Thứ Tư, 13/08/2014 22:17

57% doanh nghiệp ĐBSCL bị giảm doanh thu

Tiếp tục đà suy giảm của năm 2013, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp ở ĐBSCL trong 6 tháng đầu năm 2014 tiếp tục rơi vào trì trệ với hơn 57% số doanh nghiệp bị sụt giảm doanh thu.

Một doanh nghiệp ĐBSCL đang giới thiệu sản phẩm tại một hội chợ gần đây. Ảnh: Trung Chánh

Báo cáo kết quả khảo sát doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) 6 tháng đầu năm 2014 được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ công bố tại hội thảo “Kinh tế ĐBSCL trong bối cảnh kinh tế phụ thuộc, những vấn đề doanh nghiệp cần quan tâm”, tổ chức hôm nay 13-8 tại Cần Thơ, cho thấy có đến 55% doanh nghiệp đạt lợi nhuận kinh doanh dưới 50% kế hoạch năm 2014.

Doanh thu giảm, kinh doanh trì trệ

Cũng theo kết quả khảo sát này, trong 6 tháng đầu năm nay, có đến 57,1% doanh nghiệp cho rằng doanh thu sụt giảm so với cùng kỳ; 37,5% cho biết không đổi và chỉ có 4,5% doanh nghiệp có doanh thu tăng so với cùng kỳ.

Lý giải nguyên nhân ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thông qua kết qua khảo sát, bà Nguyễn Thị Thương Linh, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp ĐBSCL kiêm Phó giám đốc VCCI Cần Thơ, cho biết có đến 46,4% doanh nghiệp cho rằng nhu cầu thị trường trong nước sụt giảm; 32,1% nói do ảnh hưởng của thị trường xuất khẩu.

“Ngoài ra, lao động chưa đáp ứng nhu cầu, giá thành sản xuất tăng, khó tiếp cận vốn vay, điều kiện hạ tầng giao thông kém và thiếu thông tin về thị trường, công nghệ lạc hậu…, cũng là những nguyên nhân mà theo doanh nghiệp đã ảnh hưởng đến hoạt động của họ”, bà Linh cho biết.

Trước những khó khăn gặp phải trong nửa đầu năm 2014, đa phần doanh nghiệp đều cho rằng tình hình sẽ còn tiếp tục trì trệ đến cuối năm.

Khó khăn còn tiếp tục kéo dài

Cụ thể, theo kết quả khảo sát, chỉ có 12,5% doanh nghiệp cho biết tình hình kinh doanh của họ sẽ tốt lên; có đến 51,8% doanh nghiệp nói khó khăn hơn.

Trong khi đó, đánh giá về tình hình kinh tế Việt Nam trong năm 2014, hai chuyên gia kinh tế của Việt Nam là bà Phạm Chi Lan và ông Lê Đăng Doanh, có mặt tại hội thảo, đều cho rằng kinh tế đang và sẽ tiếp tục khó khăn, dù Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp tháo gỡ như tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, tái cơ cấu ngân hàng, cấp vốn vay ưu đãi cho doanh nghiệp…

Một điểm đáng lưu ý khác được hai chuyên gia kinh tế nêu ra, đó là tình trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc.

Theo ông Doanh, điển hình như đối với ngành dệt may, doanh nghiệp Việt Nam phải nhập khẩu từ Trung Quốc hơn 50% tổng lượng vải và hơn 80% phụ liệu như cúc áo, khóa, dây kéo, thuốc nhuộm….

Cũng theo ông Doanh, điều đáng lo ngại hơn là có một số mặt hàng xuất khẩu vào Trung Quốc có tỷ lệ phụ thuộc quá lớn, chẳng hạn có đến 40% lượng gạo xuất khẩu, hơn 50% lượng cao su được tiêu thụ ở Trung Quốc. “Theo nguyên tắc của quốc tế, ai phụ thuộc quá 8% vào một nước, thì nước nhập khẩu có quyền đặt điều kiện ngược lại đối với nước xuất khẩu bởi nếu họ không nhập của mình thì sẽ thiệt hại rất lớn”, ông Doanh nói.

Trong khi đó, bà Lan, lưu ý đến việc ngành nông nghiệp trong nước đang phụ thuộc quá lớn vào Trung Quốc trong vấn đề nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, phân bón và các chế phẩm nông dược. “Điều này chẳng những ảnh hưởng về mặt kinh tế mà nó còn tạo ra những rủi ro về mặt chất lượng sản phẩm nữa", bà cho biết.

Trung Chánh

thời báo kinh tế sài gòn

Các tin tức khác

>   Xuất khẩu sang ASEAN sẽ tăng tốc (13/08/2014)

>   Ngành than: Nay ăn không hết, mai lần chẳng ra! (13/08/2014)

>   Ế khách quốc tế, sân bay giảm nửa giá để kích cầu (13/08/2014)

>   Bộ GTVT quyết "thẳng tay" để tái cơ cấu, cổ phần hóa Vinalines (13/08/2014)

>   Xuất khẩu vào Mỹ tăng trưởng 24% (13/08/2014)

>   Bảy tháng đầu năm 2014, tiền cho dự án giao thông tăng gấp đôi (13/08/2014)

>   Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Hàn Quốc sẽ ký kết vào cuối năm 2014 (13/08/2014)

>   Nhiều ngân hàng Hàn Quốc muốn đầu tư vào Việt Nam (13/08/2014)

>   Thời gian giao hàng của DN dệt may Việt Nam gấp đôi Trung Quốc (13/08/2014)

>   Hakuhodo đầu tư vào Cimigo (13/08/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật