Thứ Hai, 04/08/2014 15:16

Manh nha làn sóng đầu tư Mỹ

"Đây là CPU (vi xử lý) đầu tiên sản xuất tại Việt Nam”, bà Sherry Boger, Tổng Giám đốc Intel Products Vietnam, giới thiệu một cách hào hứng khi cầm trên tay những con CPU thuộc dòng Haswell vừa xuất xưởng, đánh dấu cột mốc quan trọng cho dự án 1 tỉ USD của Tập đoàn Intel vào Việt Nam.

Đứng bên cạnh bà, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TPHCM Lê Mạnh Hà cũng không che giấu niềm tự hào khi chỉ trong một thời gian ngắn nữa thôi, hơn 80% CPU dành cho các dòng máy tính để bàn trên toàn cầu của Intel sẽ được gắn mác “Made in Vietnam”.

Bà Sherry Boger (người thứ 4 từ phải qua), Tổng Giám đốc Intel Products Vietnam, trong buổi giới thiệu CPU dòng Haswell.

Nhưng không chỉ có Intel tiếp tục lộ trình mở rộng sản xuất tại Việt Nam. Gần đây, hàng loạt các tên tuổi công nghệ lớn của Mỹ như Microsoft hay Apple đã bày tỏ mối quan tâm đến việc mở nhà máy sản xuất, hoặc xem Việt Nam là thị trường trọng điểm trong thời gian tới. Khi được hỏi liệu Microsoft có mở nhà máy sản xuất tại Việt Nam hay không, Phó Giáo sư Tiến sĩ Lê Hoài Quốc, Trưởng ban Khu Công nghệ cao TPHCM, không trả lời trực tiếp. Nhưng theo ông, hiện Microsoft đã đặt một chân vào Việt Nam thông qua Nokia, vốn đã hiện diện tại Việt Nam và vừa mới được Microsoft mua lại.

Giá trị xuất và nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam với Mỹ.

Bên cạnh lĩnh vực công nghệ, các tập đoàn lớn khác của Mỹ cũng bắt đầu chú ý đến Việt Nam nhiều hơn với các dự án có số vốn lên đến hàng tỉ hay thậm chí là chục tỉ USD. Ví dụ, tập đoàn năng lượng khổng lồ Exxon Mobil đã bày tỏ ý định xây dựng cụm khí điện tại miền Trung Việt Nam với số vốn dự kiến tới 20 tỉ USD; Tập đoàn Good Choice đã được cấp phép cho dự án khu vui chơi giải trí tại Bà Rịa - Vũng Tàu trị giá 1,29 tỉ USD; Tập đoàn Globe Venture Inc. và Pacific Development LLC muốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng; còn tập đoàn giải trí Las Vegas Sands đã nhiều lần ngỏ ý mở dự án casino trị giá hàng tỉ USD ở Việt Nam. Nike gần đây cũng công bố ý định sẽ di chuyển số lượng lớn đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Thêm vào đó, gần đây chúng ta đã thấy nhiều hơn những sản phẩm nổi tiếng, mang đậm văn hóa Mỹ như Starbucks hay McDonald’s xuất hiện ở các thành phố lớn như Hà Nội hay TPHCM. Sẽ là không quá lời khi nói rằng đang có một làn sóng đổ bộ mới từ các công ty Mỹ vào Việt Nam với quy mô không hề nhỏ.

Hiện tại, các khoản đầu tư của Mỹ được ghi nhận chính thức vào Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn. Theo Cục Ðầu tư Nước ngoài, tính đến tháng 5.2014, Mỹ mới chỉ đứng thứ 7 trong tổng số 101 quốc gia và vùng lãnh thổ đang đầu tư trực tiếp vào Việt Nam với vốn đăng ký khoảng 10,6 tỉ USD.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp Mỹ lại đang rất hứng thú trước những cơ hội mới mở ra tại Việt Nam khi mà quan hệ giữa hai nước đã được nâng tầm lên thành Đối tác toàn diện. Không chỉ có vậy, “siêu” hiệp định TPP sắp được ký kết cũng sẽ dỡ bỏ những rào cản ngăn trở dòng lưu thông thương mại và đầu tư giữa hai quốc gia.

Về phía Việt Nam, việc hợp tác với Mỹ chắc chắn sẽ mang lại nhiều lợi ích. Minh chứng là kể từ khi Hiệp định Thương mại Song phương (BTA) giữa hai quốc gia được ký kết vào năm 2001, thì tính đến cuối năm 2013, giá trị xuất khẩu vào Mỹ của Việt Nam đã tăng gần 30 lần so với năm 2000. Tổng giá trị thương mại hai chiều giữa hai quốc gia cũng lên tới gần 30 tỉ USD, tăng 25 lần trong giai đoạn đó.

Về phía Mỹ, nước này cũng sẽ được hưởng lợi nhiều mặt khi đầu tư vào môi trường ổn định, chi phí cạnh tranh và có vị trí địa lý chiến lược như Việt Nam. Bước đi này sẽ tạo nhiều việc làm mới cho công dân Mỹ. Ví dụ mới đây, thỏa thuận hạt nhân dân sự giữa Mỹ và Việt Nam đã được Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ phê chuẩn, dự kiến có thể mang lại 10-20 tỉ USD giá trị xuất khẩu hạt nhân cho Mỹ và tạo ra hơn 50.000 việc làm cho công dân nước này.

Nhìn chung, với những động thái mới từ các tập đoàn hàng đầu của Mỹ, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao, Việt Nam có thể hy vọng một làn sóng đầu tư mới từ Mỹ với những đặc điểm hiện đại hơn, thâm dụng công nghệ hơn và có trình độ quản trị cao cấp hơn. Từ đó, tạo tác động lan tỏa đến toàn bộ nền kinh tế.

Được biết, tính đến nay, Intel Vietnam đã hợp tác với khoảng 20 doanh nghiệp tại chỗ tham gia chuỗi cung ứng; chiếm khoảng 25% và dự kiến sẽ tăng lên trong thời gian tới. Đó rõ ràng là tín hiệu đáng khích lệ đối với các doanh nghiệp Việt Nam khi có cơ hội leo lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu và tạo ra nguồn nhân lực có kỹ năng tốt hơn trong tương lai.

“Mối quan hệ hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam đang ngày càng mạnh hơn. Mỹ kỳ vọng Việt Nam sẽ mở ra nhiều cơ hội hơn cho các doanh nghiệp Mỹ đến đầu tư và các doanh nghiệp này sẽ phát triển lực lượng lao động tại địa phương. Đối với Việt Nam, Mỹ là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất, vì vậy việc hợp tác sẽ mang lại lợi ích bình đẳng cho cả hai quốc gia. Theo tôi, càng có nhiều mối quan hệ hợp tác mạnh mẽ thì mối liên hệ kinh tế giữa hai nước sẽ càng ý nghĩa”, bà Sherry Boger, Tổng Giám đốc Intel Products Vietnam, nhận xét.

Sơn Nguyễn

nhịp cầu đầu tư

Các tin tức khác

>   Vụ ăn mì trúng 100 triệu: Khách hàng nhận được 50 triệu đồng (04/08/2014)

>   Trứng cá tầm Việt Nam xuất ngược sang Nga (04/08/2014)

>   Công nghiệp ôtô không đặt mục tiêu người Việt phải có xe đi (04/08/2014)

>   Thủy điện Ia Krel 2 vỡ: Dừng thi công ngay (04/08/2014)

>   Báo động tình trạng tội phạm công nghệ đột nhập hòm thư doanh nghiệp (04/08/2014)

>   Thị trường taxi: Những ẩn số từ doanh nghiệp ngoại (04/08/2014)

>   Nên giao một tổ chức độc lập định giá điện (04/08/2014)

>   Intel Sài Gòn, SamSung Bắc Ninh: Cuộc đua made in Việt Nam (04/08/2014)

>   Hãng hàng không đầu tiên của Nga tạm ngừng bay (04/08/2014)

>   Đầu tư mạo hiểm kiểu quỹ Nhật (04/08/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật