Thiếu đường để làm đường
Dự án đường liên cảng Cái Mép – Thị Vải được khởi công từ năm 2009, nối liền hệ thống cảng và các khu công nghiệp chạy dọc sông Cái Mép - Thị Vải (huyện Tân Thành) dài khoảng 21,3 km, đến nay, sau 5 năm vẫn chưa hoàn thành, mà một trong những lý do dẫn đến khó khăn trong thi công là... không có đường dẫn vào khu vực dự án.
Do vị trí thi công sát mép sông, không có đường bộ tiếp cận
nên mọi thiết bị đều do xà lan chuyên chở
|
Tại dự án thành phần cầu Rạch Mương, do không có đường cho ô tô lẫn xe máy đi, hàng ngày đơn vị thi công phải cuốc bộ men theo bờ khoảng 20 phút mới đến được công trường, thậm chí nhiều đoạn phải lội bùn.
“Bì bõm” thi công
“Do địa điểm thi công không có đường bộ tiếp cận, nên mọi trang thiết bị đều phải vận chuyển bằng đường thủy, mất rất nhiều thời gian, có phương tiện phải mất mấy ngày mới tập kết đến điểm thi công” - ông Phạm Đình Luân - Chỉ huy trưởng, Giám đốc Ban điều hành dự án cầu Rạch Mương thuộc Cty CP công trình giao thông 68 (Cienco 68) cho biết.
Cầu Rạch Mương có quy mô gồm 7 nhịp với chiều dài 288,5m, chiều rộng 25m; giá trị hợp đồng 134,7 tỷ đồng. Khởi công từ ngày 27/5/2011 nhưng đến nay giá trị thực hiện mới chỉ đạt 40 tỷ đồng.
Tương tự, ông Nguyễn Xuân Thắng, Phó Giám đốc Cty Xây dựng Chiến Thắng - đơn vị thi công đoạn đi qua KCN Phú Mỹ cho biết, do không có đường bộ vào khu vực thi công, đơn vị phải đưa máy ủi, máy xúc vào địa điểm thi công qua các khu vực đầm tôm, cá của người dân; phải thuê xà lan và thuyết phục chủ đầm cho xà lan qua.
Với hàng loạt khó khăn vì không có đường bộ tiếp cận để thi công dự án, các đơn vị thi công cho biết mặc dù tiến độ dự án đang bị chậm lại nhưng không có giải pháp nào khả thi để đẩy nhanh tiến độ.
2015 chưa chắc xong
Bên cạnh khó khăn nêu trên, các chủ dự án thành phần còn cho biết thêm, nhiều khu vực hiện không có điện, nước để thi công, máy móc, thiết bị thi công nằm chờ, thời gian thi công kéo dài lại gặp biến động giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu xây dựng đã gây thiệt hại rất lớn cho nhà thầu. Mặt khác, trong thi công cũng đã phát sinh nhiều vấn đề khó khăn trong giải pháp thiết kế, xử lý kỹ thuật do tuyến đường liên cảng đi qua những khu vực có địa chất yếu, có nơi chiều sâu bùn lên đến 40 m. Các đơn vị đã phải triển khai các giải pháp kỹ thuật khắc phục như: triển khai nạo vét hữu cơ, bơm cát và đóng cọc đất gia cố xi măng, trải lưới kỹ thuật. Vì vậy, chi phí và thời gian thi công đã tăng nhiều so với dự kiến ban đầu.
Được biết, dù khởi công từ tháng 12/2009 nhưng đến nay, Dự án đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải mới khởi công được 12/23 gói thầu xây lắp, và mới chỉ có 5/12 gói thầu hoàn thành. Trước tình hình này, ông Trần Ngọc Thới - Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhận định: Đến năm 2015 chưa chắc tuyến đường liên cảng đã hoàn thành, đưa vào sử dụng theo kế hoạch.
Ông Nguyễn Uyên Minh - Giám đốc chi nhánh Cảng Sài Gòn tại BR-VT
Đẩy nhanh tiến độ thi công đường liên cảng để luân chuyển container giữa các cảng nước sâu là yếu tố sống còn nếu muốn làm hàng trung chuyển quốc tế. Đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải được kỳ vọng đáp ứng nhu cầu vận chuyển vật tư, thiết bị phục vụ thi công, khai thác toàn bộ hệ thống cảng và khu công nghiệp trong khu vực. Nhưng nếu tiếp tục phải đợi… các cảng sẽ còn phải trăn trở nhiều, về chi phí, thời gian vận chuyển hàng và nhất là có khả năng mất nhiều cơ hội khai thác hàng hóa.
Ông Nguyễn Ngọc Thông - Trưởng phòng Đối ngoại cảng SITV:
Để thu hút tàu vào làm hàng và phát triển dịch vụ logistic, tỉnh BR-VT cần phải nhanh chóng hoàn thành việc xây dựng tuyến đường liên cảng.
Thực tế, các hệ thống hạ tầng ngoài hàng rào dự án do nhà nước đầu tư, nhưng trên thực tế để đưa cảng vào hoạt động, chúng tôi đã phải đầu tư nạo vét luồng, nạo vét vũng quay tàu, đầu tư xây dựng cầu và phải trả phí sử dụng hạ tầng và tiện ích công cộng KCN Phú Mỹ I mặc dù cảng SITV không nằm trong KCN Phú Mỹ I. Đường liên cảng hoàn thành sẽ giúp giải quyết các khó khăn mà cảng chúng tôi đang phải gánh chịu.
Đường liên cảng Cái Mép – Thị Vải được phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn, giai đoạn 1 có tổng chiều dài 19,65 km, toàn tuyến có 5 cây cầu với tổng chiều dài 1,215 km; giai đoạn 2 có chiều dài 6,26 km, có cầu Phước An dài 3,254 km. Việc khởi động tuyến đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải dọc sông Cái Mép -Thị Vải sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển cho các cảng tại khu vực BR-VT và các vùng lân cận. Tuyến đường sẽ kết nối liên thông trong nhóm cảng biển số 5 (gồm TP HCM, Đồng Nai, BR-VT) với tuyến đường cao tốc liên vùng phía Nam đi các tỉnh ĐBSCL mà không phải đi qua TP HCM. Dự án đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải được xây dựng kết hợp với mạng lưới đường trong khu vực sẽ là tuyến đường duy nhất để khai thác hệ thống cảng biển và các KCN dọc sông Cái Mép - Thị Vải.
|
S. Huỳnh
dđdn
|