Xăng tăng giá: Chưa ảnh hưởng nhiều đến thị trường
Trong 10 ngày qua, xăng liên tục tăng giá khiến nhiều người lo ngại các mặt hàng thiết yếu tăng theo. Tuy nhiên, khảo sát tại các chợ và siêu thị, hiện giá cả các mặt hàng vẫn ổn định.
Giá cả bình thường
Trong 6 tháng đầu năm, thị trường xăng dầu đã có 9 lần điều chỉnh, tổng cộng 5 lần tăng giá xăng là 1.440 đồng/lít, và giá dầu các loại lại thường có sự điều chỉnh giảm. Mới đây, ngày 7-7, giá xăng lại được điều chỉnh tăng thêm 410 đồng/lít và lập kỷ lục về giá cao nhất từ trước đến nay khi leo lên mức 25.640 đồng/lít. Với đợt tăng giá lần này, chỉ trong vòng 1 tháng trở lại đây giá xăng đã tăng 2 lần. Trước đó, vào ngày 23-6, xăng tăng 330 đồng/lít, dầu hỏa tăng 170 đồng/lít, dầu mazut tăng 270 đồng/lít.
Xăng dầu luôn là một mặt hàng có ảnh hưởng trực tiếp đến giá cả các loại hàng hóa trên thị trường. Xăng tăng kéo theo chi phí đi lại, vận chuyển tăng. Tuy nhiên, một thông tin đáng mừng là đến thời điểm này tại các chợ trên địa bàn Hà Nội, giá cả các mặt hàng rau xanh, củ quả vẫn chưa có dấu hiệu tăng. Một người bán hàng tại chợ Nhân Hòa, Hà Nội cho biết, giá rau củ các loại vẫn bình thường, riêng chỉ có cà chua bị tăng giá mạnh lên khoảng 23.000-25.000 đồng/kg do cà chua Trung Quốc không còn được nhập về nữa. Hơn nữa, thời tiết hiện nay ở miền Bắc cũng khá tốt cho rau củ phát triển, loại nào càng đang vào mùa thì giá càng rẻ.
Trong cuộc họp báo thường ký quý II-2014 của Bộ Tài chính, Cục Quản lý giá cho biết sẽ ưu tiên nhóm giải pháp để điều hành giá xăng dầu trong 6 tháng cuối năm theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước theo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Như vậy, người tiêu dùng nên lạc quan và hy vọng sẽ không gặp phải những đợt tăng giá bất hợp lý, gây ảnh hưởng đến đời sống hàng ngày.
|
Khảo sát tại nhiều siêu thị trên địa bàn Hà Nội, hầu hết các mặt hàng không có sự tăng giá bất thường, các siêu thị vẫn tung ra nhiều chiêu khuyến mãi, giảm giá để kích thích sức mua.
Ông Bùi Đức Thành, Giám đốc điều hành Công ty Thực phẩm sạch O2 cho biết, giá xăng dầu tăng không gây ảnh hưởng đến hoạt động của công ty do công ty sử dụng xe chạy dầu nên chi phí tăng lên không đáng kể, vì vậy, hiện tại các mặt hàng thịt cá tươi sống không có sự điều chỉnh tăng. Hơn nữa, mối quan tâm nhiều nhất của các DN thực phẩm hiện nay là dịch bệnh, nếu có dịch bệnh gì thì thịt cá sẽ tăng mạnh chứ xăng dầu không ảnh hưởng mấy, trừ khi giá xăng dầu tăng lên quá cao.
Cũng theo ông Bùi Đức Thành, giá cả các mặt hàng thực phẩm khi bán vào siêu thị đã có sự thỏa thuận để bình ổn nên nếu các nhà cung cấp không tăng giá thì siêu thị cũng sẽ không được tăng.
Người tiêu dùng tạm yên tâm
Bên cạnh những mặt hàng nhu yếu phẩm như rau xanh, thịt cá, người tiêu dùng cũng rất quan tâm đến lĩnh vực vận tải như xe ôm, xe taxi, xe khách hay các dịch vụ thuê xe. Đây là những loại hình dịch vụ dễ bị chịu tác động nhất mỗi khi có sự điều chỉnh tăng giá xăng dầu.
Trước những thông tin về việc một số DN taxi đang có kiến nghị xin điều chỉnh tăng giá cước lên từ 500-1.000 đồng/km, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho biết, các DN muốn tăng giá cước cần thực hiện nhiều thủ tục với cơ quan Nhà nước nên phải cân nhắc kỹ. Hiện các DN vận tải vẫn đang giữ giá, chưa có điều chỉnh tăng.
Còn đối với các hoạt động vận tải tự do như xe ôm hay xe taxi dù, tăng giá xăng đang trở thành nguyên nhân chính để tài xế lấy thêm cước phí của người sử dụng. Chị Phương Thảo (Long Biên, Hà Nội) cho biết, nếu như trước đây, chị đi xe ôm từ khu nhà chị đến ga Hà Nội là 30.000 đồng/lần thì mấy ngày gần đây, chị phải đi với giá 35.000 đồng/lần do bác xe ôm dù đã quen mặt lấy lý do xăng tăng để tăng tiền.
Như vậy, có thể thấy, trước tình hình giá xăng có những biến động như hiện nay, người tiêu dùng vẫn có thể tạm yên tâm trước giá thành của những mặt hàng nhu yếu phẩm như hiện nay. Tuy nhiên, nếu xăng dầu còn tiếp tục điều chỉnh tăng lên thì các sản phẩm khó có thể giữ được mức giá ổn định.
Hương Dịu
hải quan
|