Thời của công nghiệp hỗ trợ
Trong một cuộc hội thảo mới đây, ông Trương Anh Hoài - Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) cho biết, gần đây hãng Samsung có nhu cầu được cung ứng 150 loại linh kiện cho sản xuất điện thoại di động. Tuy nhiên, qua khảo sát của Bộ, không có DN Việt Nam nào đủ khả năng đáp ứng điều kiện bởi nếu chỉ để sản xuất được vỏ điện thoại thì DN phải đầu tư công nghệ, phần mềm có chi phí khoảng 500 triệu USD.
Việc Bộ Công Thương soạn thảo Nghị định phát triển ngành CNHT và dự kiến sẽ trình Chính phủ ban hành vào tháng 10 tới đây với hàng loạt ưu đãi về vốn, đất đai, thuế... được các DN kỳ vọng sẽ là “đòn bẩy” quan trọng
|
Câu chuyện ông Hoài kể có lẽ cũng là thực trạng của hầu hết các DN công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Việt Nam, bởi thiếu vốn để đổi mới, đầu tư công nghệ đang là điểm yếu cốt lõi khiến cho “chiếc xe” CNHT của Việt Nam vẫn ì ạch leo dốc trong nhiều năm qua…
Thuốc vốn chữa “căn bệnh kinh niên”
Thực ra, không chỉ Samsung, mà cả Intel, Canon, Panasonic… những DN FDI XK hàng đầu tại Việt Nam đã rất nhiều lần lên tiếng về việc không thể tìm kiếm được các nhà cung cấp đáp ứng được nhu cầu về nguyên phụ liệu cho họ. Cũng không dưới một lần, các DN Nhật Bản khi muốn đầu tư vào Việt Nam than thở về sự thiếu hụt của CNHT và đây là rào cản lớn khiến họ còn “lăn tăn” trong các quyết định đầu tư. Trong khi đó, theo đại diện của JETRO tại TP HCM), CNHT của Việt Nam chỉ đáp ứng được gần 32% nhu cầu sản xuất cho các Cty của Nhật, trong khi tỷ lệ này ở Thái Lan là 53%, Trung Quốc là 64%.
Như đã nói ở trên, thiếu vốn là “căn bệnh” kinh niên của các DN CNHT Việt Nam trong nhiều năm nay. Trong khi đó, lý do khiến các DN khó tiếp cận nguồn vốn phát triển là phần lớn các DN Việt Nam có qui mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Nhu cầu vay vốn của các DNNVV để sản xuất sản phẩm tương đối nhỏ nên các ngân hàng thường không mặn mà với việc thẩm định và cho các DN này vay. Chính vì vậy, trong dự thảo Nghị định về phát triển CNHT do Bộ Công Thương soạn thảo và đang lấy ý kiến DN đã đề cập việc thành lập Quỹ đầu tư CNHT trực thuộc Bộ Công thương với ngân sách dự kiến là 2.000 tỷ đồng trong 3 năm đầu, tính từ thời điểm Nghị định ban hành. Theo Bộ Công Thương, mục tiêu của việc thành lập Quỹ là huy động tối đa các nguồn vốn đầu tư trong nước và ngoài nước vào sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Đẩy nhanh phát triển số lượng và của DN trong lĩnh vực CNHT, cơ bản đáp ứng nhu cầu trong nước về sản phẩm công nghiệp hỗ trợ khoảng 45% đến năm 2020 và 60% đến năm 2025. Qũy này sẽ tiếp nhận, quản lý và sử dụng các nguồn tài chính trong và ngoài nước để thực hiện các hoạt động tín dụng, hỗ trợ tài chính, bảo lãnh tín dụng cho DN CNHT theo quy định của pháp luật. Đồng thời, ủy thác cho các tổ chức tín dụng cho vay ưu đãi các tổ chức, cá nhân hoạt động CNHT, có dự án sản phẩm CNHT...
Có lẽ đây cũng là mức ưu đãi vốn lớn chưa từng có đối với ngành CNHT trong nhiều năm qua nhằm giải quyết điểm “nghẽn” được cho là lớn nhất của ngành. Cụ thể, hai năm đầu tiên mỗi năm được cấp 500 tỷ đồng, năm thứ ba cấp 1.000 tỷ đồng, việc tăng vốn điều lệ của Quỹ do Thủ tướng Chính phủ quyết định trên cơ sở đề nghị của Bộ Công thương sau khi thống nhất với Bộ Tài chính…
Thúc đẩy CNHT cơ khí phát triển
Theo TS Võ Thanh Thu, Trường Đại học Kinh tế TP HCM, phát triển CNHT tại Việt Nam phải hướng tới các ngành công nghiệp chủ lực của đất nước và các ngành thu hút mạnh nguồn vốn FDI. Cụ thể đó là các ngành, cơ khí - điện tử, lắp ráp máy…
Nhận định của TS Thu cũng cũng phù hợp với nhận định của các DN Châu Âu về ngành cơ khí chế tạo của VN. Thị trường châu Âu đánh giá, mức độ cạnh tranh chế tạo toàn cầu của ngành cơ khí chế tạo VN đứng thứ 15, dự kiến 2017 sẽ đứng ở vị trí thứ 10. Trong khi đó, một cuộc điều tra tại 14 ngàn DN cơ khí Hà Lan gần đây cho thấy, Việt Nam đứng hàng thứ 5 các DN cơ khí nước này này muốn hợp tác, nhất là CNHT trong các lĩnh vực ôtô, điện tử…
Cơ hội là vậy, song để tận dụng được cũng không phải là dễ dàng khi mà tính cạnh tranh, liên kết… của các DN phụ trợ cơ khí Việt Nam vẫn bị đánh giá là thấp. Theo GS TS Phạm Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch Hội cơ khí TP HCM, để phát triển thì ngành CNHT cơ khí cần có một liên minh bao gồm từ khâu nghiên cứu phát triển, đào tạo, gia công, đầu tư, cung cấp vật tư, thiết bị… liên kết lại để sản xuất một nhóm sản phẩm chủ lực trong một vùng địa lý. Mô hình này trên thế giới đã có nhiều nước thực hiện thành công, gần nhất là Thái Lan là một ví dụ điển hình, bắt đầu ngành công nghiệp ôtô từ hai bàn tay trắng, nhưng hiện nay Thái Lan đang XK 2 triệu ôtô mỗi năm với 2.000 Cty thuộc liên minh CNHHT. Vị GS này cũng cho biết, mô hình này đã được manh nha từ 5 - 7 năm nay nhưng số lượng DNVN sẵn sàng tham cũng mới chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Như vậy, dù nhìn dưới bất kỳ góc độ nào cũng đều cho thấy, đã đến lúc cần nhìn thẳng và có những hành động cụ thể để thúc đẩy ngành CNHT phát triển. Đặc biệt, trong bối cảnh VN hiện là địa chỉ đầu tư hấp dẫn cho các nhà sản xuất quốc tế trong các lĩnh vực cơ khí, ôtô, điện tử…. Việt Nam cũng đang đứng trước ngưỡng cửa của Cộng đồng kinh tế ASEAN, trong đó có cả những cơ hội và thách thức đối với các nhà sản xuất, đặc biệt là các nhà sản xuất trong ngành CNHT.
Vì vậy, việc Bộ Công Thương soạn thảo Nghị định phát triển ngành CNHT và dự kiến sẽ trình Chính phủ ban hành vào tháng 10 tới đây với hàng loạt ưu đãi về vốn, đất đai, thuế… được các DN kỳ vọng sẽ là “đòn bẩy” quan trọng. Bởi hơn bao giờ hết, ngành CNHT, đặc biệt là CNHT cơ khí, điện tử… đang cần nhanh chóng hiện đại hóa công nghệ, đào tạo lao động chất lượng cao để sớm có thể sản xuất những sản phẩm đủ tiêu chuẩn tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Quốc Anh
Diễn đàn doanh nghiệp
|