Được gì khi các tập đoàn công nghệ đầu tư vào Việt Nam?
Các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Intel, Samsung, Nokia, Canon, Panasonic, LG… đã cùng “đổ bộ” vào nước ta. Việt Nam hoan nghênh chào đón, nhưng cũng cần phải tính đến các biện pháp để những “túi tiền khổng lồ” của các “đại gia” này phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam.
Công nghệ, điện tử nhìn từ Bắc Ninh
Đầu tháng 7-2014, Công ty TNHH Samsung Display (Tập đoàn Samsung) đã được UBND tỉnh Bắc Ninh cấp phép cho dự án sản xuất màn hình có độ phân giải cao Samsung Display với vốn đầu tư 1 tỉ USD ở Tổ hợp công nghệ cao Samsung Bắc Ninh, nâng tổng vốn đầu tư của Samsung ở Việt Nam lên tới 6,8 tỉ USD.
Dự kiến, dự án Samsung Display sẽ bắt đầu sản xuất thương mại vào quý I-2015, đạt sản lượng hàng tháng khoảng 4 triệu sản phẩm vào năm 2015 và trên 15 triệu sản phẩm từ năm 2020. Dự án giải quyết công ăn việc làm cho khoảng hơn 2.500 lao động vào năm 2015 và 8.000 lao động vào năm 2020. Với dự án “tỉ đô” mới này, Samsung kì vọng doanh thu sẽ đạt 1,5 tỉ USD vào năm 2015, năm 2018 là 4 tỉ USD, năm 2020 là 6 tỉ USD. Dự án Samsung Display sẽ hiện thực hóa kế hoạch biến Việt Nam thành “cứ điểm sản xuất toàn cầu hoàn chỉnh” lớn nhất thế giới của tập đoàn Samsung.
Ngoài Samsung, Bắc Ninh cũng đã đón nhận hàng loạt các thương hiệu lớn trong lĩnh vực công nghệ, điện tử như Nokia, Canon, Foxconn… Từ một tỉnh chỉ dựa vào một số ngành công nghiệp truyền thống mà Bắc Ninh có thế mạnh như công nghiệp đồ gỗ, giấy, sắt, vật liệu xây dựng và các sản phẩm bằng đồng khi tái lập tỉnh vào năm 1997, đến nay, Bắc Ninh đã trở thành tên tuổi lớn trong lĩnh vực công nghệ điện tử của Việt Nam – một hình mẫu thành công trong thu hút FDI.
Trong công thư gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đề xuất dự án Samsung Display, Tập đoàn Samsung đã bày tỏ: Chúng tôi tin tưởng rằng trong tương lai không xa, tỉnh Bắc Ninh sẽ trở thành một thành phố công nghiệp dẫn đầu về công nghệ như “thung lũng silicon” của Mỹ.
Còn ở phía Nam, sự có mặt của tập đoàn công nghệ hàng đầu Intel từ năm 2006 là dấu mốc quan trọng trong thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam. Sau 8 năm hoạt động, từ số vốn đầu tư khởi điểm là 300 triệu USD, Intel đã nâng tổng vốn đầu tư lên 1 tỉ USD vào năm 2010. Và mới đây, Công ty Intel Việt Nam (IPV) cho biết: Sắp tới Intel sẽ dịch chuyển hoạt động kiểm định và lắp ráp của nhà máy Intel Costa Rica về Việt Nam. Kế hoạch dịch chuyển này để chuẩn bị cho Intel Việt Nam chính thức đi vào sản xuất CPU tại Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh.
Thực tế, với sự góp mặt của các tập đoàn công nghệ điện tử lớn như Intel, Samsung, Nokia, Canon, Panasonic, LG…, những năm gần đây, ngành công nghiệp điện tử Việt Nam đã có những bước đột phá rất mạnh trong cơ cấu các ngành công nghiệp cả nước. Sự tăng trưởng vượt bậc của công nghiệp điện tử đã góp phần không nhỏ trong tăng trưởng chung của Việt Nam.
Tính riêng trong lĩnh vực thu ngân sách, số thu ngân sách của Bắc Ninh cũng đã có nhiều cải thiện đáng kể từ khi có dự án của Samsung. Theo báo cáo của UBND tỉnh Bắc Ninh, chỉ tính riêng Samsung, dự kiến năm 2014 Samsung nộp ngân sách 900 tỉ đồng (bằng 145% so với năm 2013), trong đó thuế Thu nhập DN của hoạt động bình thường là 700 tỉ đồng (bằng 167% năm 2013); Thuế nhà thầu nộp hộ là 200 tỉ đồng. Còn tại nhà máy Samsung Thái Nguyên, theo tính toán của UBND tỉnh Thái Nguyên, dự án sẽ sản xuất 20 triệu sản phẩm (2/10 công suất), tương ứng giá trị sản xuất khoảng 28.000 tỉ đồng.
Dự kiến giá trị tăng thêm chiếm khoảng 4% giá trị sản xuất, tương ứng với giá trị tăng thêm khoảng 1.120 tỉ đồng. Trong 4 năm đầu việc thu thuế của Samsung sẽ không đáng kể nhưng số thu thuế sẽ tăng từ năm thứ 5 trở lên với số thu khoảng 700 tỉ đồng/năm trở lên đối với Công ty Samsung.
“Việt Nam không thể thiếu các DN như Samsung”
Giải thích lí do các tập đoàn công nghệ, điện tử đa quốc gia chọn Việt Nam làm điểm đến, trong Bản tin kinh tế vĩ mô số 10 công bố tháng 4 năm nay, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng: Đã từ lâu, các tập đoàn quốc tế muốn tìm một nước ngoài Trung Quốc để tránh rủi ro cùng với xu hướng tiền lương lao động gia tăng tại nước này nhưng đồng thời địa điểm phải đủ gần để có thể bán sản phẩm vào thị trường Trung Quốc. Theo đó, Việt Nam hiện đang là lựa chọn ưu tiên số 1.
Trong bài viết “Thu hút vốn đầu tư của Samsung có đáng hay không?”, GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài đã phân tích việc Việt Nam có lợi như thế nào khi thu hút Samsung cũng như các “đại gia” FDI khác. GS Nguyễn Mại cho rằng: Các nhà máy của Samsung đã tạo ra 38 nghìn việc làm và trong 2 năm tới khoảng 50-60 nghìn việc làm với thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng, trong đó có hàng nghìn kỹ sư, nhà quản trị cấp cao. Năm 2014 khi Samsung đã hết thời hạn miễn thuế Thu nhập DN sẽ nộp cho ngân sách tỉnh Bắc Ninh khoảng 1.000 tỉ đồng (khoảng 10 tỉ đồng/ha diện tích đất sử dụng), ngoài ra còn khoản nộp ngân sách của các DN phụ trợ của hãng này.
“Vấn đề cấp thiết là Chính phủ và chính quyền các địa phương cần có chính sách khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để hàng trăm DN Việt Nam có đủ năng lực và đáp ứng yêu cầu làm vệ tinh sản xuất linh kiện, phụ kiện cho Samsung, tranh thủ cơ hội để vừa hình thành ngành công nghiệp phụ trợ, vừa giúp các DN vượt qua khó khăn trước mắt, vươn lên làm chủ công nghệ hiện đại” – GS Nguyễn Mại khuyến nghị.
Tại một hội thảo do Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế-xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cũng đã lên tiếng khẳng định sự đóng góp của các tập đoàn đa quốc gia. Ông Đặng Huy Đông cho rằng: Việt Nam không thể thiếu các DN như Samsung. Tôi là người hỗ trợ cho họ mở rộng hoạt động ở Việt Nam, không thể không có họ được. Bởi vì trên 1ha đất là có 1 vạn lao động, thu nhập thấp nhất là 200 USD, có nghĩa mỗi lao động có thu nhập 2.400 USD/năm, cao hơn 60% GDP bình quân đầu người của Việt Nam.
Bản tin kinh tế vĩ mô số 10 của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng phân tích: Đã có nhiều tập đoàn công nghệ thông tin, điện tử viễn thông lớn của nước ngoài vào Việt Nam như Canon, Sony, Nokia và gần đây là Samsung tăng mạnh đầu tư tại Việt Nam. Cơ hội sẽ còn rất lớn song chính sách trong nước cần hướng mạnh mẽ hơn đến việc tận dụng dòng đầu tư này để nâng cao đáng kể năng lực sản xuất và hàm lượng giá trị gia tăng trong nước. Cụ thể cần một nỗ lực thúc đẩy và kết hợp hài hòa phát triển nguồn nhân lực, cả về kĩ năng và trình độ ngoại ngữ, cải thiện khả năng hấp thụ chuyển giao công nghệ của DN trong nước đồng thời phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ một cách tập trung. Yêu cầu này ngày càng trở nên bức thiết hơn trong bối cảnh các nước trong khu vực như Indonesia, Myanmar và Campuchia có sự dịch chuyển mạnh mẽ nhằm cạnh tranh thu hút các dòng vốn FDI.
Lương Bằng
hải quan
|