Đằng sau những động thái bất thường của Tập đoàn Besra Việt Nam (3)
* Đằng sau những động thái bất thường của Tập đoàn Besra Việt Nam (2)
* Đằng sau những động thái bất thường của Tập đoàn Besra Việt Nam
Kỳ 3: Nhiều bất cập cần sớm giải quyết
Có một điều lạ, trong diện tích 42km2 mà Cty Vàng Phước Sơn được Bộ TN&MT cấp thăm dò theo Giấy phép số 67/GP-BTNMT ngày 10-1-2008 đã hết hạn tháng 1-2010. Thế nhưng, trong buổi làm việc giữa Bộ TN&MT với UBND tỉnh Quảng Nam ngày 23-7, đại diện Bộ này cho biết diện tích trên đã giao lại cho Cty Vàng Phước Sơn quản lý. Lúc này, chính quyền địa phương mới ngớ người...
Một đường hầm trong Cty Vàng Phước Sơn.
|
Bộ giao tỉnh không biết
* Ngoài việc giải quyết việc làm cho người lao động, mỗi năm hai Cty vàng Phước Sơn và Bồng Miêu đóng góp cho ngân sách Nhà nước khoảng 200 tỷ đồng. Năm 2014, doanh nghiệp mới nộp ngân sách 10 tỷ đồng và còn nợ đọng tiền thuế khoảng 300 tỷ đồng. Tập đoàn Besra đã đưa ra nhiều lý do để xin miễn thuế cũ và chỉ đồng ý nộp thuế mới. Tuy nhiên, phía tỉnh không thể can thiệp được vì đây thuộc thẩm quyền của cơ quan thuế” - ông Lê Phước Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết.
|
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Thuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản cho rằng, Nhà máy vàng Phước Sơn đã đầu tư lớn nên muốn hay không muốn cũng phải chuẩn bị đủ nguồn nguyên liệu cho nhà máy hoạt động?! “Chúng tôi đã đưa toàn bộ 42km2 (tương đương 42.000ha) đó vào quy hoạch, không đấu giá và giao cho mỏ vàng Phước Sơn để đảm bảo cho Cty này có nguồn nguyên liệu hoạt động. Việc này đã được Chính phủ đồng ý. Muốn hay không muốn, chính quyền địa phương phải tạo thuận lợi cho Cty hoạt động. Chúng ta mà cản trở rất nguy hiểm, sẽ liên quan đến Luật Đầu tư là một, thứ hai là liên quan đến khiếu kiện nước ngoài về môi trường đầu tư rất phức tạp”- ông Thuấn lý giải.
Trước kiến nghị “tạo điều kiện cho Cty hoạt động” trên của Bộ TN&MT, trả lời P.V liên quan đến việc nợ thuế của Cty vàng Phước Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Phước Thanh cho biết đã chỉ đạo Cục Thuế kiến nghị lên Chính phủ xem xét giãn nợ thuế cũ cho phía Besra để hai nhà máy vàng hoạt động trở lại. Lãnh đạo tỉnh đồng thời cũng yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước. Ông Thanh khẳng định, nếu đã giãn nợ mà doanh nghiệp tiếp tục không làm nghĩa vụ nộp thuế phát sinh thì bắt buộc phải cưỡng chế.
Về việc Bộ giao đất rừng nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh mà tỉnh không biết, để hiểu rõ vấn đề trên, ngày 29-7, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Viễn, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam lại cho rằng, không có chuyện cấp 42 km2 cho Cty Vàng Phước Sơn thăm dò đâu. Bộ nói vậy thôi, cái gì cũng dính đến địa phương chứ. Cái đó chỉ cho phép thăm dò trên diện tích mấy chục héc-ta thôi.
Còn ông Bùi Văn Ba, Trưởng phòng Khoáng sản (Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam) giải thích: Trước đây Bộ TN&MT cấp phép cho Cty Vàng Phước Sơn thăm dò trên diện tích 42km2, nhưng giấy phép thăm dò đã hết hạn. Theo quy định của Luật Khoáng sản, khi cấp mới phải trả lại 30% diện tích rồi mới cho thăm dò tiếp tục. Cty này đề nghị cấp 24/42 km2 nhưng UBND H. Phước Sơn cho rằng năng lực quản lý của Cty còn hạn chế, cấp nhiều sẽ dẫn đến nạn khai thác vàng trái phép, mất an ninh trật tự nên đề nghị chỉ cấp phép 2 km2.
Theo các đại gia chuyên khai thác vàng ở Quảng Nam, việc Besra Việt Nam tạm ngừng hoạt động khai thác ở Bồng Miêu và mỏ Phước Đức ở Phước Sơn chỉ là trò hù dọa. Đối với mỏ vàng Bồng Miêu, việc đóng cửa có thể chấp nhận được vì trữ lượng vàng mỏ này còn lại ít, hơn nữa Besra đã “ăn đủ” trong vòng hàng chục năm qua rồi. Riêng tại mỏ vàng Phước Đức không dễ gì Besra nhả ra, vì đây là nơi mà tất cả các ông chủ hành nghề khai khoáng đều mơ ước.
|
Theo đó, Sở đã có văn bản đề nghị phía Cty và UBND huyện làm việc với nhau để thống nhất diện tích, sau đó có văn bản gửi sở để trình tỉnh rồi tỉnh mới gửi cho bộ xem xét. Tuy nhiên, từ đó đến nay đã mấy tháng nhưng Sở chưa nhận được văn bản của Cty.
Là địa phương chịu trách nhiệm quản lý diện tích rừng trên, liên quan đến vấn đề này, ông Hoàng Hoa – Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn UBND H. Phước Sơn lo lắng: Nếu cấp phép cho thăm dò 42 km2 sẽ nằm trong vùng lõm của Khu Bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến rừng phòng hộ cũng như nhiều loài động vất quý hiếm đang được khoanh vùng, bảo vệ nơi đây.
Còn liên quan đến các vấn đề tài chính của Cty này, ông Hoàng Hoa cho biết: Thời gian gần đây Cty có những hoạt động khó hiểu. Cụ thể như trước đây từ khâu vận chuyển, tiêu thụ vàng của Cty này đều thuê CA tỉnh giám sát nhưng gần đây công việc trên tự Cty này làm. Vấn đề quyền lợi cho người lao động như BHXH cũng không được chi trả. “Trước biểu hiện không lành mạnh trên, UBND huyện có công văn đề nghị tỉnh ra quyết định cho Cty này sớm dừng hoạt động để giải quyết quyền lợi cho người lao động”, ông Hoa cho biết thêm.
Quá trình luyện vàng tại Cty Vàng Phước Sơn.
|
Làm ăn có lãi vẫn than lỗ
Trả lời báo chí về việc Besra Việt Nam nợ thuế, ông Lê Mai Khắc Hưng – Phó cục trưởng Cục Thuế Quảng Nam nhận định: “Tôi cảm thấy hết sức phi lý. Các Cty làm ăn thua lỗ không nộp thuế thì bình thường. Đằng này, Cty Phước Sơn có lãi, không tồn kho, hàng xuất được nhưng không nộp thuế là hết sức bất thường”.
Theo ông Hưng cho biết, sau khi Cục Thuế áp dụng biện pháp cưỡng chế thì đồng nghĩa với việc Cty này sẽ không thể xuất hàng. Do vậy Cty Phước Sơn đã làm hợp đồng với Cty Bồng Miêu (thời điểm chưa bị cưỡng chế) vay vàng nhằm hợp thức hóa, đưa vàng qua cho Cty này xuất bán. Sau khi phát hiện, Cục Thuế tỉnh Quảng Nam đã ký văn bản yêu cầu chấm dứt việc cho vay này. Ngoài ra, sau khi bị cưỡng chế, Công ty Phước Sơn vẫn xuất vàng qua cửa khẩu hải quan sân bay Đà Nẵng, cục thuế cũng đã phát hiện và xử lý.
Nhóm PVĐT
Công an đà Nẵng
|