Chủ Nhật, 27/07/2014 09:35

Doanh nghiệp cá tra: Gánh thêm áp lực từ nghị định mới

Trong khi cộng đồng doanh nghiệp (DN) vẫn còn đang đối diện với nhiều khó khăn, những tưởng, chính sách được xây dựng mới sẽ giảm bớt khó khăn, hỗ trợ cho DN thì ngược lại, nhiều chính sách lại gây thêm áp lực cho DN.

Kỳ vọng lập lại trật tự thị trường

Nghị định 36/2014 về nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra đã có hiệu lực thi hành từ ngày 20-6 vừa qua, song theo phản ảnh của nhiều DN chế biến và xuất khẩu cá tra, bên cạnh những quy định góp phần đưa ngành cá tra đi vào quy củ hơn, Nghị định vẫn đang tồn tại một số điểm bất hợp lý gây khó thêm cho hoạt động kinh doanh, xuất khẩu của DN.

Theo phản ảnh của một số DN trong ngành, những quy định được đưa ra tại Nghị định 36 như người nuôi cá tra sẽ phải đăng ký diện tích, sản lượng có sự xác nhận của Chi cục Nuôi trồng thủy sản các địa phương, việc này sẽ giúp ngành quản lý tốt hơn về mặt sản lượng, tránh tình trạng thừa thiếu trên thị trường như thời gian qua. Đặc biệt, với việc đưa ra giá sàn khi xuất khẩu, sẽ loại bỏ được tình trạng DN cạnh tranh, bán phá giá, từ đây sẽ giúp cho giá cá nguyên liệu trong nước ổn định hơn, giảm được nhiều rủi ro về giá cho người nuôi. Trên thực tế, việc ra đời Nghị định 36 không ngoài mục đích ổn định, lập lại trật tự cho thị trường cá tra. Bởi lâu nay, việc phát triển một cách tự phát, kinh doanh thiếu kế hoạch, thậm chí là sẵn sàng "dìm giá nhau” của nhiều DN đã dẫn đến thị trường cá tra bất ổn, con cá tra xuất khẩu ra thị trường thế giới thường xuyên bị "soi” bằng những hàng rào kỹ thuật. Người nuôi cá cũng bị vạ lây.

Thêm áp lực

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, Nghị định bộc lộ một số khiếm khuyết, có thể gây tác dụng ngược đối với các DN hoạt động trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu cá tra. Đơn cử như quy định về chất lượng độ ẩm 83% và mạ băng – lượng băng trong cá - 10%. Về quy định này, bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn cho rằng, đây là quy định đang gây nhiều bất lợi nhất cho DN xuất khẩu cá tra. Theo bà Khanh, nếu để quy định mức ẩm độ 83% thì chắc chắn DN phải bán giá cao, không ai mua, như vậy DN khó sống. Bởi vậy, bà Khanh đề xuất, nên điều chỉnh ẩm độ ở mức trên dưới 86% là hợp lý. Đây là con số thực tế đa số của sản phẩm cá tra và đã được nhiều nước chấp nhận.

Ngoài ra, việc quy định tỷ lệ mạ băng cũng được các DN cho rằng, không nên áp đặt với tất cả các sản phẩm cá tra, kể cả sản phẩm phụ phẩm, sản phẩm giá trị gia tăng như cá tẩm bột, chả cá… để khuyến khích các DN đầu tư phát triển các sản phẩm này. Theo nhận định của một số DN, Nhà nước cần quản lý vấn đề tỷ lệ mạ băng cho phù hợp tình hình chung của các nước nhập khẩu. Bởi, nếu làm nóng vội, thị trường khó chấp nhận, gây ảnh hưởng đến xuất khẩu. Thứ nữa là vấn đề lao động, mất công ăn việc làm và cuối cùng là vấn đề tài chính, nếu chuyển đổi nhanh sẽ làm chậm xuất khẩu, hàng tồn, không đạt kế hoạch xuất khẩu…

Trước đó, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (Vasep) cũng đã từng bày tỏ băn khoăn về những yếu tố bất cập trong Nghị định 36. Mà theo nhận định của ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Vasep, một trong những quy định bất hợp lý của Nghị định 36 đó là yêu cầu DN phải đăng ký hợp đồng xuất khẩu cá tra với Hiệp hội Cá tra. Về điểm này, ông Dũng bày tỏ quan điểm: Hợp đồng kinh tế là bí mật kinh doanh của từng cá nhân, công ty, gồm điều khoản không được tiết lộ. Do vậy, việc chia sẻ thông tin với Hiệp hội Cá tra là bất hợp lý.

Nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới vẫn còn tồn đọng nhiều khó khăn, cộng đồng DN đang phải rất nỗ lực trong việc mở rộng, tìm kiếm thị trường xuất khẩu. Bởi vậy, các chính sách mà nhà quản lý xây dựng là cần thiết song, phải có tác dụng hỗ trợ, tháo gỡ bớt khó khăn cho DN chứ không nên gây thêm nhiều áp lực cho cộng đồng DN, như vậy sẽ khiến DN nản lòng. Bên cạnh đó, các thủ tục đưa ra cũng cần phải gọn nhẹ, tránh gây lãng phí thời gian, tiền bạc, nếu không, chính sách lại gây ra tác động ngược khi gây khó khăn thêm cho DN.

Minh Phương

Đại đoàn kết

Các tin tức khác

>   Làm gì để đón “sóng”? (26/07/2014)

>   Ngành thép: Nhiều sức ép tăng trưởng (26/07/2014)

>   Giá điện sẽ tiếp tục tăng? (26/07/2014)

>   Báo Mỹ kể chuyện du lịch Việt vắng khách Trung Quốc (25/07/2014)

>   Nhiều doanh nghiệp tỉnh Kanagawa muốn đầu tư sang VN (25/07/2014)

>   Đầu tư 15 tỷ USD cho phát triển hành lang kinh tế GMS (25/07/2014)

>   Đầu tư, từ đâu? (25/07/2014)

>   Giá điện cõng hơn 18.000 tỷ tiền bù lỗ cho EVN (25/07/2014)

>   Lãi tiền tỷ với kiểu mua bán "mẹ, con" của doanh nghiệp Nhà nước (25/07/2014)

>   Cuộc chuyển giao đau đớn của ngành xuất bản (25/07/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật