Chuyên gia Bùi Trinh: Nuông chiều FDI sẽ có ngày phải trả giá!
Việc DN có vốn đầu tư nước ngoài bỏ trốn, chuyển giá có thể xem là minh chứng hùng hồn nhất về sự quản lý lỏng lẻo, yếu kém.
Ông Bùi Trinh đã phân tích dưới góc nhìn của người có nhiều năm làm trong công tác thống kê để thấy không nên nhìn vẻ hào nhoáng bề ngoài để nghĩ rằng chúng ta đang được nhiều khi trải thảm đỏ và ưu đãi quá mức đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Theo ông Trinh, việc tạo ra một sân chơi bằng phẳng giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn nước ngoài là cần thiết khi tham gia vào cuộc chơi kinh tế thị trường và hội nhập Quốc tế.
Minh chứng cho sự quản lý lỏng lẻo, yếu kém
PV: -Thưa ông, gần đây liên tiếp có những thông tin về DN có vốn đầu tư nước ngoài bỏ trốn. Trong năm 2013, báo cáo của Bộ KH-ĐT cho thấy các DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) bỏ trốn trên cả nước đã lên tới con số 500. Ông bình luận gì về điều này?
Ông Bùi Trinh: - Với cách ưu đãi quá mức và gần như vô điều kiện đối với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thì việc có những doanh nghiệp đầu tư nước ngoài lợi dụng sự dễ dãi khi kiếm đủ rồi bỏ đi gần như là đương nhiên, hoặc kể cả họ không bỏ trốn thì phía Việt Nam cũng được hưởng rất ít từ những doanh nghiệp này.
Trên thực tế số liệu từ Bộ tài chính cho thấy thu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng nhỏ. Từ năm 2010 tỷ lệ thu từ khu vực FDI nhỏ nhất trong 3 khu vực sở hữu (Nhà nước, ngoài Nhà nước và FDI) (đồ thị dưới) trong khi tỷ trọng xuất khẩu của khu vực này ngày càng lấn lướt khu vực trong nước.
Đến năm 2012 xuất khẩu của khu vực FDI chiếm trên 63% giá trị xuất khẩu hàng hóa (hình 2); trong khi thu ngân sách của khu vực này ngày càng giảm đi còn có khoảng 17% (không kể dầu khí) năm 2012.
Tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa của khu vực FDI và khu vực trong nước
Nguồn: Niên giám Thống kê
|
Nhiều chuyên gia thắc mắc về số liệu của Tổng cục Thống kê nhưng với báo cáo kiểu này thì việc tỷ trọng của khu vực FDI chỉ chiếm tỷ trọng 18% trong GDP trong khi tỷ trong xuất khẩu và giá trị sản xuất của khu vực này lớn lên nhanh chóng. Tổng cục Thống kê làm gì được khi họ báo cáo như vậy, những cơ quan quản lý trực tiếp như cơ quan thuế còn bó tay thì làm sao Tổng cục Thống kê (hoặc các cục Thống kê ở địa phương) có thể có được số liệu chính xác?
Như vậy rõ ràng có một điều gì đó ở đây cần được làm rõ. Khu vực FDI nếu không làm lan tỏa về công nghệ, lan tỏa đến sản xuất các sản phẩm phụ trợ của khu vực kinh tế trong nước và thu hút lao động không chỉ là lao động phổ thông (nhân công giá rẻ) thì họ có lợi nhuận hay không có ý nghĩa gì với người dân Việt Nam?
Có thể họ bỏ trốn vì một lý do nào đó hoặc có thể họ chuyển lợi nhuận về nước hoặc họ làm gì là quyền của họ, song đáng ra về mặt quản lý nhà nước phải thấy đây là một hồi chuông cảnh báo đối với khu vực kinh tế này.
Thu ngân sách của các thành phần kinh tế so với thu nội địa
Nguồn: Theo báo cáo của Bộ Tài chính
|
PV: - Không chỉ bỏ trốn, con số DN FDI trốn thuế, chuyển giá cũng đáng báo động. Tổng cục Thuế đã chỉ rõ khi thanh tra tại 870 DN FDI có tới 720 DN vi phạm trốn thuế, hoặc kêu lỗ không đóng thuế. Trong khi đó các DN này đang được nhận ưu đãi lớn (giảm thuế, đất đai, nhà xưởng, tín dụng…) tạo sân chơi bất công bằng khiến các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ không thể cạnh tranh được đã dẫn đến phá sản hoặc chết lâm sàng. Xét cả hai chiều hướng DN FDI và các DN trong nước đều dẫn đến kết luận kéo giảm nền kinh tế, ông có nhận xét gì về tình trạng lạ lùng này?
Ông Bùi Trinh: - Đây có thể xem là một minh chứng hùng hồn nhất về sự quản lý lỏng lẻo, yếu kém.
Nhìn việc thu thuế của các doanh nghiệp trong nước các cơ quan chức năng đã áp các biện pháp để thu rất triệt để và thành công kể cả những năm gần đây khi các doanh nghiệp khó khăn. Vậy thì không có lý do gì mà để các DN FDI trốn thuế. Vậy phải có vấn đề gì chứ?
Có thể dễ thấy những trường hợp làm ăn ra vào tấp nập, liên tục mở rộng sản xuất, mở thêm chi nhánh nhưng lại báo lỗ và trốn thuế là một minh chứng rõ ràng cho việc họ làm ăn được hay không.
Các địa phương không nên xem số việc thu hút FDI như một thành tích mà cần xem khu vực này lan tỏa đến công nghệ, đến các khu vực trong nước và lao động ra sao.
Không thể cứ FDI là vào bằng mọi giá!
PV: - Dù đã có nhiều cảnh báo của giới chuyên môn về việc chúng ta đang dành quá nhiều ưu đãi cho DN FDI, song thực tế này vẫn đang tiếp tục diễn ra và điển hình là câu chuyện của Formosa hay Bersa gần đây. Ông có cho rằng làn sóng “hớt váng” rồi rút êm sẽ diễn ra trong thời gian tới và bài học từ Thái Lan năm 1997 là một ví dụ?
Ông Bùi Trinh: - Trước khi có vụ lộn xộn ở Bình Dương, Đồng Nai và Hà Tĩnh đã có nhiều cảnh báo về cách quản lý các doanh nghiệp FDI.
Về chuyển giao công nghệ theo tính toán thông qua chỉ tiêu năng suất nhân tố tổng hợp thì đóng góp của nhân tố này vào tăng trưởng hầu như không có gì thậm chí là âm. Tính toán này tổng hợp từ số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy , đóng góp về TFP của khu vực này vào tăng trưởng không có gì do 2 yếu tố (1) do không hề có chuyển giao công nghệ (2) do sự chuyển giá của các doanh nghiệp loại này; về lao động cũng không thu hút được bao nhiêu và nến nhìn từ lượng chi trả sở hữu thuần (net, property income) năm 2012 so với 2000 xấp xỉ khoảng 23 lần là việc nghiệm trọng và cần cảnh báo cách quản lý khối này.
Việc tẳng trưởng của khối này có thể làm tăng trưởng một chỉ tiêu phù phiếm là GDP nhưng làm chỉ tiêu thực chất hơn giảm đi đáng kể.
Trong khi đó các địa phương vẫn chạy theo thành tích thu hút FDI như một phong trào bất kể hậu quả ra sao. Và nhất là sau khi xảy ra các vụ lộn xộn ở 3 tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Hà Tĩnh hồi tháng 5 vừa qua thì dường như sự kêu gọi đầu tư nước ngoài bằng mọi giá đang quay trở lại.
Những cảnh báo từ giới chuyên gia đã nhanh chóng rơi vào quên lãng và luồng tiền và của cải trong nước lại nhanh chóng chảy ra nước ngoài.
Song phải thấy rằng chính sự ưu đãi quá mức sẽ dẫn đến một lúc nào đó chúng ta không còn đáp ứng được thì họ sẽ rút đi khi túi tiền đã được đong đầy. Nếu cứ làm nghiêm chỉnh bài bản, làm ăn ngay ngắn thì các doanh nghiệp sẽ phải đổ công sức đầu tư và không thấy dễ dàng khi rút bỏ.
Chúng ta cứ hình dung trong một gia đình có đứa con được nuông chiều quá mức mà không có biện pháp giáo dục nghiêm khắc thì đến một lúc nào đó sẽ sinh hư, thậm chí chính cha mẹ của nó sẽ phải trả giá vì sự chiều chuộng đó.
Cho nên tôi cho rằng ngay từ đầu phải tạo một sân chơi bằng phẳng và ngay ngắn.
PV: - Ông có kiến nghị và cảnh báo gì trước thực trạng này?
Ông Bùi Trinh: - Phải có ràng buộc chứ không phải cứ FDI là vào bằng mọi giá và muốn gì được đó. Quan trọng hơn là phải tạo một sân chơi bằng phẳng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI.
Giữa các khu vực sở hữu với nhau phải được ưu đãi như nhau thì mới gọi là thị trường. Còn chơi kiểu ăn gian cho không hàng xóm rồi “bóp” người trong nhà thì để được gì?
Hiện theo cách tính GDP của LHQ theo nguyên tắc thường trú thì tất cả phần giá trị gia tăng của khu vực FDI đều được tính vào GDP, nhưng khi họ chuyển lợi nhuận về nước hầu như không ai nghĩ đến.
Ví dụ như khai thác dầu khí thì toàn bộ giá trị gia tăng của hoạt động này được tính vào GDP của Việt Nam nhưng khi chuyển 49% trả cho đối tác thì phải trừ ra khỏi GDP và như đã nói việc tăng trưởng GDP trong trường hợp này hầu như không có ý nghĩa với người dân Việt Nam.
Điều này liên tưởng đến một gia đình và tài nguyên giống như của cải của tổ tiên để lại cho con cháu, nhưng vì các cụ cất rất kỹ nên phải nhờ hàng xóm phá khóa để lấy hộ. Xong sau đó lại đi khoe với thiên hạ rằng gia đình tôi năm nay thu nhấp khá lắm?
Khi lấy được của cải ra phải chia cho hàng xóm một nửa; như vậy có ai vui mừng vì của cải mất của mình do ông cha để lại mất đi một nửa?
Theo số liệu trong niên giám Thống kê thì luồng tiền chi trả ra nước ngoài thuần ( thu nhập từ sở hữu trừ (-) chi trả sở hữu) năm 2012 tăng 23 lần so với năm 2000; tuy nhiên không phải hoàn toàn số tiền này là do khu vực FDI chuyển về nước nhưng đó cũng là phần đóng góp cho việc luồng tiền trong nước chảy ra nước ngoài ngày càng tăng.
Có người nói rằng khu vực FDI thu hút nhiều lao động nhưng theo số liệu TCTK tỷ lệ lao động của khu vực này chiếm trong tổng lao động cũng không đáng bao nhiêu so với 2 khu vực sở hữu trong nước là Nhà nước và ngoài Nhà nước.
Vì thế cần phải nhìn lại khu vực kinh tế này một cách công bằng hơn để nền kinh tế được đánh giá đúng bản chất và có cách ứng xử phù hợp.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Bích Ngọc (thực hiện)
Đất Việt
|