Thị trường taxi: Những ẩn số từ doanh nghiệp ngoại
Công ty Uber (Mỹ) vừa tuyên bố chính thức đặt chân vào thị trường Việt Nam. Đây là công ty chuyên về lĩnh vực dịch vụ taxi thông qua ứng dụng di động kết nối tài xế và hành khách.
* Tiềm năng lớn từ “kinh tế chia sẻ”
* Uber đến rồi, taxi sợ chưa?
Theo đó, khi khách hàng có nhu cầu di chuyển bằng một chiếc xe sang trọng hạng “VIP” như BMW, Mecerdes… đến địa điểm mong muốn, người dùng chỉ cần tải ứng dụng Uber về điện thoại rồi đăng ký tài khoản với thẻ tín dụng là có thể sử dụng ngay dịch vụ của công ty.
Trước đó, tại TP. Hồ Chí Minh, hành khách cũng đã biết đến dịch vụ vận chuyển hiện đại, sử dụng nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin kết nối với smartphone như GrabTaxi, EasyTaxi... Điểm chung của các công ty nước ngoài cung cấp dịch vụ taxi này là không gồm bộ máy nhân sự, tài xế cồng kềnh, mà chủ yếu kinh doanh bằng sự kết nối và chia sẻ lợi nhuận với tài xế hoặc người chủ sở hữu phương tiện.
Sự xuất hiện và cạnh tranh của dịch vụ taxi này đang mở ra nhiều trải nghiệm mới, thú vị cho người dùng bởi sự hiện đại, thuận tiện, giống như được đi xe nhà do xe không gắn biển hiệu taxi, phương tiện sang trọng hơn… Nhưng theo nhận định của một chuyên gia kinh tế, nếu nhìn dưới góc độ kinh doanh thì dịch vụ này đang làm nảy sinh nhiều vấn đề cần quan tâm.
Cụ thể như, hiện thị trường vận chuyển hành khách của Việt Nam đang khá bão hòa về đầu xe so với nhu cầu thực tế. Thị trường đã có sự tham gia của hàng trăm hãng xe taxi vận chuyển người và cả đồ vật, đã có hoặc chưa có thương hiệu, quy mô lớn nhỏ khác nhau sẵn sàng phục vụ khách hàng mọi lúc, mọi nơi. Vì vậy, sự chen chân của những cái tên lạ vào thời điểm này khá khó khăn.
Đó là chưa nói đến vấn đề pháp lý rất dễ xảy ra vướng mắc. Theo quy định pháp luật hiện nay, các hãng taxi khi đăng ký kinh doanh vận chuyển hành khách, đồ dùng đều phải tuân thủ, đáp ứng nhiều yếu tố như phương tiện, con người, đào tạo, đóng thuế… Trong khi đó, dường như các ứng dụng taxi nêu trên lại đang kinh doanh theo kiểu “tay không bắt giặc”. Chính vì vậy, mới gần đây Hiệp hội Taxi TP. Hồ Chí Minh cũng đã chính thức lên tiếng về hình thức kinh doanh của các hãng “taxi lạ”.
Theo thông tin từ Hiệp hội Taxi TP. Hồ Chí Minh, đầu năm nay đã xuất hiện các đối tượng đến gặp lái xe Công ty taxi Vinasun (VNS), Mai Linh (MLG)… để tuyên truyền bất hợp pháp cho một số dịch vụ “taxi lạ”. Nếu lái xe của đơn vị taxi đồng ý thoả thuận với họ thì sẽ mở một tài khoản, duy trì số lượng tiền tại tài khoản đó và được họ giao cho một điện thoại di động có cài đặt phần mềm ứng dụng kết nối. Sau khi thực hiện cuốc xe theo cuộc gọi điều xe thì lái xe phải báo lại kết quả, phía bên kia sẽ trừ tiền trên tài khoản theo mức đã thoả thuận trước…
Như vậy, thông qua việc sử dụng hệ thống thông tin di động, các công ty phát triển dịch vụ “taxi lạ” đã ngang nhiên điều hành trực tiếp phương tiện và người lao động của DN và hưởng lợi từ việc sử dụng bộ máy và thương hiệu của hãng taxi mà không cần phải hợp đồng hoặc bất cứ chi phí nào.
Đại diện của hãng taxi Vinasun cho rằng, đây có thể là loại hình dịch vụ vận tải “gia tăng”, nhưng không được sự đồng ý của bên tham gia. Mặt khác, tính pháp lý của loại hình kinh doanh dịch vụ này cũng không rõ ràng. Vì vậy, công ty sẽ tìm hiểu để có phương án phù hợp với sự cạnh tranh “không lành mạnh” kể trên.
Phương Nam
thời báo ngân hàng
|