20.000 tỉ đồng đến tay doanh nghiệp
Đây là số tiền được các ngân hàng ký kết cho doanh nghiệp vay với lãi suất ưu đãi thông qua chương trình kết nối do UBND TPHCM khởi xướng, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
Phát biểu tại hội nghị kết nối giữa ngân hàng (NH) và doanh nghiệp (DN) tổ chức sáng 8-8, ông Trần Ngọc Minh, Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh TPHCM, cho biết 7 tháng đầu năm, đơn vị này đã thực hiện 22 đợt ký kết với 24 quận - huyện với tổng số tiền cho vay trên 15.647 tỉ đồng. Trong chương trình bình ổn, 8 NH đã cho 68 DN vay 8.300 tỉ đồng. Ngoài ra, các NH còn cho 23 DN ở KCX-KCN vay 917,6 tỉ đồng; phối hợp với Sở Công Thương kết nối, hỗ trợ 98 khách hàng (trong đó có 92 DN) vay 5.093 tỉ đồng. Tại hội nghị, 11 NH đã ký kết hợp đồng tín dụng trực tiếp trị giá hơn 3.524 tỉ đồng cho 39 khách hàng.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng đánh giá chương trình đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho DN, phục hồi và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố phát triển; giảm bớt chi phí vốn và lãi vay cho DN. Chỉ trong 7 tháng đầu năm 2014, số DN tại các quận - huyện tiếp cận, vay vốn từ chương trình đã cao hơn cả năm 2013, tổng số vốn được vay cũng tăng cao (tổng cộng có 696 DN các quận - huyện được vay 15.647 tỉ đồng). Tính chung, kết quả thực hiện 7 tháng đầu năm 2014 đã vượt cả năm 2013 cả về lượng DN tham gia, giá trị hợp đồng vốn vay và đặc biệt là đối tượng vay vốn được mở rộng.
“Đến nay, chương trình kết nối NH - DN trên địa bàn đã cho vay 20.000 tỉ đồng, đạt kế hoạch năm 2014 thành phố giao. Tôi cho rằng đây là sự chuyển mình hết sức tích cực của hệ thống NH trong việc góp sức giúp DN vượt khó và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Từ kết quả này, trong 5 tháng cuối năm, thành phố tiếp tục giao NH Nhà nước Chi nhánh TPHCM, Sở Công Thương, Hiệp hội DN TPHCM và các quận - huyện hỗ trợ kết nối cho DN vay thêm 10.000 tỉ đồng. Cần chú ý để nguồn vốn đi sâu hơn vào các ngành công nghiệp hỗ trợ, các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực có hàm lượng giá trị gia tăng cao, DN nhỏ và vừa” - bà Hồng yêu cầu.
Theo ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN TPHCM, qua chương trình, các NH đã tích cực tham gia tháo gỡ khó khăn cho DN, đặc biệt là trong khâu tư vấn nên DN được tư vấn kỹ hơn, tiếp cận vốn vay dễ dàng hơn. Hiệp hội DN cũng trực tiếp đưa nhiều DN đến gặp NH, được NH tư vấn giải quyết nợ xấu. DN được tiếp cận nguồn vốn với lãi suất rất thấp, mạnh dạn vay vốn hơn và xây dựng chiến lược sử dụng dòng tài chính qua kết nối mang lại.
“Để chương trình phát triển tốt hơn nữa trong thời gian tới, cần sự gắn bó chặt chẽ hơn giữa NH và DN. Hầu hết các DN nhỏ và vừa khó viết được phương án tài chính để được duyệt vay vốn, không đủ tài sản hoặc tài sản đang thế chấp cho khoản vay nào đó. Nếu có 1 đơn vị hỗ trợ xử lý vấn đề này thì DN sẽ tiếp cận nguồn vốn nhanh hơn” - ông Hưng đề xuất.
Lãi suất thấp, điều kiện vay tốt
Bà Nguyễn Thị Phượng, kinh doanh quần áo thời trang ở chợ Bến Thành, cho biết bà được Sacombank giới thiệu về gói hỗ trợ vốn cho tiểu thương và vay từ chương trình kết nối hơn 1 tỉ đồng của NH này, thời hạn vay 2 năm để mua 2 sạp ở chợ Bến Thành. Tài sản thế chấp chính là sạp hàng.
“Trước đó, tôi cũng đã vay vốn ở Sacombank. So với lãi vay bình thường, lãi vay theo chương trình kết nối NH với tiểu thương thấp hơn, điều kiện cho vay tốt hơn. Sau khi trả dứt khoản này, nếu có nhu cầu, tôi sẽ tiếp tục vay” - bà Phượng nói.
|
Thanh Nhân
người lao động
|