Thứ Hai, 04/08/2014 13:22

Nên giao một tổ chức độc lập định giá điện

Trong một nghiên cứu mới đây của Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính (Bộ Tài chính) đã chỉ ra rằng, để phát triển thị trường điện, không nên thực hiện quá nhiều mục tiêu chính sách trong giá điện, việc bình ổn giá điện nên thực hiện thông qua một số cơ chế như bù giá chéo, trợ giá cho người tiêu dùng, phân biệt giá trong các ngành công nghiệp- sản xuất...

Chuyên gia kinh tế kiến nghị nên tăng giá điện sản xuất trước khi tăng giá điện sinh hoạt.

Chưa tách bạch- khó điều hành giá

Hiện nay ngành điện vẫn ở thế độc quyền. Giá bán lẻ do đơn vị bán lẻ điện xây dựng căn cứ khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, cơ chế điều chỉnh giá và cơ cấu biểu giá bán lẻ điện do Thủ tướng Chính phủ quy định phù hợp với cấp độ phát triển của thị trường điện lực.

Theo cơ chế điều hành giá hiện nay, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, cơ chế điều chỉnh giá và cơ cấu biểu giá bán lẻ điện trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Việc điều chỉnh giá bán lẻ điện phải được thực hiện công khai, minh bạch về sự biến đổi của các yếu tố cấu thành liên quan đến việc điều chỉnh giá.

Hiện tại, mức giá bán lẻ điện bình quân đang áp dụng là 1.508,85 đồng/kWh. Mức giá bán lẻ điện bình quân các năm 2013- 2015 (chưa bao gồm thuế GTGT) được điều chỉnh theo quy định tại Quyết định số 69/2013/QĐ-TTg không thấp hơn mức giá tối thiểu là 1.437 đồng/kWh và không cao hơn mức giá tối đa là 1.835 đồng/kWh, tức có thể tăng tối đa 21,6% so với giá điện đang áp dụng.

So với các nước giá điện của Việt Nam là thấp. Từ năm 2009 đến nay giá điện đã được điều chỉnh nhiều lần. Tuy nhiên, giá điện hiện nay chứa nhiều điều bất hợp lý. Nhóm nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính đã chỉ ra rằng, trong mô hình quản lý của ngành điện hiện tại chưa có sự tách bạch rõ ràng giữa các khâu phát điện, truyền tải và phân phối, không tách được các khâu do Nhà nước độc quyền quản lý, nên khó có cơ chế điều hành giá hợp lý.

Trong khi đó, ở hầu hết các nước đã thực hiện tự do hóa đối với thị trường phát điện. Một số nước thực hiện tự do hóa thị trường phân phối (bán buôn) và thị trường bán lẻ (Australia, Singapore, Thụy Điển...). Đối với việc truyền tải điện, về cơ bản các nước đều thống nhất quản lý và thuộc sở hữu nhà nước, nhằm đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng và an ninh năng lượng quốc gia.

Công khai cơ chế tính giá

Để đảm bảo lộ trình phát triển thị trường điện đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, kiến nghị các giải pháp cần tập trung thực hiện trong thời gian tới, nhóm nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính cho rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh tự do hóa thị trường phát điện thông qua việc đấu thầu mua- bán điện công khai; đẩy mạnh việc cổ phần hóa các nhà máy phát điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Bên cạnh đó, cần công khai và phổ biến rộng rãi các nguyên tắc điều chỉnh giá điện theo Quyết định số 69/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế điều chỉnh mức giá điện bán lẻ bình quân, đã có hiệu lực từ đầu năm 2014. Tiến tới xây dựng nguyên tắc điều chỉnh giá theo 4 phân khúc thị trường là giá phát điện, giá truyền tải điện, giá phân phối và giá bán lẻ.

Những thông số đầu vào tính giá bán điện, theo kiến nghị của các chuyên gia kinh tế, vẫn cần tiếp tục được công khai định kỳ theo quy định nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch trong thị trường điện. Trong đó, việc xác định và điều chỉnh giá điện bán lẻ về lâu dài nên tiếp cận theo hướng thay đổi theo các điểm nút/lưới truyền tải, theo các vùng miền, địa phương và ngành nghề, lĩnh vực.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, điện là ngành độc quyền, Nhà nước đã định mức giá cụ thể và khung giá đối với từng loại sản phẩm. Nhìn về dài hơi, ông Long cho rằng, từ nay đến sau năm 2022 khi có được thị trường bán lẻ điện cạnh tranh hoàn hảo, Nhà nước cần điều tiết và kiểm soát giá bán lẻ điện bằng các biện pháp kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định của pháp luật về giá điện đối với các đơn vị điện lực.

Để thực hiện giá bán điện thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước giá điện cần điều chỉnh cho phù hợp với nền kinh tế. Việc điều chỉnh giá bán điện cần bảo đảm tính kịp thời so với sự biến động của các yếu tố đầu vào hình thành giá. Các yếu tố đầu vào khi xem xét điều chỉnh giá điện cần tính đến cả các yếu tố làm giảm giá điện như yếu tố mùa và công suất, sản lượng tăng thêm đối với nhà máy thuỷ điện...

Đặc biệt, vị chuyên gia về lĩnh vực giá này cũng kiến nghị, giá điện nên được một đơn vị, tổ chức định giá độc lập, uy tín định giá. EVN cũng nên công khai cơ chế tính giá, cùng một cam kết cải cách ngành điện hợp lý nhất, tăng giá phải có lộ trình, từng bước và gắn với tăng chất lượng điện. Đồng thời, đa dạng hóa các nguồn cung điện, tránh lệ thuộc tối đa vào điện nhập khẩu, để chủ động bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Để thị trường điện phát triển, ông Ngô Trí Long cũng đề nghị cần giải quyết sự chồng chéo giữa nhiệm vụ kinh doanh và công ích, ngành điện. Trong trường hợp nếu không tách bạch được 2 nhiệm vụ trên, có thể dùng một quỹ công ích độc lập để bù đắp theo kênh riêng.

"Việc tăng giá điện là điều khó tránh khỏi, thậm chí nên làm, vấn đề quan trọng là cần thay đổi nhận thức về tăng giá điện và cách thức tăng ra sao. Nên tăng giá điện sản xuất trước tăng giá điện sinh hoạt, nhằm loại thải dần thói quen tận dụng công nghệ cũ, tiêu tốn năng lượng trong nhiều lĩnh vực, của không ít nhà đầu tư cả trong và ngoài nước", ông Ngô Trí Long kiến nghị.

Có 4 loại giá điện

Nghiên cứu về giá điện trên thế giới của Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính cho thấy có 4 loại giá điện.

Thứ nhất, giá phát điện thường chiếm khoảng 30-40% giá bán lẻ (Australia).

Thứ hai, giá truyền tải phần lớn do nhà nước quy định và chiếm tỷ trọng thấp nhất trong giá điện bán lẻ.

Thứ ba, giá bán buôn do nhà nước quy định (đối với những nước độc quyền phân phối) hoặc nhà nước quy định trần lợi nhuận trên doanh thu (đối với những nước có cạnh tranh bán buôn).

Thứ tư, giá bán lẻ thường là giá phụ thuộc vào địa phương, đối tượng sử dụng và khung giờ sử dụng (Hàn Quốc, Singapore, Lào, Australia...).

Ngoài ra, việc điều chỉnh giá điện cũng được tiến hành một cách linh hoạt theo sự biến động của các yếu tố đầu vào như giá than, tỷ giá, lạm phát... Một số nước điều chỉnh giá điện hàng năm theo vùng miền, nút truyền tải.


Minh Anh

báo hải quan

Các tin tức khác

>   Intel Sài Gòn, SamSung Bắc Ninh: Cuộc đua made in Việt Nam (04/08/2014)

>   Hãng hàng không đầu tiên của Nga tạm ngừng bay (04/08/2014)

>   Đầu tư mạo hiểm kiểu quỹ Nhật (04/08/2014)

>   Đằng sau những động thái bất thường của Tập đoàn Besra Việt Nam (3) (04/08/2014)

>   Đằng sau những động thái bất thường của Tập đoàn Besra Việt Nam (2) (02/08/2014)

>   Đằng sau những động thái bất thường của Tập đoàn Besra Việt Nam (01/08/2014)

>   Ông chủ bất động sản xin Thủ tướng cho nhập trực thăng, tàu cũ (04/08/2014)

>   Tỉ lệ nội địa hóa ngành da vẫn ở mức thấp (04/08/2014)

>   Hiệp định TPP và rào cản thương mại không lối thoát (04/08/2014)

>   Sửa luật doanh nghiệp phải ngăn được lợi ích nhóm (04/08/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật