Xuất khẩu đồ gỗ sang Anh: Nhiều cơ hội tốt
Đồ gỗ Việt Nam được thị trường Anh đón nhận vì giá cả có tính cạnh tranh cao do chi phí thấp, nguyên liệu tốt, chất lượng sản phẩm cao.
Vương quốc Anh là một thị trường lớn, có nhu cầu nhập khẩu 5,8 tỷ bảng (9,9 tỷ USD) thành phẩm và nguyên, phụ liệu đồ gỗ mỗi năm. Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu lớn đồ gỗ và nội thất vào Anh. Nếu tính riêng thành phẩm, đặc biệt là nhóm hàng mã số HS 940330-60 (đồ nội thất bằng gỗ, trừ loại dùng trong văn phòng, phòng ngủ, nhà bếp và ghế) thì Việt Nam luôn thuộc nhóm 5 nước xuất khẩu hàng đầu vào Anh kể từ năm 2006 tới nay. Theo số liệu của Hải quan Anh, 5 tháng đầu năm 2014, xuất khẩu nhóm HS 940330-60 của Việt Nam vào Anh đạt 68,36 triệu bảng, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2013.
Trong bối cảnh nhóm hàng điện thoại di động xuất khẩu vào Anh đang có xu hướng giảm do nhu cầu đã bão hòa thì việc sản phẩm gỗ và nội thất tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng sẽ góp phần duy trì tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Anh. |
Bà Nguyễn Thị Hồng Thủy- Tham tán thương mại Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh- cho biết, đồ gỗ Việt Nam được thị trường Anh đón nhận vì giá cả có tính cạnh tranh cao do chi phí thấp, cộng thêm tình hình suy thoái kinh tế trong những năm vừa qua càng khiến người Anh lựa chọn hàng Việt. Yếu tố quan trọng nữa là Việt Nam có nguyên liệu tốt, do đó chất lượng sản phẩm tốt. Thêm nữa, một số công ty lớn trong ngành gỗ của Anh đã có cơ sở sản xuất hoặc đã ký hợp đồng hợp tác dài hạn với các nhà sản xuất Việt Nam, là đầu mối quan trọng cung cấp mẫu mã, thiết kế, tiêu chuẩn và thông tin thị trường, phân phối sản phẩm. Ví dụ, IKEA- nhà bán lẻ đồ gỗ nội thất có thị phần lớn nhất tại Anh đã có hệ thống cung cấp sản phẩm sâu rộng ở Việt Nam từ nhiều năm nay, giúp đồ gỗ Việt ngày càng có chỗ đứng vững chắc tại thị trường Anh.
Tuy nhiên, DN Việt Nam có phần “kín tiếng” tại thị trường Anh do ít tham gia các hội chợ, triển lãm, các hội nghị thường niên... nhằm giới thiệu sản phẩm. DN Việt Nam cũng chưa thiết lập mạng lưới với các nhà sản xuất và phân phối đồ gỗ tại Anh. Nếu khắc phục được điểm này thì các DN Việt Nam sẽ có thêm nhiều cơ hội mới tại thị trường Anh.
Theo bà Thủy, để đồ gỗ Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường Anh, trong thời gian tới, DN gỗ Việt Nam cần tăng thêm tính chủ động để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó, điều kiện tiên quyết là phải giữ được các khách hàng đã có và phát triển thêm khách hàng mới với những mặt hàng mới.
Thực tế, nhóm hàng đồ gỗ có phạm vi tiêu thụ rất rộng, DN Việt Nam mới đáp ứng được một phần nhu cầu nên dư địa thị trường vẫn còn nhiều. Bên cạnh đó, DN cần nắm chắc và cập nhật kịp thời các tiêu chuẩn, quy định, xu hướng phát triển ngành gỗ tại thị trường châu Âu nói chung, Vương quốc Anh nói riêng. DN có thể chủ động cập nhật những hướng dẫn chi tiết về việc xuất nhập khẩu đồ gỗ với thị trường Anh tại địa chỉ: https://www.gov.uk/household-goods-furniture-and-furnishings-importing-and-exporting.
Phương Lan
công thương
|