa ra các yêu cầu về kỹ thuật đối với ngành da giày, điển hình như thị trường EU một năm 2 lần đưa ra các danh mục mới về an toàn hóa chất sử dụng trong sản phẩm giày dép, bắt buộc các DN XK phải nắm bắt và đáp ứng thì sản phẩm mới được chấp thuận.
Tuy nhiên, ngành da giày chưa xây dựng được hệ thống tiêu chuẩn an toàn riêng về hóa chất tồn dư trong sản phẩm, thiếu các trung tâm kiểm định đủ tiêu chuẩn nên rất khó kiểm soát được chất lượng nguồn nguyên phụ liệu đầu vào. Vấn đề này đang buộc DN phải tự gửi mẫu ra nước ngoài kiểm nghiệm mất nhiều thời gian, chi phí.
Chính vì thế, Dự án Hỗ trợ DN đáp ứng tốt hơn các quy định an toàn sản phẩm được ra đời nhằm giúp các DN da giày nâng cao việc tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật của thị trường XK EU thông qua việc hỗ trợ tư vấn, đào tạo kỹ thuật và các dịch vụ thử nghiệm hỗ trợ cho các DN vừa và nhỏ của ngành da giày.
Dự án được Liên minh châu Âu (EU) hỗ trợ nằm trong khuôn khổ Dự án hỗ trợ Đầu tư và Chính sách thương mại MUTRAP IV Việt Nam – EU. Dự án có tổng ngân sách hơn 310.000 EURO, được thực hiện trong vòng 30 tháng.
Trong thời gian triển khai, Dự án sẽ thực hiện các hoạt động đào tạo và tuyên truyền kiến thức, hỗ trợ kỹ thuật cho khoảng 210 DN và 6 Chi hội, Hội da giày được lựa chọn.
Đặc biệt, Dự án sẽ thành lập 3 Trung tâm tư vấn và hỗ trợ DN (OSSC) nhằm cung cấp các dịch vụ tư vấn kỹ thuật cho các DN da giày. Hỗ trợ DN tiếp cận các dịch vụ tư vấn thử nghiệm trong lĩnh vực da giày với chi phí ưu đãi. Mạng lưới phòng thí nghiệm sẽ trải rộng cả hai miền Nam và Bắc, được chứng nhận và công nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Theo ông Nguyễn Hải Trung - Viện Trưởng Viện Da giày Việt Nam, dự án sẽ giúp ngành da giày và người tiêu dùng nâng cao chất lượng cuộc sống, hạn chế tồn dư hóa chất ảnh hưởng đến cơ thể, hạn chế hóa chất độc hại cho xã hội, cộng đồng, giảm những chi phí bất lợi cho DN khi XK ra nước ngoài.
Hương Dịu
hải quan
|