Đầu tư vào nông nghiệp: Đã thấy nhiều cơ hội
Từ những điển hình thành công đầu tư vào nông nghiệp như Vinamilk, TH True Milk, sữa Mộc Châu, Vinasoy, Hoàng Anh Gia Lai… hiện nay nhiều DN cũng đang ráo riết tìm hướng đầu tư vào nông nghiệp.
Sự chuyển hướng kịp thời
Nhiều mô hình sản xuất hoa, cây cảnh công nghệ cao tại Hà Nội, Đà Lạt, TP. Hồ Chí Minh đã mang lại cho người dân thu nhập từ 600 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha/năm.
Sự chuyển hướng sang nông - lâm nghiệp đã giúp giải quyết được vấn đề dòng tiền cho DN ở thời điểm khó khăn. Công ty CP phát triển nhà Thủ Đức đã tận dụng hệ thống kinh doanh chợ đầu mối nông sản từ các công ty thành viên, nhờ đó có nhiều giao dịch thành công với các mặt hàng nông sản như sắn lát, hạt điều, bắp... đạt doanh thu ban đầu 5 triệu USD. Hiện công ty đang liên kết với một nhà đầu tư trồng bắp ở tỉnh Bình Thuận, bước đầu sẽ trồng thử nghiệm theo công nghệ cao phục vụ yêu cầu xuất khẩu.
Tháng 2/2014, Nghị định 210/2013/NĐ- CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đã chính thức có hiệu lực. Theo đó, DN đầu tư vào nông nghiệp nếu thỏa mãn các tiêu chí đặt ra như xây dựng vùng nguyên liệu, ứng dụng công nghệ cao... được miễn giảm tiền sử dụng đất và hỗ trợ vốn, đầu tư hạ tầng, xúc tiến thương mại |
Tập đoàn Tân Tạo đã thành lập công ty chuyên nghiên cứu và sản xuất gạo thơm thông qua việc nghiên cứu giống lúa, đầu tư vốn và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Hiện nay, các thương hiệu gạo của Tân Tạo như Nàng Yến, Nàng Đào, Nàng Nga... và nếp đã xuất hiện ở siêu thị, được người tiêu dùng đón nhận. Mục tiêu của Tân Tạo là hợp tác với nông dân để đạt 50.000 ha trồng lúa sạch theo tiêu chuẩn GlobalGAP vào cuối năm 2015, đáp ứng nhu cầu sử dụng gạo sạch của người tiêu dùng trong nước, chuẩn bị để xuất khẩu gạo sạch thương hiệu Việt Nam.
Đồng Nai vốn là tỉnh thế mạnh về thu hút đầu tư vào công nghiệp, còn lĩnh vực đầu tư nông nghiệp chỉ tăng từ 2-3%/năm, nhưng đến nay đã tăng khoảng 16%/ năm. 6 tháng đầu năm, có khoảng 70 DN đăng ký thành lập để hoạt động sản xuất, kinh doanh trên lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có nhiều DN nước ngoài như Công ty TNHH Japfa, Công ty TNHH Emivest Việt Nam...
Trung tâm Công nghệ sinh học Đồng Nai chưa xây dựng xong hạ tầng nhưng đã có 5 DN xin đầu tư sản xuất giống tại đây. Hiện quỹ đất dành cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao của trung tâm đã hết, nhưng vẫn còn nhiều DN muốn đăng ký đầu tư. Quỹ đất còn lại của trung tâm sẽ dành để thu hút các DN chế biến nông sản nhằm nâng cao giá trị cho sản phẩm nông nghiệp. Hiện lĩnh vực này đã có gần 10 DN đăng ký đầu tư, nhưng đang đợi trung tâm hoàn thiện hạ tầng mới đầu tư xây dựng nhà xưởng.
Đã thấy nhiều cơ hội
Ông Norman Lim- Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore (Singapore Business Group) tại TP. Hồ Chí Minh - cho biết, lâu nay các DN Singapore đầu tư và nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp từ một số nước trong khu vực như Indonesia, Malaysia. Nay họ đang đến tỉnh Cần Thơ, Vĩnh Long để khảo sát đầu tư sản xuất thực phẩm.
Bên cạnh đó, nhiều quốc gia có thế mạnh đặc biệt về nông nghiệp như Israel cũng đã tài trợ trang trại thực nghiệm trình diễn bò sữa tại TP. Hồ Chí Minh, với kinh phí đầu tư 1 triệu USD để nuôi theo quy trình công nghệ và vắt sữa của Israel. Chính phủ hai nước cũng đang bàn bạc lập một quỹ nghiên cứu chung cho lĩnh vực phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam. Thông qua quỹ này, Israel sẽ cử các chuyên gia nông nghiệp sang làm việc cụ thể từng dự án, sau đó sản xuất thử và tìm hiểu chất lượng để nhân rộng các mô hình.
Ngọc Thảo
công thương
|