Doanh nghiệp Nhật Bản kiến nghị về môi trường đầu tư của Việt Nam
Ngoài nội dung phản ánh về sự thiếu ổn định trong cung cấp điện, các nhà đầu tư hàng đầu của Nhật Bản tại Việt Nam đã tỏ ý chưa hài lòng với môi trường đầu tư Việt Nam ở một số điểm như: Thiếu hụt nhân lực quản lý, thiếu hoàn thiện cơ sở hạ tầng, hệ thống pháp luật cứng nhắc...
Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản đề nghị các bộ, ngành và địa phương liên quan trả lời những kiến nghị của lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản về môi trường đầu tư ở Việt Nam.
Theo nội dung kiến nghị gửi kèm văn bản của Văn phòng Chính phủ, ông Fujio Mitarai, Chủ tịch Tập đoàn Canon Inc nêu vấn đề mở rộng ngành công nghiệp phụ trợ và đào tạo nguồn nhân lực. Ví dụ như việc phát triển các nhà sản xuất khuôn kim loại, về ngắn hạn sẽ thu hút các nhà sản xuất vừa và nhỏ của Nhật Bản nhưng về dài hạn cần đào tạo nguồn nhân lực từ các trường đại học chuyên ngành kĩ thuật.
Vào tháng 12-2013, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có buổi tọa đàm với 13 doanh nghiệp hàng đầu của Nhật Bản để lắng nghe những nguyện vọng của các doanh nghiệp này. Buổi tọa đàm đặc biệt này do Ngân hàng Tokyo-Mitsubishi cùng Ngân hàng Vietinbank phối hợp tổ chức.
Trên cơ sở nội dung tọa đàm này, tháng 5-2014 Ngân hàng Tokyo-Mitsubishi cùng Ngân hàng Vietinbank đã tổng hợp các kiến nghị của lãnh đạo các doanh nghiệp Nhật Bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ngay sau đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã gửi các kiến nghị này đến Văn phòng Chính phủ để cơ quan này "nhắc nhở" các bộ, ngành trả lời.
|
Ông Fujio Mitarai cũng đề nghị Việt Nam cần cải thiện hạ tầng điện lực. Hiện tại mỗi năm có 2 lần mất điện trên 6 tiếng, nhưng có tới khoảng 30 lần mất điện tạm thời. Do vậy chúng tôi rất mong Việt Nam cải thiện tình hình điện năng.
Ông Ike, Chủ tịch Tập đoàn Honda bày tỏ: Nguyện vọng của chúng tôi là được Chính phủ Việt Nam ban hành những chính sách phù hợp. Hiện nay chính sách của Chính phủ Việt Nam thường xuyên thay đổi. Hơn nữa, với việc thực thi tự do hóa thương mại trong AFTA, khi thuế nhập khẩu giảm từ 60% xuống còn 0% thì chắc chắn sự cạnh tranh giữa ô tô sản xuất trong nước và ô tô nhập khẩu sẽ gay gắt. Do vậy rất mong Chính phủ Việt Nam xem xét ban hành những ưu đãi dành riêng cho dòng xe sản xuất trong nước.
Ông Toshiaki Koshimura, Chủ tịch Tập đoàn Tokyu cho rằng: Liên quan tới việc phát triển nhà ở, chúng tôi kiến nghị cải tiến hơn nữa các chương trình cho vay mua nhà. Bởi vì những chương trình này có hiệu quả kinh tế cao và sức lan tỏa lớn tới các lĩnh vực liên quan. Chúng tôi hy vọng vào sự thay đổi mang tính chính sách để các chương trình cho vay mua nhà với lãi suất thấp, dài hạn góp phần thúc đẩy hơn nữa nhu cầu mua nhà.
Ngoài ra, lãnh đạo Tập đoàn này cũng kiến nghị nới lỏng điều kiện cho người nước ngoài được mua nhà và hy vọng quá trình thảo luận liên quan đến nội dung này sẽ được tiến triển hơn nữa.
Còn ông Miyauchi, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Mitsubishi lại bày tỏ mong muốn Chính phủ Việt Nam xem xét nới lỏng quy định liên quan đến việc bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ. Bởi lẽ quy định hiện nay chỉ chấp nhận cho vay ngoại tệ đối với những doanh nghiệp có thu nhập ngoại tệ đảm bảo cho khả năng chi trả, tùy theo từng loại hình kinh doanh.
"Công ty đang đầu tư vào nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 2 (Hà Tĩnh), sử dụng than nhập khẩu với công suất 1.200MW. Dự án dự kiến sẽ bắt đầu kinh doanh vào năm 2018. Chúng tôi kì vọng đây sẽ là dự án góp phần làm ổn định nguồn cung ứng điện cho Việt Nam, rất mong Chính phủ Việt Nam xem xét nới lỏng quy định bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ để tạo điều kiện cho việc huy động vốn dưới hình thức tài trợ dự án của Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản" - ông Miyauchi cho biết.
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kì 2014 vào đầu tháng 6-2014, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho biết: Đầu tư FDI của Nhật Bản vào Việt Nam liên tục tăng trong 3 năm qua. Tổng vốn đầu tư mới và đầu tư mở rộng năm 2013 đạt 5,88 tỉ USD, đứng đầu trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, đóng góp lớn cho sự phát triển công nghiệp của Việt Nam.
Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản nhận định: "Các doanh nghiệp Nhật Bản vẫn đánh giá rất cao cơ hội kinh doanh tại Việt Nam nhưng những vấn đề như: chi phí lao động tăng nhanh, thủ tục hành chính phức tạp, hệ thống pháp luật thiếu hoàn thiện... đang ngày càng ảnh hưởng nhiều đến cảm nhận của nhà đầu tư và về lâu dài sẽ có ảnh hưởng xấu đến cả hoạt động đầu tư FDI nói chung.
"Do đó cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp hiện nay là một đòi hỏi cấp bách để thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội sau này của Việt Nam" - đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản chia sẻ.
L.Bằng
hải quan
|