Bước chuyển biến mới trong cổ phần hóa
Yêu cầu cấp bách đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (CPH DNNN) được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định trong kết luận Hội nghị Tái cơ cấu DNNN ngày 18-2-2014. Hoàn thành tốt mục tiêu CPH đến năm 2015 sẽ là đóng góp có ý nghĩa quan trọng đối với việc Tham gia Hiệp định TPP và Cộng đồng kinh tế ASEAN.
Khi nhận thức, cơ chế và mục tiêu rõ ràng hơn
Có thể khẳng định, CPH sẽ trở thành giải pháp trọng tâm của quá trình tái cấu trúc DNNN. Bởi vậy, chỉ tiêu CPH gần 500 doanh nghiệp (trong đó có nhiều doanh nghiệp quy mô vừa và lớn) đến năm 2015 còn cần phấn đấu cao hơn trong thực tiễn, vì theo nhiều ý kiến khách quan, con số gần 500 doanh nghiệp còn lại mà Nhà nước giữ 100% vốn vẫn là quá lớn. Thủ tướng yêu cầu đưa thêm nhiều doanh nghiệp vào danh sách CPH để giảm mạnh số DNNN sở hữu 100% vốn. Dường như mục tiêu đã được nâng lên khoảng 600 DNNN CPH từ nay đến hết năm 2015. Mặt khác, trong các đơn vị đã, đang và sẽ CPH, tỷ lệ vốn mà Nhà nước nắm giữ cũng sẽ giảm xuống theo nguyên tắc xã hội hóa mạnh mẽ hơn các hoạt động kinh tế để huy động và phát huy các nguồn lực trong nước và nước ngoài, tạo nên bước đột phá mới về sự năng động và vị thế doanh nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế. Ngay cả những doanh nghiệp trong lĩnh vực công ích như vệ sinh môi trường, chiếu sáng đô thị, cấp thoát nước... có lộ trình CPH sau năm 2015 cũng hoàn toàn có thể đẩy sớm hơn.
Trên cơ sở chủ trương, chính sách, cơ chế và kinh nghiệm có bước tiến mới, quá trình CPH đã chuyển biến khá mạnh. Chỉ trong ba tháng đầu năm nay đã có 13 tổng công ty Nhà nước CPH xong, vừa dứt điểm nợ nần, chuyển sang mô hình mới, khí thế mới, vừa thu hồi vốn vào ngân sách hàng trăm tỷ đồng. Những ngày này, từ Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp ở trung ương, đến các bộ, ngành và cấp tỉnh, việc triển khai các chính sách, thủ tục CPH DNNN đã thể hiện rõ sự khẩn trương, tích cực hơn, nhất là trách nhiệm cá nhân trong công tác này lần đầu tiên được xác định rõ đến từng bộ, ngành, từng cán bộ cấp cao.
Nhận thức, cơ chế và mục tiêu đều rõ ràng, cụ thể hơn đã tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ CPH trên cả nước. Tuy nhiên, vẫn còn không ít vướng mắc, bất cập trong đó có cả những điều tồn tại từ cách nay một, hai chục năm.
Thí dụ: Sự trì trệ hoặc sơ hở do chính cán bộ chủ chốt tại doanh nghiệp thuộc diện CPH gây ra; người đứng đầu doanh nghiệp ngấp nghé tuổi về hưu thì có trường hợp né tránh việc khó để chờ hạ cánh an toàn; cũng có trường hợp muốn CPH nhanh với phương án có lợi nhất cho cá nhân và nhóm để tiếp tục "trị vì" lâu dài trong mô hình mới. Sự vướng mắc về quyền lợi giữa hai cấp ngân sách trung ương và địa phương cũng là điều đáng nói khi ngân sách cấp tỉnh đã đầu tư cho doanh nghiệp khá nhiều, nhưng đến khi CPH thì số thu được lại chuyển hết về trung ương cho Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) quản lý. Rồi đến việc ưu tiên cho người lao động được mua cổ phiếu ưu đãi theo thâm niên để tiếp tục được "làm chủ" trong công ty cổ phần, nhưng nhiều người bán luôn quyền ưu đãi đó làm cho số năm công tác cũng biến thành hàng hóa! Đó là chưa kể những vướng mắc khác về định giá doanh nghiệp, trong đó nổi cộm là giá trị quyền sử dụng đất, lợi thế đắc địa, thương hiệu...
Những việc cần làm ngay
Trong hai năm 2014-2015, các ngành và địa phương tập trung thực hiện CPH 432 doanh nghiệp theo phương án đã phê duyệt, đồng thời tích cực bổ sung các doanh nghiệp không cần giữ 100% vốn Nhà nước và giảm mạnh diện Nhà nước giữ cổ phần chi phối.
Trước hết, ở Trung ương, cần CPH những tập đoàn kinh tế, tổng công ty lớn để tạo nên những bước đột phá, có ý nghĩa dẫn dắt, lan tỏa tới toàn bộ công tác này. Thí dụ: Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines), Tập đoàn Bảo Việt, các ngân hàng thương mại, Tập đoàn Bưu chính viễn thông... Các "ông lớn" này sẽ sớm đưa ra thị trường chứng khoán từ hàng triệu đến hàng tỷ cổ phiếu hấp dẫn, góp phần làm cho thị trường này sôi động hơn.
Hai là,đẩy nhanh tiến độ CPH (vì tính bình quân từ nay đến cuối năm 2015 mỗi ngày phải chuyển đổi mô hình được gần hai DNNN) nhưng phải vững chắc, hiệu quả cao, phòng, chống tham nhũng, thất thoát vốn, tài sản Nhà nước. Khâu định giá doanh nghiệp phải vừa tránh nhiêu khê, rườm rà, vừa bảo đảm khách quan, đúng mức; các khoản nợ thuế, nợ vay và vốn, tài sản Nhà nước, nguồn thu ngân sách Nhà nước cần quản lý chặt chẽ; đồng thời phương án bán cổ phần phải coi trọng thu hút các nguồn lực xã hội (từ vốn đến kỹ thuật - công nghệ, quản trị doanh nghiệp). Nếu có những cá nhân, doanh nhân, tổ chức mạnh về vốn, giỏi kinh doanh mua nhiều cổ phần thì mạnh dạn bán. Phát huy cao độ tác dụng của thị trường chứng khoán vì đó là địa chỉ định giá khách quan thị giá cổ phiếu của các DNNN CPH.
Ba là,nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp sau khi CPH, thu hút chất xám, nguồn lực xã hội và phát huy nó trong mô hình mới tiên tiến hiện nay là công ty cổ phần. Bởi vì CPH là để doanh nghiệp và thương hiệu hàng hóa Việt Nam mạnh lên, có chỗ đứng và thị phần vững vàng, rộng rãi hơn trên thị trường trong nước và quốc tế.
Bốn là, về cơ chế quản lý tài chính chung, cần tập trung đầu mối quản lý phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã CPH vào SCIC; đồng thời xem xét để xử lý hài hòa lợi ích từ CPH giữa ngân sách trung ương và cấp tỉnh, thí dụ như mô hình Công ty đầu tư Tài chính nhà nước TP Hồ Chí Minh (HFIC) sẽ tiếp nhận quản lý vốn Nhà nước như thế nào trong tương quan với SCIC. Về một số cơ chế, chính sách cụ thể, cần bảo đảm thật sự bình đẳng về tín dụng đối với các doanh nghiệp giảm thiểu và chấm dứt tình trạng CPH kiểu khép kín; dù có ưu tiên cho người lao động trong doanh nghiệp mua cổ phiếu ưu đãi, nhưng vẫn coi trọng hàng đầu nguyên tắc thị trường và có giải pháp ngăn ngừa lợi ích nhóm quyền lực ("tướng tấn, tá tạ, úy yến, lính lạng") trong việc thâu tóm cổ phiếu ưu đãi.
Nhà nước đang tập trung cao độ trí và lực cho tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới và phát triển doanh nghiệp, gắn liền với quá trình vận động đông đảo các quốc gia sớm công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường với hệ thống pháp luật tiên tiến, bảo đảm cho tất cả các loại hình doanh nghiệp hoạt động bình đẳng, lành mạnh. Đồng thời, cũng tích cực chuẩn bị tham gia Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Cộng đồng kinh tế ASEAN. Ba việc hệ trọng đó có ý nghĩa hết sức to lớn đối với việc hội nhập sâu rộng kinh tế toàn cầu mà vẫn giữ được độc lập tự chủ, bảo đảm cho ta vững vàng trước những khó khăn, thách thức hiện nay. Mốc phải hoàn thành tốt các công việc đó đều là năm 2015. Cho nên, đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng để hoàn thành tốt mục tiêu CPH DNNN đến năm 2015 sẽ là đóng góp có ý nghĩa lịch sử.
TS Nguyễn Anh Dũng
Nhân Dân
|