PCI, chuyện của một tỉnh “đội sổ”
Nhận vị trí "đội sổ" trong xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2013, Tuyên Quang trở thành câu chuyện điển hình cho sự kém cỏi trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Thậm chí, với điểm số 48,98 điểm, là tỉnh duy nhất có điểm số dưới 50, nhiều người cảm thấy lo lắng cho tỉnh nghèo miền núi này trong hành trình phía trước.
Sản xuất thép tại nhà máy phôi thép Hằng Nguyên, một doanh nghiệp tại Tuyên Quang
|
Tuy nhiên, “người đội sổ” dường như đang thức tỉnh, khi mà việc tăng điểm và tăng hạng trong PCI không chỉ là nhu cầu tự thân của tỉnh, mà còn là một nội dung đã được “nghị quyết hóa”, qua đó trở thành một thước đo năng lực những người lãnh đạo.
Cuộc cà phê lịch sử
Tuần trước, chương trình mang tên “Cà phê Doanh nhân” đã được Tuyên Quang tổ chức tại một khách sạn. Đứng ra tổ chức chương trình này là Ban Chỉ đạo thực hiện chương trình hành động cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
Sự kiện này ít nhiều gây ngạc nhiên cho giới doanh nhân Tuyên Quang, khi có tới hai phó chủ tịch UBND tỉnh đến dự để đối thoại với các doanh nghiệp, điều khá hiếm thấy trước đó.
Chương trình “Cà phê Doanh nhân” được giới thiệu là nhằm "tạo môi trường cho các doanh nghiệp trên địa bàn và những khách mời gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ, chia sẻ thông tin thị trường và thực hiện các giao dịch trong cung cấp, sử dụng dịch vụ, hàng hóa của doanh nghiệp với doanh nghiệp; đồng thời tạo kênh thông tin đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp, triển khai và thúc đẩy quá trình xúc tiến đầu tư tại chỗ".
Phó chủ tịch Tuyên Quang, ông Trần Ngọc Thực, cho hay chương trình này được tổ chức để lắng nghe tiếng nói doanh nghiệp, và kỳ vọng rằng đây sẽ là nơi để các doanh nghiệp trao đổi, đối thoại với các cơ quan quản lý nhà nước về những khó khăn liên quan đến chủ trương, chính sách, môi trường đầu tư kinh doanh.
“Cà phê” tới đây cũng sẽ không phải là việc “làm cho có”. Ông Thực nói, chương trình được duy trì thường xuyên trong thời gian tới, đảm bảo là kênh thông tin hữu ích của cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam, Giám đốc Dự án PCI, để khẳng định được năng lực cạnh tranh của mình, Tuyên Quang và các tỉnh thành không có cách nào khác là phải tạo môi trường thu hút đầu tư thông thoáng bằng cách rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư.
“Việc tạo một diễn đàn cho các nhà lãnh đạo và các nhà doanh nghiệp ngồi lại với nhau trong một không gian gần gũi sẽ là cơ sở để có được tiếng nói chung, giải quyết được bài toán vướng mắc, tồn tại bấy lâu là làm thế nào để cải thiện chỉ số PCI một cách tốt nhất”, ông Tuấn nói.
Theo Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, ông Đỗ Nhất Hoàng, Tuyên Quang là tỉnh có lợi thế về nguồn nhân lực dồi dào, có điều kiện tự nhiên phù hợp với sản xuất chế biến nông, lâm sản, tài nguyên khoáng sản phong phú... “Chỉ cần các doanh nghiệp tận dụng thật tốt những lợi thế đó và phát huy các thế mạnh của một tỉnh miền núi là đã thành công rồi”, ông Hoàng nói.
Trong khi đó, ông Hoàng Ngọc Hải, Giám đốc Công ty TNHH Chè Thanh Bình, việc tổ chức được chương trình "Cà phê Doanh nhân" là hoạt động thiết thực đối với cộng đồng doanh nghiệp. “Đây chính là diễn đàn giúp doanh nghiệp có thể chia sẻ những vướng mắc, là cầu nối giữa doanh nghiệp và các nhà quản lý thuận tiện”, ông Hải nhấn mạnh.
Áp lực cải cách
Tháng trước, UBND tỉnh Tuyên Quang đã ban hành kế hoạch hành động cải thiện chỉ số PCI, một động thái quan trọng tiếp theo việc hồi đầu năm, tỉnh này cũng đã ban hành chương trình hành động cải thiện PCI tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2013-2015.
Mục tiêu cụ thể của Tuyên Quang là “vượt điểm trung bình”, theo đó trong năm 2014, tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, phấn đấu trong năm đạt 55 điểm trên 10 chỉ số.
Để làm được điều này, các đầu việc chi tiết để cải thiện điểm cho từng chỉ số thành phần đã được liệt kê chi tiết và giao trực tiếp cho các cấp sở ngành.
Riêng với chỉ số “Tính năng động và tiên phong của lãnh đạo, chính quyền tỉnh”, Tuyên Quang xác định sẽ “định kỳ tổ chức gặp gỡ, trao đổi với doanh nghiệp thông qua các hội nghị, hội thảo để lắng nghe ý kiến phản hồi của doanh nghiệp, xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”.
Tỉnh cũng sẽ triển khai thực hiện chế độ khảo sát về sự hài lòng của doanh nghiệp đối với cơ quan quản lý nhà nước, kịp thời chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, yếu kém của các sở, ngành và địa phương trong việc phục vụ nhân dân. Đặc biệt, các sở ngành đã được yêu cầu hàng tháng, quý phải tổng hợp và báo cáo UBND tỉnh về tình hình thực hiện kế hoạch này.
Nỗ lực này cho thấy, đã đến lúc những tỉnh điểm số thấp như Tuyên Quang cảm thấy không thể ngồi yên được nữa.
Tháng 3/2014, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo đó yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát các quy định do địa phương mình ban hành và tình hình thực hiện các quy định đó; đặt mục tiêu và lộ trình đến năm 2015 phấn đấu đạt mức của tỉnh, thành phố có PCI trong năm 2013 đã được xếp hạng ở mức cao.
Không chỉ riêng Tuyên Quang, lãnh đạo nhiều tỉnh thành khác cũng đang đau đầu với chỉ tiêu đã được “nghị quyết hóa” này và không có cách nào khác là phải thực sự vào cuộc, “làm bài thi” nghiêm túc với hy vọng tăng điểm trong các kỳ sát hạch tới.
Đó chính là một trong những tác động lớn lao nhất mà PCI, một dự án do USAID tài trợ và đã hoạt động liên tục 9 năm qua, mang lại cho các tỉnh thành tại Việt Nam, như nhận xét của ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Việt Kinh tế Việt Nam.
Chuyên gia uy tín này nhận xét rằng giá trị thực tiễn to lớn của các báo cáo PCI thường niên không giới hạn ở việc cung cấp một bức tranh “tĩnh” giúp nhận diện, đánh giá hoạt động của chính quyền nhà nước nói chung, chính quyền cấp tỉnh nói riêng.
Quan trọng hơn, PCI đã thúc đẩy quá trình đổi mới tư duy phát triển và tạo ra cuộc đua tranh lành mạnh trong khu vực chính quyền nhà nước nhằm mục tiêu phục vụ doanh nghiệp, phục vụ thị trường tốt hơn.
“Ở Việt Nam, trong quá trình đổi mới kinh tế, cho đến nay, hiếm thấy công trình nào có sức thúc đẩy phát triển mạnh mẽ và trực tiếp đến như vậy”, ông Thiên nói.
Hoàng Anh Minh
vneconomy
|