Xuất khẩu sang ASEAN sẽ tăng tốc
Ngoài Trung Quốc, Việt Nam muốn đa dạng hóa xuất khẩu sang các thị trường khác tại Khu vực ASEAN và các doanh nghiệp đang hướng về sự ra đời của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm sau.
Mong xuất khẩu nhiều sang Khu vực ASEAN
Xuất khẩu của Việt Nam sang các nước thuộc ASEAN được dự báo là sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định trong vòng hai năm tới, và có cơ hội bùng nổ khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) ra đời vào cuối năm 2015, theo một báo cáo của Bộ Công thương.
Báo cáo phân tích, trong vòng hai năm tới, trước thềm AEC, xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định nhờ được hưởng ưu đãi thuế quan với tổng số trên 99% dòng thuế của ASEAN 6 là 0% theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA).
Theo ATIGA, nhiều nội dung về tự do lưu chuyển hàng hóa được các nước thành viên thực hiện như: Tự do hóa thuế quan; Xóa bỏ hàng rào phi thuế; Cải thiện yêu cầu về quy tắc xuất xứ; Thuận lợi hóa thương mại; Đơn giản, hiện đại hóa thủ tục hải quan; Hài hòa tiêu chuẩn và chứng nhận sự phù hợp; Áp dụng các biện pháp kiểm dịch vệ sinh động thực vật phù hợp.
Đây là thời điểm để các doanh nghiệp linh hoạt, nhạy bén, sớm nhận diện và nắm bắt những lợi ích tiềm năng dự kiến từ AEC để thúc đẩy khả năng tăng quy mô kinh tế của mình.
Hơn nữa, khi AEC hình thành, các doanh nghiệp Việt Nam có thể bán hàng sang các nước ASEAN gần như bán hàng trong nước. Đây là một trong những lợi điểm đối với việc lưu chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp. Ngoài ra, các thủ tục xuất nhập khẩu sẽ đỡ rườm rà hơn và việc cải cách thủ tục xuất xứ, tiến tới cho phép doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thông quan hàng hóa sang các thị trường ASEAN.
Những năm gần đây, ASEAN liên tục thuộc nhóm các thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam. Số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam cho thấy, năm 2013, ASEAN là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu đạt 18,47 tỉ đô la Mỹ, tăng 4,4% so với năm trước đó, đứng sau Mỹ và EU.
Trong 7 tháng đầu năm nay, mặc dù xuất khẩu sang Malaysia có giảm so với cùng kỳ song bù lại các thị trường khác trong ASEAN đều tăng mạnh.
Theo Bộ Công thương, trong 7 tháng đầu năm, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Malaysia đạt 2,3 tỉ đô la Mỹ, giảm 19,5% so với cùng kỳ năm 2013.
Cũng trong 7 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Thái Lan đạt xấp xỉ 1,9 tỉ đô la Mỹ, tăng gần 2,5% so với cùng kỳ 2013.
Singapore vẫn là thị trường lớn thứ 3 của Việt Nam trong ASEAN, trong 7 tháng đầu năm, xuất khẩu sang thị trường này đạt 1,63 tỉ đô la Mỹ, tăng gần 6,9% so cùng kỳ 2013.
Trong 7 tháng đầu năm nay, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Indonesia đạt 1,56 tỉ đô la Mỹ, tăng 20,8% so cùng kỳ 2013.
Điện thoại, dầu thô, sắt thép, mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện các mặt hàng máy móc phụ tùng và gạo là các mặt hàng chiến kim ngạch xuất khẩu cao nhất của Việt Nam vào ASEAN, theo thứ tự trên.
Trung Quốc vẫn là nhà nhập khẩu lớn
Mặc dù vậy, Trung Quốc vẫn đang là nhà nhập khẩu lớn của Việt Nam. Xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đang có xu thế tăng trở lại trong tháng 7, sau khi có giảm đi trong tháng 5 và 6 trước đó, theo Bộ Công thương.
Tính đến hết tháng 7/2014, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam Trung Quốc đạt 8,61 tỉ đô la Mỹ, tăng 17,58% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong nửa đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này đã đạt 7,38 tỉ đô la Mỹ, tăng khoảng 20% so với cùng kỳ 2013.
Bộ này nhận định, mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc của cả nước đạt 14-15 tỉ đô la Mỹ trong năm nay là hoàn toàn có thể đạt được, nhất là tốc độ tăng trưởng thường tăng mạnh trong những tháng cuối năm khi nhu cầu tiêu thụ tăng cao.
Trung Quốc vẫn là thị trường chính yếu của các nhóm mặt hàng xuất khẩu như: Sắn, các sản phẩm từ sắn; quặng và khoáng sản; cao su; than đá; xơ sợi dệt các loại; gạo; hàng rau quả; máy vi tính, điện tử và linh kiện khác.
Tư Hoàng
thời báo kinh tế sài gòn
|