Ốm yếu như… thị trường bán lẻ Việt Nam
Ba “căn bệnh”: Doanh nghiệp bán lẻ không cạnh tranh được với doanh nghiệp ngoại; nông dân bị ép giá; người tiêu dùng mua thành phẩm giá cao.
* Sức mua vẫn tăng chậm chạp
* Đại gia bán lẻ quốc tế sẽ tiếp tục dồn đến TPHCM
* Việt Nam là điểm đến hàng đầu của các nhà bán lẻ
Bán lẻ là mắt xích quan trọng của hệ thống phân phối nội địa của Việt Nam (VN). Tuy nhiên, nhìn lại sáu tháng đầu năm 2014, tổng mức lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội chỉ tăng 5,5%, trong khi những năm trước mức tăng là 11%.
DN nội địa yếu đủ kiểu
Hiện VN có khoảng 8.500 chợ, hàng chục vạn cửa hàng bán lẻ, khoảng 650 siêu thị, 125 trung tâm thương mại. Riêng hệ thống siêu thị phải nhắc đến các doanh nghiệp (DN) nước ngoài bao gồm Metro, BigC, LotteMart, Parkson… Điển hình trong số đó phải nhắc đến Metro. Phải thừa nhận hiếm có hệ thống siêu thị nào lại có thể làm được như Metro khi bao tiêu từ gốc đến ngọn. Thậm chí, Metro còn đưa hàng đi xuất khẩu.
Trong khi đó, DN trong nước dường như chỉ có SaiGon Co.op, CitiMart, Hapro, Fivi Mart, Intimex… Đối với thị trường có tổng dân số trên dưới 90 triệu, ngành bán lẻ hoàn toàn có tiềm năng về tăng trưởng. Tuy nhiên, cuộc đua đang có phần nghiêng khá nhiều về DN ngoại, trong khi các DN nội lại ngày càng co cụm lại.
Vấn đề của các DN nội là gì? Trước hết, hiện chưa có một chiến lược rõ ràng từ Chính phủ về phát triển bán lẻ, từ tiền vốn, chính sách, đất đai đến sự liên kết. Thứ hai, nguồn nhân lực bán lẻ VN chưa qua đào tạo. Có đến 70% không được học về bán lẻ, nên tổ chức thương mại ở các siêu thị rất yếu. Thứ ba, sản xuất đầu vào bán lẻ VN còn nhỏ bé, manh mún, hao hụt nhiều, liên kết sản xuất - phân phối giữa các vùng miền kém...
Cộng lại những điều đó, làm sao đọ lại được Metro. Thậm chí có nhiều siêu thị nhỏ ở Hà Nội hiện nay phải vào Metro để mua hàng bán.
Thị trường bán lẻ của DN nội vẫn còn khiêm tốn so với DN ngoại.
|
Nông dân, người tiêu dùng chịu thiệt
Một vấn đề rất lớn khác của ngành bán lẻ lâu nay đó là để quyền lực của các nhà phân phối quá lớn. Nhiều DN sản xuất bức xúc vì nhiều siêu thị đòi chiết khấu quá cao. Trung bình, để DN đưa được hàng vào siêu thị là họ phải chấp nhận “chi” cho siêu thị từ 20% đến 30% chiết khấu, thậm chí có siêu thị đòi lên đến 42%.
Không chỉ có chiết khấu, các DN còn phải chịu chi phí tạo mã. Ví dụ, một gói thạch có giá 16.000 đồng, để vào được siêu thị, DN lại phải đóng tiền để tạo mã đó lên tới 100 USD (tương đương 2,1 triệu đồng). Chưa kể các chi phí ngoài, chi phí trong để phục vụ siêu thị.
Nhiều DN do muốn đưa hàng vào siêu thị nên dù có bị ép chiết khấu, ép tạo mã thì DN vẫn cố đưa hàng vào. Tất nhiên, DN đó cũng sẽ phải tính vào giá thành sản phẩm. Làm như vậy, giá sẽ cao vời vợi, người tiêu dùng lãnh đủ.
Cũng có nhiều nhà cung ứng, khi siêu thị ép giá, họ quay sang ép ngược trở lại với nông dân. Cuối cùng, nông dân thì bị ép giá xuống thấp, không muốn sản xuất nữa.
Người của ta, trái cây của ta nhưng cuối cùng chúng ta lại phải “làm thuê” cho người nước ngoài. Chúng ta không làm chủ được thị trường bán lẻ. Nông dân vẫn cứ bán giá thấp, người tiêu dùng lại phải mua giá cao.
Chấm dứt tình trạng quản lý “lỏng tay”
Hiện người tiêu dùng đang phải đi vào “ma trận” hàng hóa, không biết hàng nào là của Thái Lan, Trung Quốc, VN. Vậy ai là người bảo vệ họ?
Thực ra, chỉ tính riêng ở Hà Nội, chúng ta có khoảng 700 quản lý thị trường. Trong khi đó lại có đến hàng chục vạn tiểu thương, 100 siêu thị và 20 trung tâm thương mại. Ngoài ra còn các cửa hàng nhỏ lẻ. Như vậy, nếu quản lý thị trường đi kiểm soát thủ công với nhân sự mỏng như trên có lẽ phải năm năm họ mới kiểm tra hết một vòng.
Trong khi ở các nước họ không cần lực lượng đông mà chủ yếu dùng chế tài thật nặng. Ví dụ, nếu người kinh doanh “lôi thôi”, chất lượng sản phẩm không an toàn có thể họ phải đi tù.
Vậy nên theo tôi phải “trong sạch” đội ngũ bán lẻ và cả kiểm soát thị trường. Đã đến lúc Chính phủ, Bộ Công Thương cần một chiến lược phát triển cho ngành bán lẻ. Và thêm một giải pháp quan trọng đó là phải tổ chức thành trung tâm thu mua vùng để kiểm soát chất lượng đầu vào từ quy trình sản xuất cho đến bán lẻ, bớt khâu trung gian, ép giá. Đừng để tình trạng hàng hóa vào siêu thị, chợ bị đội giá lên từ ba đến bốn lần.
Vũ Vinh Phú (Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, nguyên Giám đốc Sở Thương mại TPHà Nội)
Một mình Bộ Công Thương cũng “bó tay”
Theo Cục phó Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) Đỗ Thanh Lam, từ đầu năm đến nay, quản lý thị trường (QLTT) đã xử lý hơn 5.600 vụ vi phạm về thị trường, trong đó có các vụ vi phạm về hàng hóa xuất xứ từ Trung Quốc. Trách nhiệm của QLTT là kiểm tra hàng hóa lưu thông thị trường nội địa, kể cả các siêu thị. Thế nhưng theo quy định QLTT chỉ kiểm tra bán hàng có giấy phép kinh doanh, đúng giá niêm yết hay không hoặc xuất xứ nguồn gốc hàng hóa ra sao. Còn việc kiểm định chất lượng là do các bộ ngành khác như Bộ NN&PTNT quản lý hàng nông sản...
Trà Phương ghi
Nhìn Nhật Bản mà làm theo
Thị trường bán lẻ tại Nhật tồn tại không ít các “Metro” theo kiểu bao tiêu từ A đến Z cho nông dân. Hiệp hội các mặt hàng nông sản đứng ra tổ chức diễn đàn, sân chơi để DN tìm kiếm các đối tác - chính là nông dân nhằm tạo chuỗi cung ứng lâu dài. Đến mùa vụ, DN bán lẻ cho xe đến tận các nông trại lớn nhỏ để thu gom nông sản. Sau khi chuyển về xưởng, DN cho phân loại sản phẩm. Hình thức phổ biến là “bán đấu giá” các gói sản phẩm nông sản. Như vậy, nông dân vừa được bán sản phẩm giá cao, người tiêu dùng mua thành phẩm giá thấp hơn do DN rất hạn chế thông qua thương lái trung gian.
Đại Thắng
Metro VN chính thức được bán với giá 879 triệu USD. Theo đó, một đại gia Thái Lan sẽ tiếp quản toàn bộ hoạt động kinh doanh của Công ty Metro Cash & Carry VN bao gồm 19 trung tâm phân phối và danh mục bất động sản có liên quan.
|
Pháp luật tphcm
|