Làm gì để đón “sóng”?
Mặc dù Nhật Bản đến nay vẫn là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, nhưng những kỳ vọng về một làn sóng đầu tư mới từ đất nước Mặt Trời mọc không phải là không có cơ sở. Một trong tín hiệu đáng quan tâm là việc có tới gần 30 doanh nghiệp Nhật Bản vừa tham gia chuyến khảo sát thị trường do Cơ quan Xúc tiến đầu tư Nhật Bản (JETRO) tổ chức tại nhiều địa phương trong cả nước.
Không chỉ có đoàn doanh nghiệp này - phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ và vừa - mà gần như đồng thời, lãnh đạo các tập đoàn tên tuổi như Sojitz, IHI, Itochu cũng đã tới làm việc với lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư về các kế hoạch kinh doanh của họ tại Việt Nam.
Lưu ý đến đặc điểm “buôn có bạn, bán có phường” của các nhà đầu tư Nhật, Việt Nam đang nỗ lực để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho họ. Theo Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng, nắm được nhu cầu sử dụng đất của nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa Nhật Bản (thường là các nhà sản xuất vệ tinh), nhiều nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp hiện nay đã sẵn sàng cho thuê chỉ 500 m2 (thay vì trước đó chỉ cho thuê theo lô lớn); thậm chí xây dựng sẵn nhà xưởng và hạ giá cho thuê từ khoảng 60 USD/m2/năm xuống còn 40 USD/m2/năm.
Một xu hướng đáng lưu ý khác khi đề ra những chính sách thu hút FDI Nhật là các nhà đầu tư nước này đang ngày càng quan tâm hơn đến lĩnh vực nông nghiệp. Trong cuộc gặp gỡ mới đây với Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, lãnh đạo ngân hàng Tokyo Mitsubishi (Nhật Bản) chia sẻ, năm 2015 được Nhật Bản xác định là năm nông nghiệp và có không ít nhà đầu tư Nhật Bản là khách hàng của Tokyo Mitsubishi đã bày tỏ dự định đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực này với các doanh nghiệp Việt Nam.
“Vấn đề là ngay cả người dân Việt Nam hiện nay cũng chưa hoàn toàn tin tưởng thực phẩm Việt. Do vậy, chúng tôi mong muốn hợp tác với Chính phủ Việt Nam để sản phẩm của Việt Nam đạt chất lượng cao hơn, đảm bảo về vệ sinh an toàn thực phẩm. Khi tạo được lòng tin đối với thị trường nội địa, thì đó chính là thế mạnh để xuất khẩu ra nước ngoài”, ông Hideo Okubo, Chủ tịch Tập đoàn Forval (Nhật Bản) khẳng định. Lãnh đạo Forval mong muốn thiết lập được được bộ tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm Việt Nam, giống như ở Nhật có bộ tiêu chuẩn JASS...
Tuy thế, cũng không thể không lưu ý đến một đặc điểm của đầu tư từ Nhật - như đã có nhiều nghiên cứu chỉ rõ - là phần lớn tập trung vào ngành công nghiệp lắp ráp, sử dụng nhiều nhân công giá rẻ; hàm lượng khoa học công nghệ không lớn...
Liệu “sóng” đầu tư từ Nhật Bản có đến và năng lượng của nó có được chuyển hóa thành sự phát triển đôi bên cùng có lợi? Liệu sự “thô sơ, đơn giản” tới đây có được thay thế bởi những dự án có sử dụng công nghệ nguồn, để Việt Nam nhận được từ nhà đầu tư Nhật không chỉ là tiền thuế và những việc làm với thu nhập vừa phải?
Cẩm Hà
hải quan
|