Vinatex chuyển hướng đầu tư mạnh hơn cho thị trường nội địa
Trước đây, các doanh nghiệp dệt may thường đi bằng “một chân,” tức là chỉ chú trọng vào thị trường xuất khẩu mà ít quan tâm đến thị trường nội địa. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây trong chiến lược phát triển mới của mình, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư mạnh hơn cho thị trường nội địa.
Khách tham quan, mua sắm tại hội chợ thời trang Việt Nam do Vinatex tổ chức.
|
Những thương hiệu như May Việt Tiến, May 10, Nhà Bè… đã dần định vị trong tâm trí người tiêu dùng và ngày càng được ưa chuộng. Nhờ vậy, doanh thu của Tập đoàn tại thị trường trong nước đang ngày một tăng lên.
Năm 2014, Vinatex phấn đấu đưa tổng doanh thu tăng 12%, trong đó doanh thu nội địa chiếm khoảng 30%.
Mở rộng hệ thống phân phối
Theo ông Trần Việt, Trưởng ban thị trường (Vinatex), thị trường dệt may nội địa rất tiềm năng bởi chi tiêu của người tiêu dùng cho hàng thời trang chỉ xếp sau lương thực, thực phẩm.
Thống kê cho thấy mỗi người tiêu dùng đã chi từ 150,000 - 500,000 đồng/tháng để mua sắm hàng thời trang, chiếm bình quân 18% chi tiêu hàng tháng. Không những vậy mà 70% người tiêu dùng Việt Nam mua sắm thời trang hàng tháng hoặc từ 2-3 lần/tháng; trong đó, người tiêu dùng độ tuổi 20-25 và từ 26-35 là “mạnh tay” trong mua sắm hàng thời trang nhất.
Tổng giám đốc Vinatex Lê Tiến Trường nhận định, mặc dù người dân phải thắt chặt chi tiêu, nhưng ngành dệt may vẫn có mức tăng trưởng khá, sản phẩm dệt may Việt Nam đã có chỗ đứng vững chắc hơn trên thị trường nội địa. Điều này chứng tỏ, doanh nghiệp Việt Nam đã rất nỗ lực trong việc mở rộng thị trường nội địa. Các doanh nghiệp trong ngành dệt may đã tích cực mở rộng thị trường trong nước thông qua việc xây dựng hệ thống phân phối sản phẩm. Hiện nay, sản phẩm may mặc và thời trang của ngành dệt may Việt Nam đã có mặt trên mọi vùng miền của đất nước từ thành thị đến nông thôn.
Thời gian qua, các doanh nghiệp thuộc Vinatex đã không ngừng đầu tư công nghệ, sản xuất những sản phẩm chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, phù hợp với người tiêu dùng. Trong 6 tháng đầu năm 2014, doanh thu nội địa toàn Tập đoàn ước đạt 11,000 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ.
Để có được kết quả đáng ghi nhận này, các doanh nghiệp dệt may đã không ngừng đầu tư sản xuất, nâng cao chất lượng, chú trọng đổi mới mẫu mã sản phẩm, củng cố và phát triển thương hiệu, mở rộng kênh phân phối để chiếm lĩnh thị trường nội.
Cụ thể, ông Thân Đức Việt - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty May 10, cho biết Tổng công ty May 10 luôn chú trọng đầu tư công nghệ, tiết giảm chi phí sản xuất để cung ứng cho thị trường những sản phẩm có giá cạnh tranh. Bên cạnh đó, các sản phẩm May 10 được tiêu thụ tại thị trường trong nước đều được kiểm soát chất lượng chặt chẽ để đảm bảo cung ứng tốt nhất cho người tiêu dùng.
Bên cạnh nâng cao chất lượng, việc mở rộng hệ thống phân phối cũng là một trong những giải pháp giúp các sản phẩm của Vinatex đến gần hơn với khách hàng Việt. Hiện nay, Vinatex đang sở hữu hệ thống siêu thị Vinatexmart rộng khắp tại 26 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Các đơn vị thành viên của Vinatex cũng đã và đang tích cực mở rộng hệ thống cửa hàng giới thiệu sản phẩm, đại lý về nhiều tỉnh, thành và các siêu thị nhỏ tại công ty. Kênh phân phối này đã góp phần đưa hàng dệt may chất lượng tốt, giá hợp lý đến người tiêu dùng. Tổng số điểm bán hàng của các doanh nghiệp trong Tập đoàn đến nay đạt trên 4,000 điểm.
Mặc dù đã đạt được những thành công nhất định trong chiếm lĩnh thị trường trong nước, tuy nhiên, các mặt hàng dệt may Việt Nam hiện mới chỉ chiếm lĩnh tốt phân khúc thị trường tầm trung và cao cấp, còn với thị trường nông thôn, hàng dệt may vẫn chưa đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu giá rẻ.
Ông Lê Tiến Trường Tổng giám đốc Vinatex cho biết, các sản phẩm dệt may hiện mới chỉ chủ yếu phục vụ cho đối tượng công chức - những người có thu nhập trung bình khá và khá trở lên.
Xây dựng công nghệ thời trang
Trước bối cảnh thị trường thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, việc doanh nghiệp quan tâm phát triển thị trường nội địa được coi là xu thế tất yếu. Nhưng, theo đánh giá của ông Phan Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương), doanh nghiệp dệt may Việt Nam vẫn cần nỗ lực nhiều hơn thì mới có thể cạnh tranh tốt hơn với hàng ngoại tại “sân nhà.”
Các doanh nghiệp nên quan tâm đến việc phát triển mạng lưới bán lẻ rộng khắp hơn, chuyên nghiệp hơn. Các doanh nghiệp phải có chính sách đầu tư cho các trung tâm thiết kế, mẫu mã, kiểu dáng, các trung tâm thời trang để sản phẩm hợp với xu thế thời trang và thị hiếu của người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp nên chú trọng nghiên cứu áp dụng công nghệ mới, nguyên liệu mới để tạo ra các sản phẩm dệt may có tính khác biệt, có chất lượng cao.
Cũng theo ông Phan Chí Dũng, một yếu tố quan trọng khác là các doanh nghiệp phải xây dựng được thương hiệu riêng của doanh nghiệp và sản phẩm. Mặc dù Việt Nam là một trong những nước có kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may hàng đầu thế giới nhưng chúng ta vẫn chủ yếu xuất khẩu hàng gia công.
Do đó, muốn xây dựng thương hiệu hàng dệt may Việt Nam ở thị trường nước ngoài và nội địa, doanh nghiệp phải xây dựng được công nghệ thời trang dựa trên 5 yếu tố: Thương hiệu, nguyên vật liệu, thiết kế, sản xuất, phân phối.
Bên cạnh đó, để khắc phục tâm lý sính hàng ngoại của người tiêu dùng Việt Nam, ông Lê Tiến Trường cho rằng: doanh nghiệp phải thường xuyên tìm hiểu tâm lý thị hiếu người tiêu dùng, định hướng cho người tiêu dùng và phải có những minh chứng chứng tỏ hàng Việt không thua kém hàng ngoại nhập. Các siêu thị, cửa hàng kinh doanh thời trang không chỉ bán lẻ các sản phẩm sẵn có mà còn phải làm cầu nối định hướng về thời trang giữa nhà sản xuất và tiêu dùng.
Để hiện thực hóa mục tiêu chiếm lĩnh tốt thị trường nội địa với tỷ lệ tăng trưởng bình quân 15-20%, tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm đạt 60% vào năm 2015, ông Lê Tiến Trường cho biết: Vinatex đang đặt ra mục tiêu luôn gia tăng giá trị và duy trì năng lực cạnh tranh của mình.
Để làm được điều này, thời gian tới, Vinatex sẽ tiếp tục tăng khả năng sản xuất nguyên phụ liệu, thành lập chuỗi cung ứng hoàn chỉnh, chất lượng cao, từ đó giảm thiểu tối đa chi phí sản xuất, hỗ trợ cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, Vinatex cũng đặt mục tiêu không ngừng nâng cao năng suất lao động, nâng cao thu nhập, đời sống cho người lao động, khiến họ gắn bó với doanh nghiệp, từ đó bảo toàn được đội ngũ người lao động có kỹ năng cao.
Ngoài ra, Vinatex sẽ tập trung phát triển khâu thiết kế, trước hết là thiết kế kỹ thuật để thực hiện bằng được phương thức sản xuất ODM, sau đó đến thiết kế thời trang để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Hệ thống phân phối của Vinatex tại thị trường nội địa cũng đã và đang được thiết kế lại theo hướng phân cấp rõ ràng. Nếu như những doanh nghiệp có tiếng của Vinatex như Việt Tiến, May 10, Nhà Bè… tập trung vào hệ thống cửa hàng riêng để phát triển thương hiệu thì những doanh nghiệp loại trung bình được khuyến cáo “bám” theo hệ thống siêu thị Vinatexmart nhằm vừa phân phối được sản phẩm, vừa giảm chi phí./.
Uyên Hương
Vietnam+
|