Đầu tư mạo hiểm kiểu quỹ Nhật
Quỹ đầu tư mạo hiểm CyberAgent Ventures (Nhật) vừa công bố thành lập quỹ CA Startups Internet Fund II trị giá 50 triệu USD, chuyên đầu tư vào các công ty internet và công nghệ. Sự kiện diễn ra sau khi Quỹ đầu tiên trị giá 24 triệu USD (thành lập cuối năm 2011) của họ hoàn tất đầu tư.
Tại Việt Nam, bên cạnh quỹ đầu tư mạo hiểm IDG Ventures Việt Nam có danh mục đầu tư hơn 40 công ty khởi nghiệp công nghệ, CyberAgent Ventures (CAV) cũng là một trong số ít các quỹ mạo hiểm đã rót vốn và đang tích cực tìm kiếm những cơ hội đầu tư mới ở lĩnh vực internet.
* Đầu tư mạo hiểm ở Việt Nam: Thừa thận trọng, thiếu mạo hiểm
Ông Nguyễn Mạnh Dũng, Trưởng đại diện kiêm Giám đốc Đầu tư của CAV tại Việt Nam và Thái Lan.
|
NCĐT đã trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Dũng, Trưởng đại diện kiêm Giám đốc Đầu tư của CAV tại Việt Nam và Thái Lan, về quan điểm đầu tư cũng như một số định hướng sắp tới liên quan đến công nghệ và internet tại Việt Nam.
Thông thường, các quỹ mạo hiểm hoạt động tại Đông Nam Á luôn tìm kiếm startup vận hành ý tưởng/mô hình đã thành công ở phương Tây để rót vốn. Quan điểm đầu tư của CAV liệu có gì khác biệt?
Việt Nam cũng như các quốc gia Đông Nam Á thật ra vẫn là những thị trường đi sau về công nghệ so với thế giới. Nhưng đó lại chính là lợi thế vì các quỹ có được những hình mẫu đã thành công/thất bại từ Mỹ, Nhật, châu Âu hay Trung Quốc để xem xét và tìm kiếm cơ hội đầu tư. Nhìn chung, các quỹ mạo hiểm thường chú trọng đến khả năng hiện thực hóa ý tưởng/mô hình kinh doanh. Có thể ý tưởng/mô hình là không mới trên thế giới, nhưng chỉ cần mang tính đột phá ở thị trường Việt Nam hoặc trong khu vực là được.
Các công ty Nhật thường liên kết rất chặt chẽ với nhau, nhất là khi đầu tư ra nước ngoài. Ví dụ, sau khi CAV đầu tư vào Tiki.vn, một công ty khởi nghiệp thương mại điện tử, thì đơn vị này cũng tiếp tục thu hút được tập đoàn Sumitomo Corp của Nhật tham gia và trở thành cổ đông chiến lược. Đây có phải là những giá trị tăng thêm mà CAV mang lại cho các công ty khởi nghiệp?
Ngoài tài chính, CAV còn đem đến những lợi ích khác. Đầu tiên, Tập đoàn mẹ CyberAgent vốn xuất thân là một công ty internet nên CAV sở hữu những kinh nghiệm và kiến thức chuyên sâu ở lĩnh vực này. Vì vậy khi đầu tư vào công ty khởi nghiệp trong cùng lĩnh vực, chúng tôi có thể tư vấn và chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn bổ ích cho họ.
Giá trị kế đến chính là mạng lưới văn phòng và thông tin mà CAV đã xây dựng được rộng khắp châu Á cho đến Silicon Valley ở Mỹ. Ở những thị trường mà chúng tôi hoạt động, mỗi văn phòng đại diện tuy chỉ có khoảng 3-5 thành viên nhưng đều thuộc CAV Nhật nên rất dễ dàng hỗ trợ lẫn nhau. Ví dụ, nếu một công ty khởi nghiệp tại Việt Nam muốn tiếp cận thị trường nước ngoài, nơi có văn phòng của CAV, chúng tôi có thể giúp họ tiếp cận các đối tác ở đó một cách nhanh chóng và cung cấp những thông tin cần thiết để triển khai hoạt động.
Giá trị cuối cùng nhưng quan trọng nhất chính là thương hiệu đã được nhìn nhận và biết đến rộng rãi của CAV. Đối với các nhà đầu tư Nhật, khi sang Việt Nam tìm hiểu cơ hội mới, chắc chắn họ sẽ phải tìm đến CAV. Giống như trường hợp của Tiki.vn, một khi đã được CAV chấp thuận rót vốn cũng đồng nghĩa với việc công ty đó đã trải qua một vòng thẩm định khắt khe của một nhà đầu tư Nhật trước đó; nên việc công ty khởi nghiệp được nhà đầu tư khác của Nhật quan tâm sẽ là hiển nhiên.
Hoạt động tại Việt Nam từ năm 2009, CAV dự định thoái vốn ở khoản đầu tư nào hay chưa? Quỹ đang gặp phải những trở ngại gì?
Sau 5 năm, chúng tôi đang tìm kiếm cơ hội thoái vốn ở một số công ty do đã đầu tư đủ lâu. Tuy nhiên, khó khăn là thị trường internet và hệ sinh thái khởi nghiệp ở đây vẫn chưa hoàn chỉnh; cộng với việc các nhà đầu tư vẫn chưa mặn mà với thị trường Việt Nam khi cơ hội đầu tư ở Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và cả Israel là rất lớn.
Hiện tại, các quỹ đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam vẫn đang nỗ lực hấp dẫn và thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia vào thị trường internet hơn. Theo đánh giá của tôi, một số công ty công nghệ của Việt Nam đã đạt đến quy mô có thể lên sàn chứng khoán rồi. Nhưng bất lợi lớn nhất là chưa có nhiều nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư cá nhân và nhà đầu tư tổ chức Việt Nam, thực sự hiểu lĩnh vực internet và công nghệ. Một khi họ không hiểu về sản phẩm thì việc chào hàng thì sẽ rất khó khăn. Vì vậy, quá trình thoái vốn sẽ là khá dài và không đơn giản. CAV mới chỉ thoái vốn thành công khoản đầu tư vào VMG Media, sau khi công ty này được hãng viễn thông lớn nhất của Nhật là NTT Docomo tham gia đầu tư.
Ông kỳ vọng bao lâu nữa các nhà đầu tư Việt Nam mới có cái nhìn cởi mở hơn đối với lĩnh vực công nghệ?
Đây là một câu hỏi khó. Thực sự, vẫn còn rất nhiều rào cản vô hình từ chính sách cho đến bản thân các công ty khởi nghiệp. Đơn cử như việc nhà đầu tư nước ngoài muốn rót vốn vào Việt Nam phải có Giấy chứng nhận Đầu tư (IC). Nếu đầu tư một khoản tiền cực lớn thì xin IC là không khó; nhưng nếu đầu tư vào công ty khởi nghiệp chỉ vài chục hoặc vài trăm nghìn USD mà nhà đầu tư phải mất từ 6-12 tháng, hoặc bỏ ra chi phí lớn tương đương chỉ để hoàn tất thủ tục đầu tư thì công ty khởi nghiệp chưa kịp ra sản phẩm đã “chết”. Theo tôi, đó là những yếu tố cần thay đổi để giúp cộng đồng khởi nghiệp và thị trường internet phát triển. Gần đây, có một tín hiệu đáng mừng là bắt đầu có nhiều nhà đầu tư Nhật, Singapore và Hàn Quốc vào khảo sát thị trường công nghệ Việt Nam, nhưng nếu không kịp thay đổi thì sẽ khó nắm bắt cơ hội này.
Hà Nguyễn
nhịp cầu đầu tư
|