Đầu tư 15 tỷ USD cho phát triển hành lang kinh tế GMS
Từ năm 1992 đến nay, Chương trình Hợp tác Kinh tế Tiểu vùng sông Mekong đã đầu tư khoảng 15 tỷ USD vào các dự án đường sá, sân bay và đường sắt, điện, cơ sở hạ tầng du lịch và phòng tránh dịch bệnh lây truyền của tiểu vùng. Trong số đó, nguồn vốn từ Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) là hơn 5 tỷ USD.
Đó là thông tin được ông Hoàng Viết Khang, Vụ trưởng-Điều phối viên quốc gia Chương trình hợp tác GMS, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết tại Hội thảo trù bị của Diễn đàn các Hành lang Kinh tế Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 6, ngày 25/7.
Siêu thị miễn thuế Mộc Bài
|
Theo ông Khang, tính đến năm 2013, Việt Nam đã tham gia trên 110 dự án hỗ trợ kỹ thuật vùng, trong đó đã được ADB hỗ trợ tổng cộng là 100 triệu USD.
Hiện Việt Nam đang đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện Chiến lược 3C (tăng cường sự liên kết, nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao tinh thần cộng đồng,) của Chương trình GMS.
Ngoài Thái Lan, Việt Nam là thành viên duy nhất của GMS tham gia vào cả 3 hành lang kinh tế (Bắc-Nam, Đông-Tây và khu vực phía Nam,)” ông Khang cho biết.
Đánh giá tiềm năng của khu vực, ông Nguyễn Văn Hội, Phó vụ trưởng Vụ Thương mại Biên giới và Miền núi, Bộ Công Thương chỉ ra, GMS là một khu vực có mức độ hội nhập tương đối, có chi phí vận tải thấp, có chỉ số hiệu quả kho vận (LPI) cao và cũng có thứ hạng cao trong chỉ số mậu dịch biên giới.
Với sự hợp tác, phối hợp trong quản lý biên giới giữa các nước GMS, quy trình mậu dịch một cửa đã được tích cực thúc đẩy, tăng cường trong khu vực.
Bên cạnh các cơ hội giao thương, các Hành lang Kinh tế Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS) cũng tạo ra các cơ hội đầu tư và phát triển các khu hợp tác kinh tế qua biên giới.
Ông Hội cho rằng, việc xây dựng các khu kinh tế biên giới sẽ có tác động lớn trong việc biến các khu vực miền núi, biên giới của Việt Nam thành những điểm nút kinh tế dọc theo các tuyến hành lang kinh tế, qua đó sẽ thu hút đầu tư hoạt động đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) đồng thời tạo hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy kinh tế địa phương.
Tuy nhiên, ông Hội cũng chỉ ra một số điểm hạn chế, như tình trạng chậm trễ trong phối hợp quản lý biên giới trở thành rào cản chính đối với hoạt động vận tải trong khu vực.
Hơn thế nữa, các quy định còn thiếu rõ ràng, thiếu cơ chế phổ biến thông tin về các rào cản kỹ thuật và phi kỹ thuật…, làm tăng chi phí do lãng phí thời gian, chi phí giao dịch, chi phí hàng hóa giao thương.
“Ngoài ra, giữa các quốc gia vẫn còn những khác biệt trong áp dụng thủ tục, quy trình kê khai, kiểm tra hải quan, thông quan cửa khẩu, thủ tục hành chính riêng biệt,” ông Hội nói.
Ông Hội đã đưa ra đề xuất chương trình phát triển chung, bao gồm cả hạ tầng mềm (khung chính sách, thể chế, tiêu chuẩn kỹ thuật, chức năng của khu kinh tế biên giới) và hạ tầng cứng (đường xá, mạng lưới điện, viễn thông, hệ thống cấp nước, vệ sinh, các cơ sở dịch vụ sản xuất, thương mại…).
Thông tin cơ bản về Chương trình hợp tác Kinh tế Tiểu vùng sông Mekong (GMS) mở rộng:
Chương trình GMS được khởi xướng năm 1992 nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội tại sáu nước, bao gồm: Campuchia, Trung Quốc, Lào, Mianma, Thái Lan và Việt Nam.
Mục tiêu: Xây dựng một tiểu vùng phát triển thịnh vượng, hội nhập và đồng đều.
Diễn đàn các Hành lang Kinh tế Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS) được tổ chức lần thứ nhất tại Côn Minh (Trung Quốc), năm 2008. Năm nay, diễn đàn lần thứ sáu sẽ diễn ra tại Hà Nội, trong hai ngày 7-8/8.
Diễn đàn có nhiệm vụ: Nâng cao tầm quan trọng và nhận thức về các yêu cầu, ưu tiên phát triển hành lang kinh tế GMS; Tăng cường hợp tác, điều phối giao lưu giữa các bên; Hỗ trợ các sáng kiến thúc đẩy sự phát triển của các hành lang kinh tế; Tăng cường vai trò của địa phương, thúc đẩy sự tham gia của tư nhân, tăng cường hợp tác giữa Nhà nước và tư nhân trong quá trình phát triển các hành lang kinh tế GMS.
|
Hạnh Nguyễn
Vietnam+
|