Vỡ đường ống nước Sông Đà: Chín lần thất tín, sao vẫn tin?
Sau 9 lần vỡ đường ống cấp nước sạch Sông Đà – TP Hà Nội, Bộ Công an vừa công bố quyết định khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”. Như vậy, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã chính thức tiến hành điều tra làm rõ trách nhiệm của các cá nhân liên quan đến vụ việc.
* Vinaconex có ‘đùa’ với dân lần nữa?
* Sẽ thanh tra đường ống nước vỡ 9 lần của Vinaconex
* Cần 1.000 tỷ đồng để ứng cứu đường ống nước sông Đà
* Vỡ ống nước Sông Đà, Vinaconex bị truy cứu hình sự?
Quyết định khởi tố vụ án hình sự này tiến hành đối với tất cả các giai đoạn thiết kế, phê duyệt, sản xuất và xây lắp giai đoạn 1 tuyến ống truyền tải nước sạch Sông Đà.
Làm rõ nguyên nhân vỡ ống
Chỉ tính từ tháng 12/2012 đến nay, đường ống nước Sông Đà cung cấp nước sinh hoạt cho khoảng 70.000 hộ dân Thủ đô Hà Nội đã 9 lần bị vỡ. Lần gần đây nhất là vào khoảng 4 giờ sáng ngày 12/7, đường ống dẫn nước tại km15 trên Đại lộ Thăng Long thuộc địa phận huyện Hoài Đức, TP Hà Nội bị vỡ. Hàng chục nghìn hộ dân ở các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông… thuộc Hà Nội bị mất nước.
Đây là gói thầu thi công đường ống truyền tải số 1 cấp nước Sông Đà về Hà Nội do TCty Vinaconex làm chủ đầu tư. Có 4 Cty thành viên của TCty Vinaconex (VCG) tham gia thi công đoạn đường ống này, gồm Cty cổ phần xây dựng số 6, 7, 11, 12.
Thực tế, sau lần vỡ đường ống nước Sông Đà lần thứ 7, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã giao các đơn vị trong bộ xác định nguyên nhân sự cố. Ngày 19/6, Bộ Xây dựng đã có văn bản chỉ ra rất nhiều nguyên nhân gây vỡ tuyến ống truyền tải nước sông Đà. Trong đó, nguyên nhân trực tiếp do chất lượng của ống không đồng đều.
Ông Hoàng Hải - Phó Cục trưởng cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, tại một số vị trí của ống có hiện tượng bong rộp, tách lớp, một số chỉ tiêu không đảm bảo dẫn đến suy giảm khả năng chịu lực cục bộ của đường ống. Ngoài ra, đường ống đã chịu tác động bất lợi trong quá trình thi công, lắp đặt. Có nhiều đoạn ống bị hư hỏng và phải thay thế do các nguyên nhân như: rơi khi vận chuyển, va đập với máy xúc, bị đá rơi vào, đẩy nổi khi lắp đặt, sạt trượt hố móng…
Liên quan tới việc xem xét trách nhiệm các đơn vị liên quan, Cục Giám định xác định, đơn vị tổng thầu thiết kế còn thiếu kinh nghiệm trong việc lựa chọn các tiêu chuẩn áp dụng trong thiết kế tuyến ống nước sử dụng vật liệu ống composite cốt sợi thủy tinh, không đưa ra đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật trong quá trình sản xuất, thi công, lắp đặt tuyến ống. Nhà sản xuất ống composite cốt sợi thủy tinh lựa chọn công nghệ và kiểm soát quá trình gia công chế tạo chưa chặt chẽ, không có các thí nghiệm về chỉ tiêu cơ lý minh chứng cho độ bền dài hạn của ống theo tiêu chuẩn. Cùng với đó, các nhà thầu thi công, nhà thầu giám sát và cả chủ đầu tư lẫn ban quản lý dự án đều thực hiện chưa tốt trách nhiệm của mình.
Ông Vũ Quý Hà - TGĐ TCty Vinaconex cũng phải thừa nhận, đường ống bị nứt vỡ do ống composite chất liệu thủy tinh có chất lượng không đồng đều. Ở một số vị trí của ống xuất hiện tình trạng bong rộp, tách lớp, chỉ tiêu độ cứng vòng bị vỡ ở cấp nén B, biến dạng 15%, không đạt yêu cầu thiết kế một số chỉ tiêu cơ lý.
Ngoài ra, còn những nguyên nhân khác như thiếu các yêu cầu kỹ thuật đối với việc sản xuất, thi công lắp đặt ống; tại một số vị trí xuất hiện tảng đá, bê tông lẫn vào lớp cát đệm xung quanh ống làm mất ổn định của ống… Đại diện của Vinaconex cũng đã thừa nhận, các Cty này chưa quản lý chặt chẽ chất lượng thi công, lắp đặt đường ống, tạo nên các tác động bất lợi làm giảm khả năng bám dính của các vật liệu cấu tạo ống. Cùng với đó, trong tổng số 5.100 sản phẩm ống và phụ kiện các loại cung cấp cho dự án giai đoạn 1 do sử dụng thiết bị công nghệ mới nên một số sản phẩm ống có thể chưa được kiểm soát chặt chẽ trong quá trình sản xuất hoặc trong khâu vận chuyển.
Khởi tố vẫn giao chủ đầu tư
Nguyên nhân dẫn đến sự cố đường ống là do vật liệu ống sử dụng cho công trình chưa phù hợp với điều kiện truyền tải nước.
|
Thiếu tướng Nguyễn Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế (C46, Bộ Công an) cho biết, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án hình sự để điều tra sự cố vỡ đường ống nước Sông Đà để điều tra về tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 229 Bộ luật Hình sự.
Sau khi có quyết định khởi tố hình sự vụ án vỡ đường ống nước sông Đà, tại buổi họp báo giao ban Thành ủy Hà Nội, nhiều câu hỏi liên quan đã được phóng viên đặt ra như: Có hợp lý hay không khi UBND TP Hà Nội vẫn tiếp tục đồng ý cho TCty Vinaconex làm chủ đầu tư giai đoạn 2 của Dự án cấp nước sạch Sông Đà? Vì sao không đấu thầu trong dự án vỡ đường ống nước sông Đà? Phải chăng Hà Nội có ưu đãi gì đối với TCty Vinaconex trong dự án trên? Tuy nhiên, phần trả lời các câu trả lời đều chung chung, chủ yếu là nội dung đã được nêu tại các cuộc họp trước đây. Theo ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội, thành phố đã xem xét rất kỹ năng lực của Vinaconex trước khi quyết định đơn vị này là chủ đầu tư. Đây là đơn vị tư nhân, tiền của họ, họ đầu tư nhà máy lọc nước, đầu tư đường ống cung cấp nước sạch theo đúng cam kết, yêu cầu của Bộ Xây dựng. Tới nay, Vinaconex cũng là đơn vị duy nhất tổ chức đường ống nước từ Sông Đà về Hà Nội. Sự cố vỡ đường ống là điều không ai mong muốn. Trước đó, ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó chủ tịch UBND TP đã trả lời các thành viên Ban kinh tế - ngân sách HĐND TP Hà Nội về vấn đề đường ống nước Sông Đà bị vỡ. Theo ông Hùng, đánh giá của các chuyên gia cho thấy nguyên nhân dẫn đến sự cố đường ống là do vật liệu ống sử dụng cho công trình chưa phù hợp với điều kiện truyền tải nước về TP. Trách nhiệm để xảy ra tình trạng này trước tiên thuộc về nhà đầu tư là TCty Vinaconex. Đây là dự án của TCty Vinaconex thực hiện nên quá trình thiết kế, thi công, thẩm định, nghiệm thu, các cơ quan của TP Hà Nội không tham gia.
Đại diện TP Hà Nội cho rằng, việc thành phố tiếp tục giao Vinaconex thi công đường ống số 2 là do đề nghị của Bộ Xây dựng và Vinaconex đã xin lỗi người dân, cam kết khắc phục sự cố. Dân gian có câu: "Một lần thất tín, vạn lần bất tin". Rất nhiều người đặt câu hỏi nếu đường ống dẫn nước của Vinaconex lại vỡ, ai chịu trách nhiệm ?
Dự án nước Sông Đà GĐ2 có tổng mức đầu tư khoảng 4.000 tỷ VNĐ. Hình thức đầu tư là BOO. DN sử dụng vốn tự có và vốn vay. Công suất 300.000 m3/ngđ. Dự án gồm 2 phần kì: Phân kỳ 1 (Đầu tư 29,2 km tuyến ống truyền tải từ QL21 đến vành đai 3) giá trị khoảng 1.200 tỷ VNĐ. Phân kỳ 2 (Đầu tư tuyến ống còn lại và nhà máy) với giá trị khoảng 2.800 tỷ VNĐ. (Ảnh công trình này đã được trao Cúp vàng chất lượng ngành xây dựng nhưng đã 9 lần bị vỡ từ năm 2012 đến nay tại những địa điểm gần nhau, cạnh Đại lộ Thăng Long, khiến hơn 70.000 hộ dân Hà Nội khốn khổ vì nhiều lần, liên tục thiếu nước sinh hoạt)
|
Nhiều tội danh sẽ được làm rõ
LS Nguyễn Thị Minh Châu - Trưởng văn phòng LS Bảo Châu và cộng sự:
Đây mới chỉ là bước đầu cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố vụ việc theo điều 229 Bộ luật Hình sự, tội "vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng". Tiếp đó, cơ quan điều tra sẽ tiến hành làm rõ người nào vi phạm quy định về xây dựng trong các lĩnh vực khảo sát, thiết kế, thi công, sử dụng nguyên liệu, vật liệu, máy móc, nghiệm thu công trình… Từng cá nhân có thể sẽ bị truy cứu với các tội danh khác nhau như: tội "tham ô tài sản", tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", tội "cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng"... Mỗi tội danh, mỗi mức độ phạm tội đều có khung hình phạt khác nhau.
Riêng đối với “Tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” được quy định tại Điều 229, Bộ luật Hình sự như sau: Khoản 1 “Người nào vi phạm quy định về xây dựng trong các lĩnh vực khảo sát, thiết kế, thi công, sử dụng nguyên liệu, vật liệu, máy móc, nghiệm thu công trình hay các lĩnh vực khác nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 220 của Bộ luật này gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm”. Khoản 2 “Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm: a) Là người có chức vụ, quyền hạn; b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng”. Khoản 3 “Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ tám năm đến hai mươi năm”. Khoản 4 “Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”.
Loanh quanh chuyện trách nhiệm
Nhìn lại dự án nước sạch Sông Đà - Hà Nội, dự án bắt đầu khởi công từ ngày 24/4/2004. Đây là một dự án nhóm A do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có quy mô lớn và sản phẩm mang tính đặc thù phục vụ xã hội. Đến ngày 30/7/2008, đường nước sạch Sông Đà đã bắt đầu được đưa đến các hộ dân cư. Công trình này là một trong hai công trình mà Vinaconex được trao tặng “Cúp vàng chất lượng xây dựng Việt Nam” năm 2010. Sau 6 năm đi vào sử dụng, duy nhất chỉ có nhà máy nước Vinaconex hoạt động tốt, trong khi đường ống nước liên tục vỡ tới 9 lần. Dẫn giải thêm về trách nhiệm giám định chất lượng công trình, Cục trưởng Cục trưởng Cục giám định nhà nước về chất lượng công trình (Bộ Xây dựng) ông Lê Quang Hùng nhận xét, tại thời điểm TCty Vinaconex làm đường ống dẫn nước này, công tác quản lý chất lượng chịu sự điều chỉnh của Nghị định 209. Theo quy định của Nghị định này, toàn bộ các giai đoạn từ khảo sát, thiết kế, thi công, nghiệm thu do chủ đầu tư tổ chức quản lý chất lượng.
Cũng theo ông Hùng, tại thời điểm đó, TCty Vinaconex không còn là đơn vị trực thuộc Bộ Xây dựng. TCty Vinaconex đã được cổ phần hóa và được chuyển về cho TCty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thuộc Bộ Tài chính quản lý phần vốn nhà nước của DN này. Hơn nữa, thời điểm khi đó, công trình không thuộc danh mục công trình được Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng kiểm tra hay nghiệm thu. Trách nhiệm chung về quản lý nhà nước các công trình xây dựng trên địa bàn, theo đó, thuộc chính quyền địa phương.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Hùng - phó chủ tịch UBND TP lại có cách giải thích khác. Theo ông Hùng, trách nhiệm để xảy ra tình trạng này trước tiên thuộc về nhà đầu tư là TCty Vinaconex. Đây là dự án của Vinaconex thực hiện nên quá trình thiết kế, thi công, thẩm định, nghiệm thu, các cơ quan của TP Hà Nội không tham gia.
|
Bá Tú
dđdn
|