Thứ Năm, 10/07/2014 13:01

Ông Nguyễn Hữu Bình (IVS): Thị trường hoàn toàn có thể chinh phục lại đỉnh cao năm 2009

“Nếu tính cho cả năm 2014, tôi tin rằng thị trường sẽ có một nhịp tăng tương đối mạnh nữa và hoàn toàn có thể chinh phục lại đỉnh cao của năm 2009 hoặc thiết lập một vùng cao mới”, ông Nguyễn Hữu Bình - Trưởng phòng phân tích CTCK Đầu tư Việt Nam (IVS) nhận định.

Ông Nguyễn Hữu Bình - Trưởng phòng phân tích CTCK Đầu tư Việt Nam (IVS).

Biến động thị trường chứng khoán trong quý 2 thật khó lường, ông có lý giải nào về xu hướng đó không? Trong quý 3, ông dự báo thị trường sẽ như thế nào?

Trước khi bước sang quý 2, tôi có làm một thống kê về diễn biến giao dịch của thị trường chứng khoán (TTCK) trong phần cuối của tháng 3 và nhận ra 2 điểm. Một là dòng tiền vào TTCK vô cùng mạnh khi những phiên khớp lệnh lên đến 4,000-5,000 tỷ đồng liên tục xảy ra. Và điểm thứ hai là dù một dòng tiền mạnh như vậy nhưng chỉ số VN-Index không thể bứt phá qua ngưỡng 610 điểm. Do đó, tôi đã có nhận định rằng dòng tiền kia là dòng tiền đòn bẩy và mức độ hưng phấn của nhà đầu tư (NĐT) đang ở mức rất cao.

Việc không vượt qua được ngưỡng trên dẫn đến thị trường diễn ra nhịp điều chỉnh, tốt thì về vùng 575 điểm, xấu hơn là 540 điểm. Tuy nhiên, trong quý này có một yếu tố bất ngờ là sự việc tranh chấp trên biển Đông mà NĐT không lường hết. Phiên kỷ lục 8/5 đã được ghi nhận trong nhiều năm qua khi bên bán áp đảo hoàn toàn. Và phải nói rằng, sự sụt giảm mạnh này đã khiến NĐT thiệt hại vô cùng.

Đó là nửa đầu của quý 2, còn nửa sau thì mọi thứ đã bắt đầu có dấu hiệu tích cực hơn. Tuy nhiên thị trường đang có những diễn biến khá khó lường, thanh khoản thấp, chỉ số lại tăng khiến NĐT không biết nên hành động ra sao. Mua vào thì lo ngại rủi ro đảo chiều một lần nữa xảy ra, mà không mua thì lại nuối tiếc bởi cổ phiếu vẫn tăng giá dù không nhiều.

Với diễn biến như vậy cho đến khi bước sang quý 3 vẫn là một câu hỏi với thị trường. Theo đánh giá của tôi thì thị trường thời gian qua như một động thái tích lũy và chỉ cần thêm cú hích là có thể bùng nổ. Thị trường vẫn đang có khá nhiều điều kiện để có thể tăng mạnh nhưng hiện tại đang bị cản trở bởi ba vấn đề:

Thứ nhất, việc giàn khoan của Trung Quốc vẫn hiện hữu và căng thẳng chưa giảm nhiệt.

Thứ hai, lo ngại về việc nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) có thể bán ròng nếu xét theo đúng chu kỳ mà những năm trước đây các quỹ ETF từng thực hiện. Việc mua ròng đang giảm dần đều hiện nay cũng là yếu tố mà NĐT có quyền nghi ngờ.

Cuối cùng, thị trường đang thiếu cú hích về chính sách hay các thông tin kinh tế tích cực.

Nếu như các yếu tố này cùng xuất hiện theo hướng có lợi nhất, thị trường sẽ tăng mạnh. Nhưng ngược lại theo hướng bất lợi thì thị trường sẽ có điều chỉnh tùy thuộc vào từng thông tin.

Tỷ giá vừa bất ngờ tăng 1%, theo ông thì điều này có tác động như thế nào đến thị trường thế nào trong ngắn hạn và về dài hạn?

Do có sức ép nhất định từ thị trường ngoại hối trong thời gian qua nên NHNN đã chính thức điều chỉnh tỷ giá tăng thêm 1%. Về mặt điều hành thì nó vẫn phù hợp với những cam kết giữ ổn định của NHNN và nằm trong mức cho phép. Vì thế tôi cho rằng mức điều chỉnh này không có tác động quá lớn đến các doanh nghiệp bởi họ cũng đã nắm được thông tin điều hành của NHNN trong khi mức độ điều chỉnh này không bất ngờ để gây xáo trộn.

Còn đánh giá về tác động thì tôi cho rằng tất yếu sẽ có ảnh hưởng đến doanh nghiệp (DN) nhưng không quá lớn. Do đó với TTCK mức độ ảnh hưởng sẽ là không quá lớn. Nhưng nếu như thị trường ngoại hối tiếp tục có những căng thẳng tiếp theo mới thực sự đáng lo ngại.

Vậy còn sức ảnh hưởng của khối ngoại sẽ ra sao trong quý 3? Chúng ta có thể kỳ vọng gì vào thông tin nới room cho công ty chứng khoán và các doanh nghiệp niêm yết trong thời gian tới?

Thông tin nới room không mới nhưng vẫn là câu chuyện cho đến khi có quyết định chính thức. Tôi cho rằng sẽ chưa thể nới room ngay trong quý 3 này dù rằng đã có những đồn đoán.

Còn về khối ngoại, như tôi đã nói phần đầu thì sức mua mạnh thời gian gần đây phần lớn nhờ vào các quỹ ETF. Riêng tháng 6 vừa qua khối này đã mua ròng trên sàn HOSE lên đến hơn 1,400 tỷ đồng trong khi cùng năm ngoái khối này đã bán ra rất mạnh với hơn 1,800 tỷ đồng. Đây là một sự khác biệt rất lớn, bởi theo chu kỳ thì tháng 6,7,8 khối này thường bán ròng. Nhưng cũng có thể lý giải rằng các quỹ ETF hiện nay vẫn đang hút được khá nhiều tiền.

Có lẽ việc TTCK Mỹ đã có bước tăng “ròng rã” và liên tục vượt các đỉnh cao khiến cho NĐT bên đó lo ngại và chuyển hướng sang các thị trường mới nổi hoặc cận biên. Diễn đàn đầu tư Việt Nam 2014 tổ chức với sự hiện diện của nhiều chuyên gia có tiếng tăm, đặc biệt là ông Marc Faber cũng sẽ khiến NĐT bên đó có cái nhìn tích cực hơn với TTCK Việt Nam.

Và biết đâu chu kỳ của các quỹ này đã thay đổi, họ sẽ không còn rút ròng tiền ra giai đoạn tháng 6-8 như các năm nữa.

Ông có thể chia sẻ cùng nhà đầu tư về chiến lược đầu tư trong quý 3 và 6 tháng cuối năm? Và điều gì khiến ông có lựa chọn này?

Thị trường thực tế có đầy đủ lực cũng như sự hấp dẫn để có thể tăng mạnh thêm một nhịp. Nếu tính cho cả năm 2014, tôi tin rằng thị trường sẽ có một nhịp tăng tương đối mạnh nữa và hoàn toàn có thể chinh phục lại đỉnh cao của năm 2009 hoặc thiết lập một vùng cao mới.

Tuy nhiên, với diễn biến như hiện nay thì kỳ vọng hợp lý nhất lúc này chỉ là vùng 600-610 điểm, và thị trường khó lòng vượt qua bức tường thành này nếu không có một sự đột biến. Nếu như có diễn biến bất lợi hoặc giả như dòng tiền bế tắc tại đây thì có thể một nhịp điều chỉnh mới sẽ xuất hiện và tôi thiên về hướng này cho thị trường ở quý 3.

Khi đó, chiến lược đầu tư thì tùy thuộc vào mỗi NĐT theo trường phái nào. Gần đây thì nhiều NĐT cũng đã thay đổi rất nhiều, họ khá kiên trì nắm giữ cổ phiếu và chờ đợi đến mức giá cao để chốt lãi và thường có hiệu suất cao hơn. Vì thế chờ đợi những cổ phiếu tốt, định giá rẻ, hấp dẫn mua và nắm giữ sẽ chủ động hơn.

Cá nhân tôi cũng ưa thích chiến lược này và theo đuổi theo từng giai đoạn của thị trường và tùy từng lĩnh vực. Tôi vẫn đánh giá cao những doanh nghiệp có sự chủ động trong kinh doanh, những ngành nghề có kỳ vọng đem lại hiệu suất cao như dầu khí, dược, nông nghiệp, tiêu dùng, tin học... Tôi tin tưởng rằng những doanh nghiệp đó sẽ mang lại cho NĐT phần thưởng xứng đáng nhất cho họ. Nhưng để thành công thì sẽ tùy thuộc vào từng cá nhân, sự gạn lọc thông tin và tin tưởng vào chính doanh nghiệp mà mình đã tìm hiểu và đầu tư.

Xin cám ơn ông!

Sanh Tín thực hiện

Các tin tức khác

>   Góc nhìn 10/07: VN-Index đang tạo đỉnh ngắn hạn? (09/07/2014)

>   Ngày 10/07: 10 cổ phiếu ”nóng” dưới góc nhìn PTKT của Vietstock (10/07/2014)

>   Cổ phiếu Bất động sản – Xây dựng: Đầu tư công tăng mạnh, Xây dựng hạ tầng hưởng lợi? (09/07/2014)

>   Góc nhìn 09/07: Điều chỉnh củng cố xu thế tăng (08/07/2014)

>   Góc nhìn 09/07: Điều chỉnh củng cố xu thế tăng (08/07/2014)

>   CTCK SHS: VN-Index “dừng chân” tại đâu không quan trọng (08/07/2014)

>   Tổng giám đốc SGI Capital: Thiên đường “lướt sóng” (08/07/2014)

>   Góc nhìn 08/07: Đủ sức vượt ngưỡng cản? (07/07/2014)

>   Ngày 08/07: 10 cổ phiếu ”nóng” dưới góc nhìn PTKT của Vietstock (08/07/2014)

>   Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh (VCSC): Kinh tế phục hồi tốt, VN-Index có thể chinh phục lại mốc 600 điểm trong quý 3 (09/07/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật