Chủ Nhật, 03/08/2014 18:30

Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi): Vẫn còn băn khoăn

Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đã có sự đột phá về thể chế với mục đích tạo điều kiện cho DN tận dụng hết cơ hội và tiềm năng kinh doanh sẵn có. Những thay đổi của Dự thảo Luật hầu hết nhận được sự đồng tình ủng hộ của các chuyên gia, DN, song không phải đã hết những băn khoăn.

Đánh giá cao sự thay đổi

Dự thảo Luật đã đơn giản hóa, rút bớt được 5 thủ tục về đăng ký thành lập DN, giảm đáng kể hồ sơ và điểm đặc biệt là việc không ghi ngành nghề kinh doanh trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (GCNĐKKD), đồng thời quy định “DN có quyền tự do kinh doanh những ngành nghề mà luật, pháp lệnh và nghị định không cấm”, thay vì chỉ được kinh doanh những ngành nghề ghi trong giấy đăng ký theo luật hiện hành. Theo ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, đây là thay đổi đầu tiên và là một trong những thay đổi quan trọng nhất của sửa đổi Luật Doanh nghiệp lần này.

Về quản trị DN, dự thảo luật tạo điều kiện cho DN có quyền tự do hơn, linh hoạt hơn trong việc thiết lập cơ cấu quản trị của mình, đồng thời thay đổi những quy định giúp cho việc ra quyết định trong DN linh hoạt hơn, nhanh chóng, ít tốn kém hơn đối với hoạt động kinh doanh của DN; bảo vệ tốt hơn các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư thiểu số - một trong những vấn đề bị cho điểm rất kém khi nhà đầu tư nước ngoài đánh giá về môi trường kinh doanh của Việt Nam.

Dự thảo Luật DN sửa đổi dường như vẫn loay hoay với việc giải quyết vấn đề của 24 năm trước, đó là thời kỳ chuyển từ kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường, khi đó chúng ta khuyến khích thành lập mới DN, thay vì vấn đề quan trọng hơn là quy định để DN phát triển bền vững.

(Ông Vũ Văn Ngọc, Giảng viên Đại học Kinh tế quốc dân)

Bên cạnh đó, thủ tục đăng ký thành lập DN giữa DN trong nước và DN nước ngoài cũng sẽ không có sự khác biệt như hiện nay, nhằm giúp nhà đầu tư nước ngoài (FDI) thuận lợi hơn khi làm thủ tục đầu tư kinh doanh ở Việt Nam. Điều này đồng nghĩa với việc nhà đầu tư FDI có thể chỉ cần đăng ký để thành lập DN giống như nhà đầu tư trong nước.

Ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Vietbee cho rằng, quy định DN được phép kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm là rất tốt. Việc không phải ghi ngành nghề trong GCNĐKKD tạo điều kiện rất nhiều cho DN trong chuyển đổi ngành nghề kinh doanh. “Có nhiều điểm mới trong dự thảo Luật lần này tạo cơ chế thông thoáng, thuận lợi cho DN như: việc đăng ký thành lập, những quy định về giải thể, sáp nhập DN... trong đó có việc thành lập DN có vốn đầu tư nước ngoài. Theo dự thảo Luật, tới đây các DN này chỉ cần đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp để thành lập DN. Hiện DN chúng tôi có 5 cổ đông, trong đó có 2 cổ đông người nước ngoài. Theo luật hiện hành, trước đây chúng tôi phải xin Giấy chứng nhận đầu tư, sẽ rất phức tạp và tốn kém, để tránh điều đó, chúng tôi phải có một người Việt Nam đứng ra làm đại diện cho phần vốn của hai cổ đông này. Vì thế, tôi cho rằng thay đổi như dự thảo Luật là rất tốt”, ông Trần Anh Tuấn nêu ý kiến.

Một trong những thay đổi của dự thảo Luật nhận được sự ủng hộ của DN là quy định về biểu quyết để ra các quyết định của DN. Theo đó, giảm tỉ lệ biểu quyết thông qua quyết định của Đại hội đồng cổ đông từ 65% xuống 51% đối với quyết định thông thường và từ 75% xuống 65% đối với quyết định quan trọng. Theo một số DN, sự thay đổi này là cần thiết, vì chiến lược của cổ đông nhỏ và cổ đông lớn trong DN khác nhau, dẫn đến khó thống nhất, đặc biệt đối với những DN lớn đã niêm yết cổ phiếu trên sàn, có nhiều cổ đông...

Còn những băn khoăn

Hoan nghênh và cho rằng quy định không ghi ngành nghề kinh doanh vào GCNĐKKD là một bước tiến, nhưng ông Vũ Văn Ngọc, giảng viên Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng Luật cần tiến thêm một bước nữa, đó là quy định DN có quyền được ghi ngành nghề kinh doanh vào GCNĐKKD. “Vì khi DN không ghi rõ ngành nghề kinh doanh vào GCNĐKKD là họ được quyền kinh doanh tất cả các ngành nghề. Còn một khi họ ghi rõ ngành nghề kinh doanh vào GCNĐKKD có nghĩa là cổ đông chỉ ủy quyền cho họ được kinh doanh ngành nghề đó, để giảm chi phí kiểm soát của cổ đông”, ông Ngọc lý giải.

Cũng theo ông Ngọc, điểm mới của dự thảo Luật là đã trao quyền phái sinh cho cổ đông (Điều 165 quy định cổ đông và nhóm cổ đông có trên 1% cổ phần có quyền khởi kiện đối với thành viên Hội đồng quản trị, giám đốc, tổng giám đốc). Tuy nhiên, “trên thế giới việc trao quyền này rất thận trọng, nếu trao thường đi kèm với rất nhiều điều kiện. Vì cổ đông của DN không có nghĩa vụ phải trung thành với DN, nếu muốn hại một DN nào đó, chỉ cần mua 2% cổ phần của DN đó và suốt ngày đi kiện. Lúc đó người thiệt là DN, vì chi phí khởi kiện DN chịu, danh tiếng DN cũng chịu”, ông Ngọc lý giải.

Ủng hộ cơ chế mở, tạo thuận lợi tối đa cho DN, song ông Lê Quốc Chính, Giám đốc kinh doanh Dự án Deawoo Cleve, cho rằng: “nếu “thả” để DN được phép kinh doanh những gì pháp luật không cấm thì theo tôi là chưa đủ. Vì ở Việt Nam chưa có điều kiện để thả đến mức độ như thế”. Lý giải điều này, ông Lê Quốc Chính cho rằng, có những ngành nghề kinh doanh có tính cạnh tranh, nhiều DN không đủ năng lực về tài chính và kinh doanh để làm nhưng vẫn làm và làm bằng cách cạnh tranh không lành mạnh (phá giá, lấy người của nhau...). Trước hết thiệt về chính DN, nhưng cơ bản là nó ảnh hưởng đến những DN làm ăn chân chính, lâu dài trong lĩnh vực đó. “Tư tưởng của Luật là đúng, nhưng “mở” có thể để lại những hậu quả và giải quyết những hậu quả xã hội ấy như thế nào. Tôi cho rằng Luật đưa ra một cái khung, còn các ban ngành cần có những quy định sao cho phù hợp, vì nếu cứ cấp phép bừa bãi, rồi DN cũng “làm bừa” thì không ổn. Đơn cử lĩnh vực bất động sản, nhiều DN mở ra, tài chính có hạn nhưng nhờ mối quan hệ quen biết nên lấy được đất cho dự án và huy động vốn tràn lan nên mới dẫn đến tình trạng như bây giờ”, ông Chính nêu ý kiến.

Những băn khoăn của chuyên gia, DN xuất phát từ thực tiễn hoạt động kinh doanh trong và ngoài nước. Điều đó cho thấy, cơ chế “mở” là cần thiết, song cần được đặt phù hợp trong điều kiện môi trường kinh doanh của Việt Nam và quan trọng hơn là cần một môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn và bền vững.

Hoài Anh

Hải Quan

Các tin tức khác

>   Nhìn nhận về tiềm năng xuất khẩu quốc gia (03/08/2014)

>   Nhiều dự án của DN Trung Quốc được cấp Giấy chứng nhận đầu tư mới tại Việt Nam (03/08/2014)

>   Luật Doanh nghiệp sửa đổi: Khó minh bạch (03/08/2014)

>   Tân Hiệp Phát đưa vào sử dụng nhà máy nước giải khát gần 2.000 tỷ tại Hà Nam (03/08/2014)

>   Ông Nguyễn Thanh Nghị: “Đề án đặc khu sẽ là bước ngoặt cho Phú Quốc” (03/08/2014)

>   Thủ tướng yêu cầu sớm xem xét vụ Vinalines thua kiện hơn 3 triệu USD (02/08/2014)

>   Xuất khẩu: Lợi thế vẫn dừng ở… tiềm năng (02/08/2014)

>   Tổng thầu Trung Quốc "trục trặc": Cơ hội mới cho DN cơ khí nội (02/08/2014)

>   Vỡ đường ống nước Sông Đà: Chín lần thất tín, sao vẫn tin? (02/08/2014)

>   Đã có doanh nghiệp tỉ đô trong nền kinh tế Internet Việt (02/08/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật