Thứ Hai, 18/08/2014 06:45

Kém hiệu quả vẫn hấp dẫn

Hòa mình trong xu hướng cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước khỏi nhiều doanh nghiệp, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) khu vực phía Nam đã tổ chức hội thảo bán vốn vào đầu tháng 8 này. Trước mắt, SCIC phía Nam sẽ thoái vốn khỏi 71 doanh nghiệp trong số khoảng 400 doanh nghiệp mà tổng công ty này đang nắm giữ. Tuy nhiên, thoái vốn vào lúc này có vẻ không mấy thuận lợi cho SCIC khi nền kinh tế vẫn còn khó khăn và thị trường chứng khoán niêm yết đang có quá nhiều sự lựa chọn.

Hiện tại, nhà đầu tư đã thận trọng hơn nhiều so với trước đây, ngay cả đối với những mặt hàng được đánh giá là tương đối tốt. Bằng chứng là hàng loạt công ty có kết quả kinh doanh khả quan, nhưng cổ phiếu vẫn ì ạch giao dịch dưới mệnh giá. Công ty Cổ phần Đầu tư và Sản xuất Việt - Hàn (VHG) có hệ số ROE (lợi nhuận/vốn chủ sở hữu) khá cao, lên đến 21% nhưng giá đóng cửa ngày 15.8 chỉ ở mức khiêm tốn 9.900 đồng/cổ phiếu.

Tương tự, Công ty Cổ phần Tập đoàn Thép Tiến Lên (TLH) dù có ROE năm 2013 đạt 13%, nhưng 3 năm nay hiếm khi nào cổ phiếu được giao dịch trên mệnh giá. Đây là một lý do cho sự ế ẩm của nhiều đợt phát hành lần đầu ra công chúng (IPO) kể từ đầu năm nay đến nay.

Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp), chẳng hạn, chỉ bán đấu giá thành công gần 1,6 triệu cổ phần, chiếm 3% số lượng chào bán. Hay như Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Vận tải và Xếp dỡ đường thủy nội địa chỉ bán được hơn 24.000 cổ phần trong số 2,5 triệu được đem ra đấu giá. Và 13% lượng cổ phần đưa ra đấu giá được giao dịch thành công là kết quả của Cienco 5, với mức giá bình quân khoảng 10.000 đồng/cổ phần.

Những điều này cho thấy việc thoái vốn của SCIC cũng như nhiều doanh nghiệp nhà nước khác ít nhiều sẽ gặp trở ngại, nhất là đối với các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh không mấy khả quan.

Lấy ví dụ về Công ty Cổ phần In Nông nghiệp, một công ty có mặt trong danh sách thoái vốn lần này của SCIC. In Nông nghiệp hoạt động trong 2 lĩnh vực chính là in và bất động sản. Trước đây, khi hầu như các bộ ngành và ủy ban nhân dân tỉnh đều có công ty in thì In Nông nghiệp cũng ra đời, trong đó SCIC sở hữu đến 90% vốn điều lệ (tương đương 9 tỉ đồng). Tuy nhiên, hiện nay, ngành in đang bị cạnh tranh khốc liệt bởi các công ty tư nhân, khiến In Nông nghiệp gặp khó. Doanh thu của Công ty luôn thấp, bình quân trong 4 năm gần đây chỉ xấp xỉ 14 tỉ đồng trong khi ROE chỉ đạt 3,52%/năm.

Một công ty khác nằm trong danh sách thoái vốn lần này của SCIC là Công ty Cổ phần Docimexco với vốn điều lệ 132 tỉ đồng (SCIC nắm hơn 20% vốn). Docimexco kinh doanh bất động sản bên cạnh kinh doanh nông - thủy sản, thức ăn gia súc và phân bón.

Theo thông tin công bố trên website của SCIC, tổng lợi nhuận sau thuế của Docimexco âm liên tục kể từ năm 2012 đến quý I/2014. Đáng chú ý, số lỗ trong năm 2013 lên đến 135 tỉ đồng, gấp 3 lần khoản lỗ của năm 2012. Cơ cấu vốn của Công ty cũng bất cân đối khi tổng nguồn vốn chủ yếu được tài trợ bằng vốn vay, chiếm bình quân khoảng 90% trong nhiều năm liên tiếp.

Theo công bố chính thức, giá bán khởi điểm của Docimexco là 10.000 đồng/cổ phần và sẽ được bán vào ngày 9.9 tới. Còn giá bán của In Nông Nghiệp sẽ được công bố trong tháng 8 này. Một chuyên gia đầu tư chứng khoán tại TP.HCM (không muốn nêu tên) cho rằng SCIC có thể sẽ định giá mỗi cổ phần In Nông nghiệp khoảng 26.000-28.000 đồng.

Vậy đâu là điểm hấp dẫn của những doanh nghiệp kinh doanh kém hiệu quả nói trên để SCIC có thể tự tin định giá cho các cuộc đấu giá sắp tới?

Điểm sáng duy nhất của các doanh nghiệp này chính là đang nắm giữ nhiều mảnh đất rộng lớn, có vị trí tại trung tâm thành phố. In Nông nghiệp sở hữu 2 mảnh đất có giá trị cao. Một khu đất có diện tích nhỏ (gần 90 m2) nhưng lại nằm trên mặt tiền đường Hai Bà Trưng, quận 3. Một khu khác tại Kha Vạn Cân, quận Thủ Đức với diện tích hơn 5.000 m2. Theo đại diện SCIC, toàn bộ khu vực quanh lô đất tại Thủ Đức đã được giải tỏa và lô đất này được quy hoạch là đất ở, trị giá khoảng 45-50 tỉ đồng.

Docimexco cũng đang quản lý và sử dụng đến 46 lô đất với tổng diện tích gần 548.000 m2. Trong đó, có 41 lô đất thuê trả tiền hằng năm và 5 lô đất giao. Các lô đất giao có diện tích gần 82.000 m2 và được phân bổ tại nhiều nơi trong tỉnh Đồng Tháp.

Theo quy định tại Điều 63, Nghị định số 181/2004/NĐ-CP của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai, quyền sử dụng đất của doanh nghiệp nhà nước được Nhà nước giao đất, cho thuê đất phải được tính vào giá trị tài sản doanh nghiệp khi cổ phần hóa. Giá trị đất đai này phải được ước tính sát với giá thị trường, nhưng không được thấp hơn giá do ủy ban nhân dân tỉnh quy định. Đây là căn cứ để SCIC cũng như các doanh nghiệp nhà nước định giá cổ phiếu khi cổ phần hóa.

Như vậy, dù In Nông Nghiệp có lợi nhuận thấp hay Docimexco kinh doanh thua lỗ nhiều năm, nhưng nhờ vào giá trị của các quyền sử dụng đất mà giá cổ phiếu của các công ty này sẽ được “cứu”.

Hoàng Điền

Nhịp cầu đầu tư

Các tin tức khác

>   Thời của công nghiệp hỗ trợ (18/08/2014)

>   DN phân phối nỗ lực đưa hàng Việt vào siêu thị (17/08/2014)

>   Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói về đặc khu kinh tế Phú Quốc (17/08/2014)

>   Xuất khẩu gia súc từ Australia sang Việt Nam tăng ấn tượng (17/08/2014)

>   Đội tàu nghìn tỷ đánh cá Biển Đông bị từ chối nhập khẩu (17/08/2014)

>   Chuyện láng giềng kinh doanh sòng bạc (17/08/2014)

>   Thắng cảnh Mo So: Không ai dám đầu tư vì ngại mỏ đá vôi (16/08/2014)

>   Dự thảo nghị định casino và chuyện “ông đưa chân giò…” (16/08/2014)

>   Thương mại điện tử ở Việt Nam chưa đáp ứng tốc độ phát triển (16/08/2014)

>   Yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân nguồn vốn ODA (16/08/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật