Xây dựng Luật Hỗ trợ DNNVV trên kinh nghiệm Nhật, Hàn
Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đã được đặt viên gạch đầu tiên khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư lắng nghe kinh nghiệm của chuyên gia đến từ hai nước Nhật Bản và Hàn Quốc tại một cuộc hội thảo vừa diễn ra tại Hà Nội.
Báo Hải quan có cuộc trao đổi với ông Hồ Sỹ Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan soạn thảo dự luật này về một số thông tin ban đầu của dự thảo Luật.
Ông Hồ Sỹ Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp,
Bộ Kế hoạch và Đầu tư
|
Trên cơ sở nào mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư lựa chọn hai quốc gia là Nhật Bản và Hàn Quốc để học tập và chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng Luật Hỗ trợ DNNVV, thưa ông?
Tại Việt Nam, vấn đề hỗ trợ DNNVV đã được đề cập đến 10-15 năm nay nhưng vấn đề này trên thế giới đã được đặt ra 50-60 năm nay là một quá trình rất dài. Kinh nghiệm cho thấy bất cứ quốc gia nào cũng cần phát triển DNNVV đặc biệt là có trách nhiệm của Nhà nước và Chính phủ trong việc hỗ trợ DNNVV.
Trong quyết định của Thủ tướng về kế hoạch phát triển DN 5 năm 2011-2015, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch Đầu tư xây dựng dự án về Luật Hỗ trợ DNNVV và việc Bộ Kế hoạch Đầu tư lắng nghe ý kiến chuyên gia hai nước Nhật Bản và Hàn Quốc là bước đầu tiên trong việc thực hiện đề án xây dựng Luật Hỗ trợ DNNVV.
Kinh nghiệm của hai quốc gia Nhật Bản và Hàn Quốc có lẽ là điểm xuất phát tốt cho Việt Nam bởi đây là hai nước có bề dầy cũng như có kết quả tốt trong hỗ trợ DNNVV thời gian vừa rồi cho thấy một nền kinh tế phát triển năng động và có sự phát triển nhanh. Đây là quốc gia mà chúng tôi đã lựa chọn và coi là bước khởi động quan trọng thực hiện nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ giao.
Trong những kinh nghiệm của Nhật Bản và Hàn Quốc, kinh nghiệm nào hợp lý với Việt Nam?
Nhật Bản và Hàn Quốc có kinh nghiệm hỗ trợ DNNVV khá lâu, phù hợp với đặc điểm của DNNVV của Nhật Bản và Hàn Quốc. Khi áp dụng cho Việt Nam, có những trường hợp phù hợp, có những trường hợp chắc phải sắp xếp lại phù hợp với điều kiện của Việt Nam, đặc biệt là xuất phát điểm về nền kinh tế của Việt Nam còn thấp, năng lực của các DNNVV yếu và khả năng liên kết chưa cao, trong khi nguồn lực của Nhà nước chưa phải là nhiều và nhận thức về hỗ trợ DNNVV của Việt Nam chưa tốt. Như vậy học kinh nghiệm của các nước nhưng chúng ta cũng phải có sự suy xét cho phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Tuy nhiên có thể điểm ra một số kinh nghiệm rất tốt cho Việt Nam.
Ví dụ như cách nhìn nhận về vai trò của DNNVV của Nhật Bản và Hàn Quốc là có sự thay đổi theo từng thời kỳ, chứng tỏ vai trò của DNNVV ngày càng có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội. Nhật Bản những năm 1940-1945 mới chỉ xem xét việc hỗ trợ DNNVV dưới góc độ là những DN có nhiều điểm yếu và bất lợi so với DN lớn và Chính phủ Nhật đã cố gắng có những hoạt động hỗ trợ khối DN này.
Nhưng tới những năm 1960-1965 Nhật Bản đã thay đổi góc nhìn, cho rằng DNNVV đóng vai trò nền tảng, là động lực cho sự phát triển của nền kinh tế Nhật Bản. Đó là một sự thay đổi căn bản về nhận thức.
Đến những năm 1990 Nhật Bản đã nhìn nhận rất rõ vấn đề, DNNVV là khởi nguồn cho sự sáng tạo, sự linh hoạt trong hoạt động kinh doanh và có thể tạo ra những ngành công nghệ hay ngành kinh doanh mới. Đấy là sự thay đổi đúng trong cách nhìn về vai trò của DNNVV, từ đó có chính sách tương ứng để hỗ trợ DN phù hợp với mục tiêu và cách nhìn. Tôi nghĩ rằng cách nhìn như vậy rất tốt và là kinh nghiệm cho Việt Nam.
Dự kiến quá trình xây dựng Luật sẽ diễn ra như thế nào và trong bao lâu, thưa ông?
Trách nhiệm xây dựng luật là của Chính phủ còn thẩm quyền ban hành luật là Quốc hội, tuy nhiên là người thực hiện và cũng là cơ quan có trách nhiệm quản lý trong phát triển DNNVV, chúng tôi sẽ cố gắng để xây dựng và ra đời Luật này trong thời gian sớm nhất.
Tuy nhiên theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chúng ta sẽ phải trải qua khá nhiều bước theo quy định. Cụ thể phải xây dựng đề án đề xuất xây dựng luật trình Chính phủ, rồi đề nghị Quốc hội, sau khi được Quốc hội chấp nhận đưa vào chương trình xây dựng luật, trên cơ sở đó mới xây dựng dự thảo luật, lấy ý kiến các cơ quan ban ngành, cộng đồng DNNVV, tiến tới trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua. Theo trình tự như vậy phải mất 2-3 năm mới hoàn thành được dự án luật này để trình ra Quốc hội.
Hai luật gồm Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật Hỗ trợ DNNVV đều có cùng đối tượng là cộng đồng DN trong đó phần đông là DNNVV (DNNVV chiếm tới 98-99% về quy mô vốn). Tuy nhiên mục tiêu là khác nhau.
Luật DN đưa ra hành lang pháp lý cơ bản để DN có thể hình thành, tham gia hoạt động trên thương trường một cách bình đẳng có trách nhiệm. Còn Luật Hỗ trợ DNNVV có mục đích là những hoạt động hỗ trợ DNNVV theo các mục tiêu ưu tiên có trọng tâm trọng điểm mà Chính phủ đã đặt ra.
|
An Tư (thực hiện)
hải quan
|