Phụ thuộc thị trường Trung Quốc: Sắn Việt Nam “điêu đứng”
Từng được mệnh danh là cây trồng tỷ đô của xuất khẩu VN với kim ngạch xuất khẩu đạt 1,3 tỷ USD vào năm 2012 và 1,1 tỷ USD vào năm 2013, thế nhưng năm 2014 sắn Việt Nam đã điêu đứng bởi nguyên nhân phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
* Khóc ròng với nông sản tụt giá
* Xuất khẩu nông sản hoán đổi ngôi vị
* Phụ thuộc Trung Quốc: Nông sản chủ lực chịu trận
* Xuất khẩu dăm gỗ, tinh bột sắn giảm mạnh vì Trung Quốc ép giá
Tỉ trọng hàng hóa xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc
|
Thống kê số liệu của Tổng Cục Hải Quan VN cho thấy: Nhóm mặt hàng sắn và sản phẩm từ sắn; quặng và khoáng sản khác; cao su là 3 nhóm mặt hàng xuất khẩu phụ thuộc rất lớn vào thị trường Trung Quốc, đặc biệt là quặng và sắn xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm hơn 60% giá trị xuất khẩu đi các nước.
Báo cáo mới đây của Quảng Ngãi cũng chỉ ra, xuất khẩu tinh bột mì 6 tháng qua tỉnh chỉ được 23.000 tấn, đạt 30% kế hoạch năm. Được biết, đầu tháng 9 tới, tỉnh này sẽ đồng loạt tiêu thụ xăng sinh học E5 thay thế cho xăng A92. Vùng nguyên liệu sắn của nông dân trên địa bàn tỉnh sẽ dần chuyển sang cung ứng cho nhà máy Bio-Ethanol Dung Quất sản xuất xăng E5 thay vì xuất khẩu thô sang Trung Quốc như hiện nay.
Ông Phạm Vũ Hà - Tổng Thư ký Hiệp hội sắn VN cho biết, tính đến cuối tháng 6/2014 tổng lượng sắn lát tồn kho của VN vào khoảng hơn 300.000 tấn. Tinh bột sắn là 150.000 tấn. Nguyên nhân tồn kho chính được cho là do sắn VN bị phụ thuộc chủ yếu vào duy nhất một thị trường Trung Quốc.
Xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc trong tháng 5/2014 đã giảm 6,3% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 5 tháng đầu năm 2014 giá trị xuất khẩu đạt hơn 427,7 triệu USD, giảm 17% so với 5 tháng đầu 2013. Thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng hơn 80%.
Trước sự ảm đạm kéo dài của thị trường và lượng tồn kho lớn nhiều DN VN phải chấp nhận bán lỗ với giá dưới 420 USD/1 tấn. Nhiều DN buộc phải dừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng, còn các DN thương mại thì gần như là phải dừng hoạt động kinh doanh hoàn toàn. Hiệp hội Sắn cho biết, tới nay giao dịch trầm lắng do các DN không thỏa thuận được đầu ra cho đơn đặt hàng mới. Nhiều DN, nhà máy khu vực miền Trung - Tây Nguyên phải thuê kho dự trữ tại Quy Nhơn. Theo đó, lượng hàng phía nam ra cảng Hải Phòng giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, lượng hàng tồn kho tinh bột sắn đang ở con số khoảng 150 nghìn tấn trong đó có đơn vị tồn nhiều nhất cũng phải trên 20 nghìn tấn. Ví dụ Cty CP Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi tồn 27.000 tấn; Cty Thực phẩm và Đầu tư Fococev HCM tồn kho 25.0000 tấn.
Mấy năm gần đây cây sắn phát triển mạnh, được trồng rộng rãi từ Bắc tới Nam với tổng diện tích lên tới 560.000ha. Được Bộ Công thương đưa vào danh mục 10 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ đô la, sắn là mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu lớn thứ ba của VN sau gạo và cà phê.
Trước thực trạng “điêu đứng” của cây sắn VN, các bộ ngành hữu quan, chuyên gia trong ngành cho rằng: “DN cần có những biện pháp bám sát thị trường, linh hoạt kịp thời, tận dụng cơ hội thị trường mới để đẩy mạnh XK. Định hướng trong tương lai thay vì sản xuất và XK hàng loạt các sản phẩm nông sản giá rẻ, chưa qua chế biến, số lượng nhiều, chúng ta cần chuyển sang sản xuất những mặt hàng nông sản chất lượng cao đã qua chế biến, giá cao và hướng tới những thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, EU…
Còn theo bà Nguyễn Thị Thu Hằng - Tư vấn Trưởng đánh giá tiềm năng xuất khẩu, cho rằng: Thị phần của sắn Việt Nam trên thị trường thế giới đạt 27,3%. Điểm đáng mừng là thị trường xuất khẩu của sắn ngày càng được mở rộng, từ con số 59 nước và vùng lãnh thổ năm 2009, đã nhanh chóng tăng lên đến gần 100 vào năm 2012. Đây là nhóm ngành hàng có tiềm năng xuất khẩu cao, vì vậy ngoài những nỗ lực về xúc tiến thương mại đến các thị trường khác, cần tăng cường hỗ trợ về cơ sở hạ tầng và khoa học công nghệ cho ngành sắn, đặc biệt là cho chế biến tinh bột sắn và các sản phẩm từ sắn.
Nhật Minh
dđdn
|