Ngành than: Nay ăn không hết, mai lần chẳng ra!
Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) dự kiến trong năm 2014 tiếp tục xuất khẩu gần 8 triệu tấn than trong khi chỉ năm sau thôi, các nhà máy nhiệt điện phải tính chuyện nhập than.
Khai thác than tại mỏ Hòn Gai. Ảnh nangluongvietnam.vn
|
Theo Quy hoạch phát triển điện lưới quốc gian năm 2011 – 2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện 7), các nhà máy nhiệt điện chuẩn bị đưa vào vận hành sắp tới sẽ sẽ sử dụng tối đa nguồn than khai thác trong nước.
Theo kế hoạch, để sản xuất được 156 tỉ kWh điện mỗi năm vào năm 2020 (tổng công suất nhiệt điện than khoảng 36.000 MW) thì phải tiêu thụ 67,3 triệu tấn than và đến năm 2030 khi tổng công suất nhiệt điện than tăng lên 75.000 MW thì phải cần đến 171 triệu tấn than.
Điều chắc chắn là nguồn than trong nước hạn chế, sẽ không thể đáp ứng, nên nhiều nhà máy nhiệt điện sẽ phải nhập khẩu than từ năm 2015.
Tại cuộc họp với Bộ Công Thương mới đây, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã giao bộ này cùng các đơn vị liên quan tính toán, dự báo để điều chỉnh bổ sung các kế hoạch phát triển, cân đối năng lượng từ điện, than, khí, trong đó lưu ý vấn đề cung – cầu và nhập khẩu than cho sát với tình hình thực tế.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng yêu cầu các đơn vị liên quan khảo sát, tìm hiểu thị trường để tìm kiếm nguồn than cung cấp lâu dài cho nhu cầu kinh tế, nhất là giai đoạn sau năm 2020.
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online hôm nay (13-8), ông Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Công ty Năng lượng Sông Hồng thuộc TKV cho biết, hiện TKV vẫn phải duy trì sản lượng than khai thác hàng năm tối đa lên đến 40 – 45 triệu tấn để giữ ổn định việc làm cho hơn 100.000 lao động ngành than.
Theo ông Sơn, tiêu thụ than trong nước hiện nay mới chỉ hơn 20 triệu tấn và than khai thác thừa ra nên vẫn phải xuất khẩu, chưa kể than tồn kho cũng còn rất nhiều mà ngành than không thể cắt giảm sản lượng bởi giảm sản lượng sẽ đụng chạm đến công ăn việc làm của người lao động.
Ông Sơn cho biết sau khi rà lại quy hoạch ngành than, khả năng nâng sản lượng khai thác than trên 40 triệu tấn trong những năm tới là rất khó trong khi sắp tới một loạt dự án nhiệt điện sẽ đi vào vào vận hành.
“Do vậy việc phải nhập khẩu than sớm hơn, nhập nhiều hơn so với dự kiến là có khả năng xảy ra. Thứ nữa là có thể sẽ phải nhập than với giá cao hơn giá chúng ta xuất khẩu bây giờ. Nếu so với giá than nhập từ Úc, Indonesia và giá than đang xuất khẩu thì đã thấy mình bị thua thiệt, thiệt vì than bán gần nhưng lại mua xa”, ông Sơn nhận định.
Một chuyên gia ngành than cho rằng điều nghịch lý là trong khi nỗi lo thiếu than đang đè nặng các nhà máy điện trong nước thì đa phần lượng than xuất sang Trung Quốc cũng là loại than sản xuất điện.
Cũng theo ông Sơn, đa phần lượng than mà Việt Nam đang xuất khẩu hiện nay đều để cung cấp cho các nhà máy điện khu vực miền Nam Trung Quốc.
Trước tình trạng xuất khẩu than “nóng” kéo dài nhiều năm liền, giữa tháng 7-2013 Bộ Công Thương đã ban hành thông tư quy định từ năm 2015 trở đi Việt Nam sẽ dừng xuất khẩu các loại than cám 4, 5, 6 (cỡ hạt nhỏ hơn hoặc bằng 15 mm) tại một số mỏ than phía Bắc.
Theo đó, trước mắt đối với các loại than cám 6 tại các mỏ Hòn Gai – Cẩm Phả, Mạc Khê, Uông Bí – Nam Mẫu – Vàng Danh sẽ dừng xuất khẩu từ năm 2015, còn các loại than cám 4, cám 5 tại các mỏ nói trên cũng sẽ dừng xuất khẩu từ năm 2016 trở đi.
Tư Hoàng
thời báo kinh tế sài gòn
|