Thứ Tư, 30/07/2014 06:18

Nên bỏ cơ chế bộ chủ quản doanh nghiệp nhà nước

Dự luật Doanh nghiệp đầu năm 2014 vừa có chút tiến bộ về mặt quản lý, nay lại rơi vào tình trạng biến doanh nghiệp nhà nước thành sân sau của các bộ.

Một trong những điểm mới mang tính đột phá của dự thảo Luật Doanh nghiệp (DN) sửa đổi được nhiều người kỳ vọng là việc quy định hẳn một chương riêng về doanh nghiệp nhà nước (DNNN), tách bạch vai trò chủ sở hữu với quản lý nhà nước của các bộ chủ quản.

Thế nhưng qua nhiều lần góp ý, vấn đề này đã được chuyển qua dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào DN với những quy định hết sức chung chung.

“Việc rút bỏ những quy định tiến bộ về DNNN như dự luật hiện nay là một bước thụt lùi!” - luật gia Vũ Xuân Tiền, Trưởng ban Tư vấn và phản biện chính sách của Hội Các nhà quản trị DN Việt Nam (VACD), nhấn mạnh tại hội thảo Dự báo tác động của Luật DN sửa đổi, nhìn từ góc độ chỉ số môi trường kinh doanh toàn cầu 2013 do Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI) cùng VACD tổ chức ngày 29-7.

Dự luật “tiến một bước, lùi ba bước”

Dự thảo Luật DN hồi đầu năm 2014 dành hẳn chương VII với 31 điều quy định về DNNN. Trong đó đáng chú ý là Điều 172 quy định rõ Chính phủ phân công cho một hoặc một số tổ chức trực tiếp thực hiện các quyền chủ sở hữu tại DNNN và tổ chức này không được trực tiếp tham mưu, soạn thảo chính sách; không được trực tiếp tham gia kiểm soát, điều tiết thị trường và thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước khác. Cơ quan quản lý nhà nước không được can thiệp, áp đặt mệnh lệnh hành chính vào hoạt động kinh doanh, đảm bảo quyền tự chủ kinh doanh của DN.

“Quy định này sẽ triệt tiêu tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” như lâu nay” - chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh phấn khởi nói. TS Lê Đăng Doanh còn gửi gắm kỳ vọng: “Việc tách bạch hai chức năng này là một bước tiến bộ rất cần được quan tâm thảo luận để trình Quốc hội xem xét và thông qua. Đây cũng là một bước thúc đẩy quá trình tái cấu trúc”.

Thế nhưng qua nửa năm thảo luận, chương về DNNN rút ngắn còn 25 điều, bỏ luôn cả Điều 172. Thay vào đó là quy định “mối quan hệ giữa đại diện chủ sở hữu nhà nước và người đại diện theo ủy quyền trực tiếp thực hiện các quyền sở hữu nhà nước tại DN theo quy định tương ứng của pháp luật về đầu tư, quản lý vốn nhà nước đầu tư tại DN”.

“Bỏ Điều 172, các bộ chủ quản lại tiếp tục vừa đóng vai trò chủ sở hữu, vừa đóng vai trò quản lý nhà nước. Nghĩa là vẫn vừa đá bóng vừa thổi còi. Cơ chế này đi thụt lùi, biến DNNN thành sân sau của các bộ, tạo nguy cơ sinh ra lợi ích nhóm rất kinh khủng” - ông Tiền nhấn mạnh.

Phải phục hồi Điều 172 dự luật DN

Minh chứng cụ thể cho nhận định của mình, ông Tiền đưa câu chuyện giữa EVN và Bộ Công Thương ra phân tích. Theo ông Tiền, đang có hiện tượng đánh dấu bằng giữa DNNN và các bộ chủ quản, bộ Công thương = EVN, bộ Công Thương = PVN. Khi lý giải việc tăng giá điện, giá xăng, EVN và PVN nói sao thì Bộ Công Thương nói lại như thế, thậm chí còn bênh DN. Tới đây còn bỏ cả cơ chế liên ngành với giá xăng dầu, chỉ còn Bộ Công Thương quyết định giá. Như vậy chẳng khác nào cha đặt giá còn con bán hàng cho thiên hạ.

Với những phân tích trên, ông Tiền đồng ý với các ý kiến đề nghị phục hồi Điều 172. Nhà nước không thể tiếp tục duy trì cơ chế chủ quản - sản phẩm của thời kỳ bao cấp trong nền kinh tế thị trường. Đồng thời, việc tách bạch vai trò chủ sở hữu và quản lý nhà nước còn ngăn chặn tình trạng tiếp tay cho độc quyền.

Một cái xúc xích, bảy bộ quản lý

Một cái xúc xích của công ty tôi có đến bảy bộ quản lý. Đó là các bộ Y tế, NN&PTNT, Công Thương, TN&MT, Tài chính (cùng với Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan), KH&CN và cả Bộ Công an nữa. Ngoài ra hầu hết lô hàng nhập thịt, gia vị của công ty tôi đều phải qua rất nhiều khâu và hầu như khâu nào cũng phải có phong bì “lót tay” với số tiền lên đến hàng tỉ đồng.

Ông Mai Huy Tân, hội viên VACD, Chủ tịch Công ty Thực phẩm Đức Việt, Chủ tịch-Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn nhịp cầu Đức-Việt

Nhóm lợi ích can thiệp dự luật DN?

Tôi lo ngại việc rút bỏ Điều 172 là do có lợi ích nhóm can thiệp vào. Các thành viên của Chính phủ gần như không đồng ý với quy định tại Điều 172. Bởi vì mỗi thành viên Chính phủ đều nắm một bộ. Mà mỗi bộ lại quản lý vừa đại diện chủ sở hữu một vài DNNN. Bây giờ lại đi tách ra, không cho các bộ là chủ sở hữu các DN này nữa mà giao cho một ông khác thì dĩ nhiên người ta không muốn rồi. Ngay cả tôi nếu làm bộ trưởng thì tôi cũng không muốn. Tuy nhiên, xét về mặt lợi ích quốc gia thì phải tách ra, các nước họ cũng làm như thế.

Luật gia Vũ Xuân Tiền


Thu Hằng

Pháp luật TPHCM

Các tin tức khác

>   Doanh nghiệp giải thể, dừng hoạt động tăng gần 10% (29/07/2014)

>   Hơn 1.540 tỷ đồng đầu tư xây dựng tiểu dự án đô thị Sa Pa (29/07/2014)

>   70% công ty Đức đánh giá thị trường Việt Nam phát triển tích cực (29/07/2014)

>   Tính đến 15/7, các nhà máy còn tồn kho gần 460.000 tấn đường (29/07/2014)

>   Tồn kho lớn, sản xuất công nghiệp 7 tháng đầu năm tăng 6,2% (29/07/2014)

>   Doanh nghiệp Nhật Bản kiến nghị về môi trường đầu tư của Việt Nam (29/07/2014)

>   Việt Nam nhập nhiều mực, bạch tuộc từ Ấn Độ (29/07/2014)

>   Đầu tư vào nông nghiệp: Đã thấy nhiều cơ hội (29/07/2014)

>   Xuất khẩu đồ gỗ sang Anh: Nhiều cơ hội tốt (29/07/2014)

>   Tập đoàn Thành Thành Công sẽ xuất khẩu cồn vào năm 2016 (29/07/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật